MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung ông lớn "thuần nội" muốn đầu tư dự án điện lực LNG Cà Ná 49.000 tỷ đồng

Chân dung ông lớn "thuần nội" muốn đầu tư dự án điện lực LNG Cà Ná 49.000 tỷ đồng

Trong 5 nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 tại Ninh Thuận có 1 nhà đầu tư "thuần nội".

Dự án điện lực LNG Cà Ná 49.000 tỷ đồng

Tháng 12/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định về việc phê duyệt danh mục dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW. Ninh Thuận cho biết, dự án này sẽ khởi công trong quý 3/2021, đồng thời hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý 3/2024.

Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích khoảng 20ha, tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, vốn khoảng 49.000 tỷ đồng. Mục đích của dự án này là nhằm xây dựng một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp.

Về hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu: Xây dựng cảng nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng LNG thông qua cảng 4,8 triệu tấn/năm. Kho chứa LNG công suất 4x1,2 triệu tấn/năm, quy mô 4 bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 180.000m3. Dự án giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng kho chứa LNG và xây dựng, lắp đặt trước một bồn phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500 MW.

Kho tái hóa khí bao gồm 4 trạm tái hóa khí, công suất 4x1,2 triệu tấn/năm. Dự án giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng khu tái hóa khí và xây dựng, lắp đặt trước một trạm tái hóa khí phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500MW. Hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1, công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Đối với diện tích mặt nước, diện tích cảng nhập LNG, hành lang và tuyến ống LNG khoảng 25ha; diện tích đê chắn sóng khoảng 12ha; diện tích cửa nhận nước của trạm bơm và tuyến ống thải nước làm mát khoảng 5,53ha.

Chân dung ông lớn thuần nội muốn đầu tư dự án điện lực LNG Cà Ná 49.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Khu vực xây dựng Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW. Ảnh: Báo Thanh Niên

Mới đây UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định công nhận các nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án đồng thời chỉ đạo hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuẩn bị cho công tác đấu thầu dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1.

Theo quyết định, có 5 nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm gồm: Liên danh Korea Consortium gồm Tổng công ty Năng lượng Hanwha - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc; Công ty Gulf MP Company Limited; Tập đoàn Jera Company Inc; Liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France - Công ty Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) - Công ty Siemens Energy AG - Công ty Cổ phần Zarubezhneft; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam.

Chân dung doanh nghiệp "thuần nội" muốn đầu tư dự án

Như vậy, trong số 5 nhà đầu tư này, có duy nhất Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam là doanh nghiệp "thuần Việt" muốn thực hiện đầu tư cho dự án 49.000 tỷ đồng này.

Được biết, Tập đoàn Trung Nam nhận chuyển nhượng dự án Cà Ná từ Tập đoàn Hoa Sen. "Trung Nam đang theo đuổi mảng năng lượng nên nhận chuyển nhượng dự án Cà Ná từ Hoa Sen", CEO Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến đề cập lý do tập đoàn này mua lại dự án tại Lễ ký kết hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài là Hitachi, Nhật Bản hồi giữa tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, ông Tiến không tiết lộ giá trị chuyển nhượng.

"Hiện nay, Trung Nam đang đầu tư Cảng tổng hợp Cà Ná. Cảng này sẽ mở ra một cánh cửa để phát triển kinh tế vùng rất tốt... Chính phủ đã đồng ý cho quy hoạch trung tâm điện khí Cà Ná LNG. Cà Ná có địa hình tự nhiên cảng sâu nên tàu vào rất thuận lợi. Nếu làm điện khí Cà Ná, cảng Cà Ná cũng sẽ được phát triển vì có 2 kè chắn sóng bao cảng lại và 25 phân khu của cảng Cà Ná sẽ phát triển cùng với điện khí Cà Ná.

Hiện nay, tỉnh rất nhạy trong việc quy hoạch đầu tư cụm công nghiệp và khu đô thị để thu hút chuỗi sản xuất dịch chuyển tại đây. Nên cá nhân tôi nghĩ, với cả góc độ kỹ thuật và kinh tế, thì điểm trung tâm điện khí Cà Ná cũng như cảng Cà Ná sẽ là điểm "mở toang" kinh tế cho cả vùng này", CEO Trung Nam nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực năng lượng, Trung Nam phát triển cả 3 nảng: Điện gió, mặt trời, thủy điện. Ảnh: Trung Nam.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thành lập vào năm 2004, hiện đội ngũ cán hộ công nhân viên là 1.500 nhân viên. 3 lĩnh vực làm nên thành công của doanh nghiệp này là: Năng lượng, Hạ tầng và Bất động sản.

Trong lĩnh vực năng lượng, tính đến nay, các dự án được Trung Nam triển khai thành công là thủy điện đạt 118MW, điện gió 151,95MW, điện mặt trời là 794MW AC.

Năm 2007, Dự án thủy điện Đồng Nai 2 tại tỉnh Lâm Đồng có tổng mức đầu tư 3.665 tỷ đồng. Đây được xem là dự án lớn đầu tiên trong ngành điện của công ty này. Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 cũng là công trình giúp Trung Nam đạt giải thưởng công trình chất lượng cao nhất do Bộ Xây dựng cấp.

Chân dung ông lớn thuần nội muốn đầu tư dự án điện lực LNG Cà Ná 49.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Dự án thủy điện Đồng Nai 2. Ảnh: Trung Nam.


Ninh Thuận là một khu vực mà Trung Nam có đầu tư nhiều dự án năng lượng với số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong số đó, có thể kể tên một số dự án như Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.

Tại đây, Trung Nam cũng có tổ hợp năng lượng tái tạo Điện mặt trời và Điện gió lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Dự án gồm 45 trụ điện gió với công suất 151.95 MW. Tổng vốn đầu tư dự án gần 4.000 tỷ đồng, trải dài trên vùng đất rộng 900 ha. Nhà máy này kết hợp với nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW hoàn thiện trước đó, hình thành nên tổ hợp.

Bên cạnh năng lượng, Trung Nam cũng có nhiều công trình nghìn tỷ như: Dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt (Golf Valley), tổng mức đầu 150 triệu USD, Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng...

Trong quá trình phát triển của mình, Trung Nam nhận được nhiều giải thưởng lớn như Dự án hạ tầng công cộng tiêu biểu 2017, Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018,...

Để đạt được những thành công đó, ông Tiến cho biết: "Trung Nam có thể không phải là doanh nghiệp đứng đầu về quy mô dự án, nhưng chúng tôi đảm bảo chất lượng, an toàn và đặc biệt, thời gian luôn phải nhanh nhất. Để đảm bảo việc đó, chuyện ăn ngủ cùng anh em dự án với tôi là thường".


Theo Pha Lê

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên