MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung ông trùm casino Do Thái Sheldon Andelson: 12 tuổi đi bán báo rong kiếm sống, phá sản 2 lần khi mới 30 tuổi, đến 50 tuổi mới thực sự giàu có

06-03-2019 - 20:08 PM | Tài chính quốc tế

Ngoài danh hiệu ông trùm sòng bạc, Adelson còn được giới khởi nghiệp kính nể khi tính đến thời điểm hiện tại, ông đã tự tay xây dựng được khoảng 50 công ty kinh doanh khác nhau và trở thành một tỷ phú tự thân, nhà khởi nghiệp điển hình tại Mỹ.

Theo một thống kê năm 2016, Người Do Thái Mỹ là nhóm dân tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất nước Mỹ. Tổng dân số người Do Thái rất ít ỏi chỉ có 2% tổng dân số Hoa Kỳ. Nhưng 40% tỷ phú ở nước này là người Do Thái.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những vĩ nhân Do Thái nổi bật". Họ là những người phần lớn đi lên từ bàn tay trắng trở thành những người nổi tiếng trên thế giới.

Vào năm 2016, giới truyền thông thực sự bất ngờ khi ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson chi tới 25 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Donald Trump, trở thành người quyên góp nhiều nhất cho ứng cử viên này và cũng là cá nhân chi tiền nhiều nhất ủng hộ tranh cử tổng thống 2016.

Đối với người có 33,3 tỷ USD tài sản và xếp thứ 15 trong số những người giàu nhất thế giới, con số 25 triệu USD chẳng là gì. Tuy nhiên nhiều người lại quan tâm đến con đường lập nghiệp của Adelson hơn là ông chi bao nhiêu tiền cho Tổng thống Trump.

Vào đời từ năm 10 tuổi

Sheldon Gary Adelson sinh ngày 4/8/1933 tại Dorchester, một thị trấn nghèo gần thành phố Boston-Mỹ. Cha của ông là người Do Thái có gốc từ Ukraine còn mẹ ông là người nhập cư Anh. Gia cảnh của gia đình Adelson lúc đó rất nghèo khi bố làm lái taxi còn mẹ mở tiệm đan len nhỏ.

Ngay từ nhỏ Adelson đã có ý thức rất lớn trong việc kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Năm 12 tuổi, Adelson vay 200 USD từ người cậu để mua giấy phép bán báo tại Boston và tự kiếm thêm tiền phụ gia đình. Năm 16 tuổi, ông tiếp tục vay 10.000 USD từ người chú để đầu tư kinh doanh máy bán kẹo tự động.

Sau khi gia nhập quân đội và giải ngũ, Adelson đã khởi nghiệp rất nhiều, từ kinh doanh dụng cụ nhà tắm đến bán keo xịt tẩy gương, kinh doanh dịch vụ du lịch… Do thiếu kinh nghiệm nên rất nhiều lần Adelson trắng tay, nhưng ông cũng học hỏi được nhiều điều từ đó để xây dựng nên hàng loạt sự nghiệp thành công.

Chân dung ông trùm casino Do Thái Sheldon Andelson: 12 tuổi đi bán báo rong kiếm sống, phá sản 2 lần khi mới 30 tuổi, đến 50 tuổi mới thực sự giàu có - Ảnh 1.

Vào cuối những năm 1960, sự nghiệp kinh doanh của Adelson gặp nhiều khó khăn do thị trường chứng khoán đi xuống và ông chuyển qua đầu cơ bất động sản tại Boston. Thành công một lần nữa lại đến với Adelson nhưng cũng ra đi nhanh chóng khi thị trường bất động sản hạ nhiệt.

Đây là một trong những giai đoạn đầy thử thách với Adelson, người đã trải qua rất nhiều ngành nghề và vẫn luôn khát khao tìm đường để quay lại với sự giàu sang mà mình đã từng đạt được. Năm 1973, sau khi đầu tư vào ngành xuất bản, Adelson nhận ra mảng máy tính cá nhân đầy tiềm năng và quyết định xây dựng những hội chợ công nghệ cho mảng này. Ông bán tất cả cổ phần để xây dựng Interface Group chuyên tổ chức hội chợ máy tính.

Ban đầu công ty tăng trưởng khá chậm và chỉ tạo ra 250.000 USD trong năm đầu tiên. Đến năm 1979, Adelson tái cấu trúc công ty và cho ra mắt Comdex, chuyên tổ chức hội chợ, triển lãm công nghệ tại Las Vegas.

Thời điểm đầu Adelson tổ chức hội chợ tại vùng ven Las Vegas nhằm tiết kiệm chi phí và bằng mối quan hệ cá nhân, ông đã thu hút được lượng lớn công ty điện tử máy tính tham dự. Ông cho thuê mặt bằng hội chợ với giá 40 USD/m2 nhưng lại chỉ trả cho chủ đất khoảng 15 USD/m2 và kiếm được bộn tiền.

Có thể nói đây là một trong những thời điểm khá thuận lợi cho Adelson khi hàng loạt những công ty như IBM, Apple hay Microsoft đang phất lên nhanh chóng và triển lãm của vị doanh nhân Do Thái này là nơi lý tưởng để các hãng quảng cáo sản phẩm mới lạ đến người tiêu dùng.

Đến năm 1987, Comdex đã thu về 20 triệu USD và trở thành triển lãm thương mại lớn nhất ở Las Vegas. Đến cuối thập kỷ, Interface Group đạt lợi nhuận ròng 250 triệu USD và Comdex được mở rộng sang nhiều nước khác.

Trở thành ông trùm sòng bạc

Sống và làm việc tại Las Vegas, dĩ nhiên Adelson không thể bỏ qua mảng kinh doanh sòng bạc khi đã có lượng vốn khá lớn.

Từ năm 1984, Adelson đã cho xây dựng tổ hợp khách sạn Casino The Sands. Adelson không sợ Steven Wynn - ông trùm số 1 của thủ đô sòng bạc Las Vegas hàng chục năm liền - mà còn ngang nhiên đối đầu bằng những dự án với số tiền bạc tỉ khổng lồ chưa từng có trong giới kinh doanh sòng bạc ở Las Vegas.

Chân dung ông trùm casino Do Thái Sheldon Andelson: 12 tuổi đi bán báo rong kiếm sống, phá sản 2 lần khi mới 30 tuổi, đến 50 tuổi mới thực sự giàu có - Ảnh 2.

Hội chợ Comdex năm 1999

Vào cuối những năm 1980, Adelson và các đối tác của ông bắt đầu săn lùng bất động sản khách sạn để phát triển các công ty du lịch và máy bay cá nhân. Năm 1988, họ đã mua Sands Casino huyền thoại với giá 128 triệu USD. Nơi đây nổi tiếng là chốn ăn chơi của huyền thoại âm nhạc Frank Sinatra và Rat Pack.

Từ đó, tỷ phú Sheldon Adelson đã thiết kế lại theo mô hình kinh doanh theo cách của riêng mình. Ông xây dựng khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và trung tâm hội nghị cho các sự kiện của công ty, bao gồm cả Comdex. Trong thời gian đó, ông đã phải đấu tranh với chính quyền và các tổ chức để xây dựng một Sands Casino mới và Trung tâm Hội nghị.

Đối với Adelson, điều hành sòng bạc theo lối thông thường là tầm thường, nhất là đối với Thành phố Tội lỗi (biệt danh của Las Vegas). Vì vậy, ông quyết định biến Las Vegas thành trung tâm kinh doanh quốc tế, thu hút doanh nhân giàu có.

Năm 1991, Sheldon có ý tưởng xây dựng một tổ hợp khách sạn Casino Venetian theo kiến trúc Venedig ngay tại Las Vegas. Ông đã cho nổ tung và san bằng Sands Casino trước đó để xây mới sòng bạc The Venetian với tổng chi phí 1,5 tỷ USD.

Tỷ phú Adelson cho xây dựng hơn 400 mét kênh đào nhân tạo chạy quanh khu tổ hợp khách sạn Casino Venetian được xây dựng nguy nga tráng lệ, toàn bộ ốp đá cẩm thạch. Tại đây có hơn 4.000 phòng khách sạn Suiten, 12 nhà hàng sang trọng và cả một khu phố mua sắm cao cấp. Khách đến sòng bạc có thể lựa chọn mọi hình thức chơi bạc tại 122 bàn chơi có người phục vụ hoặc tại 2.500 máy tự động.

Trong một lần chia sẻ với báo giới, ông trùm casino từng nói: "Tôi mất tới 11 năm để kiếm về 1 tỷ USD đầu tiên. Trong khi đó, tôi hiện bỏ túi 1 tỷ USD trong vòng chưa đầy 2 tháng".

Tỷ phú Adelson không ngừng tạo ra những chiêu trò mới. Ông không ngại phá vỡ các quy tắc cơ bản trong thiết kế sòng bạc nhằm tăng tốc độ doanh thu. Ai cũng công nhận, ông đã chứng minh cho cả thế giới thấy đến Las Vegas không có nghĩa chỉ để đánh bài.

Với sự nhạy bén của mình, Adelson nhận ra mảng máy tính cá nhân đang dần bão hòa và ông quyết định chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản, khách sạn, nghỉ dưỡng, du lịch và casino.

Năm 1995, ông bán Comdex cho Softbank của Nhật Bản với giá 862 triệu USD, nhà tỷ phú kiếm về hơn 500 triệu USD từ thương vụ này.

Chân dung ông trùm casino Do Thái Sheldon Andelson: 12 tuổi đi bán báo rong kiếm sống, phá sản 2 lần khi mới 30 tuổi, đến 50 tuổi mới thực sự giàu có - Ảnh 3.

Tỷ phú Adelson có ảnh hưởng khá lớn tại Israel

Sau thành công của Venetian, tỷ phú Sheldon Adelson có được một khoản đề nghị béo bở khiến ông không thể từ chối. Thông qua đối tác kinh doanh, ông đàm phán một thỏa thuận để mở một khu nghỉ mát kiêm sòng bạc Venetian trên đảo của Macao, Trung Quốc, nơi mà giờ đây đã trở thành trung tâm cờ bạc lớn châu Á.

Năm 2002, ông đã chính thức đặt chân vào "mỏ vàng" Macao khi bỏ ra gần 300 triệu USD để xây dựng một Casino Sands theo kiểu Las Vegas. Tại đây, những kẻ ăn chơi không cần đếm tiền có thể chơi bạc, sử dụng mọi tiện nghi xa hoa nhất, dịch vụ xa xỉ nhất.

Thấy hết tiềm năng và lợi thế của Macao - thủ phủ sòng bạc Châu Á, trong đầu Sheldon Adelson đã hình thành ngay một kế hoạch đầu tư "bành trướng". Sheldon chấp nhận bỏ khoảng 6 tỉ USD để biến Cotai, thuộc Macao thành một Las Vegas Châu Á.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt ở Macao chưa kết thúc, nhưng Sheldon Adelson đã lại có ngay những kế hoạch kinh doanh tiếp theo ở các nước Châu Á khác như: Singapore, Thái Lan, Indonesia. Những động thái nới lỏng quy định đầu tư vào sòng bạc ở các nước này đều được Sheldon quan tâm và theo dõi chặt chẽ. Ông không bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh khi nó đến với mình.

Thành công nối tiếp thành công, Sheldon Adelson vươn lên vị trí người giàu thứ 3 thế giới vào năm 2006, 2007 và 2008 với gia sản 26 tỉ USD và biệt danh "Vua sòng bạc". Vào thời điểm hoàng kim này, mỗi giờ ông thu về lợi nhuận gần 1 triệu USD nhờ hệ thống casino sang trọng trải từ Las Vegas (Mỹ) đến Macao (Châu Á). Tốc độ làm giàu này chưa tỉ phú nào đạt được.

Sheldon Adelson chi sẻ triết lý kinh doanh của mình: "Đó là tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới và luôn làm mọi việc một cách khác biệt, làm những điều chưa ai làm. Chẳng hạn chưa từng có ai trên thế giới này nghĩ đến việc xây dựng những khu phức hợp nghỉ dưỡng trước tôi. Tôi đã làm việc trong ngành kinh doanh trong suốt 67 năm qua. Đó là cả một chặng đường dài. Tôi biết tôi là một ông già, nhưng điều này giúp tôi. Tôi không cần đến nghiên cứu thị trường. Thường tôi chỉ đến một nơi, cảm nhận và đánh giá từ chính bản năng kinh doanh và quyết định".

Những người thân cận với Adelson nhận xét ông là một doanh nhân xuất sắc nhưng rất nóng tính và chặt chẽ quá mức cần thiết. Những người làm việc dưới quyền ông thường bị ám ảnh bởi tiếng quát tháo.

Adelson cũng đặc biệt chú ý đến nghệ thuật marketing. Ông sẵn sàng mạo hiểm và luôn làm những gì người khác chưa làm, luôn mong muốn tìm ra cái mới để kinh doanh và đầu tư. Ít người ngờ rằng dù quản lý các sòng bạc lớn nhưng Adelson hiếm khi chơi bài.

Ngoài danh hiệu ông trùm sòng bạc, Adelson còn được giới khởi nghiệp kính nể khi tính đến thời điểm hiện tại, ông đã tự tay xây dựng được khoảng 50 công ty kinh doanh khác nhau và trở thành một tỷ phú tự thân, nhà khởi nghiệp điển hình tại Mỹ.

Rõ ràng, xuất thân của một con người không nói lên được nhiều điều, nhưng ý chí và lòng khát khao thành công lại có thể minh chứng cho phẩm chất của 1 tỷ phú. Đối với Adelson, cho dù phải bán báo mưu sinh từ năm 10 tuổi nhưng cuối cùng ông vẫn trở thành tỷ phú nhờ quyết tâm làm giàu của mình.

Chân dung ông trùm casino Do Thái Sheldon Andelson: 12 tuổi đi bán báo rong kiếm sống, phá sản 2 lần khi mới 30 tuổi, đến 50 tuổi mới thực sự giàu có - Ảnh 4.

Tỏ hợp khách sạn-casino Marina Bay Sands tại Singapore, được Adelson xây dựng với chi phí cao thứ 3 thế giới

Theo AB

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên