Chân dung "ông chú" Hàn Quốc trở thành tỷ phú đô la sau 30 năm gia công túi xách cho các thương hiệu nổi tiếng
Ở độ tuổi 62, ông Kenny Park đã có hơn 30 năm làm túi xách cho các hãng thời trang xa xỉ như Michael Kors, Marc Jacobs và Coach.
- 27-02-2018Thâu tóm Volvo, giải cứu 1 hãng xe Anh và giờ là vung tiền mua cổ phần Mercedes- Benz, tỷ phú Trung Quốc toan tính gì?
- 27-02-2018Tỷ phú Elon Musk đang sở hữu bao nhiêu bitcoin?
- 26-02-2018Chân dung tỷ phú Trung Quốc vừa có thương vụ đình đám với Mercedes-Benz
Khoảng 30% thị phần túi xách ở Mỹ và 10% thị phần túi xách trên thế giới được làm ra từ Simone Holdings của ông Park.
"Simone là nhà thiết kế sản xuất (ODM) lớn nhất thế giới cho 8 thương hiệu cao cấp toàn cầu", Ryou Hyo-sang - Hiệu trưởng trường kinh doanh CHA University, Pocheon cho biết. Ông Park là sáng lập viên, chủ tịch và cũng là người đầu tiên tìm ra phương pháp sản xuất phổ thông cho túi xách thiết kế từ 30 năm trước.
Công ty Hàn Quốc này cũng sở hữu nhiều tòa nhà cao tầng trên khắp thế giới, đưa tổng tài sản ròng của ông Park lên 1,2 tỷ USD, chủ yếu là nhờ mảng kinh doanh mũi nhọn Simone Accessory theo Bloomberg Billionaires Index. Ông Park và gia đình nắm giữ 61,9% cổ phần Simone Accessory.
Thương vụ trăm triệu đô với quỹ đầu tư lớn nhất thế giới
Công ty mẹ Simone Holdings bắt đầu thoát ly khỏi mảng kinh doanh chính để chuyển sang Simone Accessory vào năm 2015. Khi đó, Blackstone Group - quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đã quyết định mua lại 30% cổ phần công ty với giá 300 triệu USD do "niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của Simone", ông Park cho biết trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo địa phương.
Tháng 6/2016, Simone Accessory báo cáo doanh thu cho năm tài khóa kết thúc vào cùng thời gian đạt 1.100 tỷ won (tương đương 1 tỷ USD).
Năm 1987, sau khi phát hiện ra cả nguồn cung lẫn số lượng thợ may ở châu Âu giảm thiểu, trong khi thị trường túi thiết kế đang tăng trưởng, ông Park đã quyết định thành lập công ty lấy tên Simone là nickname của vợ ông.
"Lúc đó, nhiều thương hiệu tìm kiếm một nhà máy có thể thực hiện đơn hàng của họ với chi phí thấp, chất lượng cao và tốc độ nhanh", Ryou - tác giả cuốn sách viết về ông Park cho biết. "Ông Park đã tìm đến họ với một câu hỏi: Tại sao không phải là chúng tôi".
Ngày nay Simone có 6 nhà máy đặt tại Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc chuyên sản xuất túi xách cho hơn 10 thương hiệu lớn có giá sản phẩm thường được bán gấp 10 lần giá sản xuất.
Đam mê với ngành túi xách đã thúc đẩy ông thành lập một bảo tàng túi xách giữa lòng khu phố Gangnam ở Seoul. Bảo tàng này được khánh thành vào năm 2012, là nơi trưng bày hơn 300 chiếc túi trong đó có cả một chiếc túi từ thế kỷ 16.
Mua lại tổ hợp Washington Harbour
Sau nhiều năm tập trung vào sản xuất túi xách, ông Park quyết định mở rộng đế chế của mình. Ông thành lập các công ty đầu tư bất động sản dưới cái ô Simone - công ty mà ông và gia đình nắm giữ 88,9% cổ phần.
Năm 2013, một công ty con của Simone dẫn đầu nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc trong thương vụ mua lại tổ hợp Washington Harbour bên bờ sông Potomac với giá 370 triệu USD.
Một công ty con khác là Simone Investment Managers đang quản lý 1.100 tỷ won cũng nắm trong tay nhiều bất động sản trên thế giới. Năm 2016, công ty này nằm trong nhóm thâu tóm De Rotterdam - một tòa nhà của Hà Lan với giá khoảng 450 tỷ won.
"Tôi muốn mua lại thương hiệu nước ngoài nếu có cơ hội", ông Park trả lời phỏng vấn năm 2016. "Là một thành viên, Blackstone sẽ đóng một vai trò quan trọng".