MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung vị tỷ phú Ấn Độ muốn đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam

Chân dung vị tỷ phú Ấn Độ muốn đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam

Ngày 25/6, ông Sandeep Mehta, Chủ tịch Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani đã thay mặt tỷ phú Gautam Adani tuyên bố cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam trong tổng số 100 tỷ USD "nhàn rỗi" mà tập đoàn này đang muốn sử dụng để đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, ông Mehta cũng đưa ra thông tin Tập đoàn Adani sẽ tham gia vào công tác xã hội tại Việt Nam với nguồn tài chính trích ra từ quỹ thiện nguyện 7,5 tỷ USD của doanh nghiệp này.

Trước đó, Tập đoàn Adani cũng đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo tại Việt Nam vào năm 2021. Đó là Dự án điện gió tại Công ty TNHH Điện gió Adani Phước Minh với công suất 27,3 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận và Dự án điện mặt trời công suất 50MW cũng tại Ninh Thuận.

Tỷ phú Gautam Adani đánh giá cao tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ông Adani cho biết, Tập đoàn Adani sẽ mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Các lĩnh vực sẽ được tập trung đầu tư bao gồm cảng biển, càng hàng không và nhiệt điện theo hình thức liên doanh phát triển mới hoặc đầu tư vào các dự án đã có sẵn.

Nếu các dự án này thành công, Ấn Độ sẽ lọt top 10 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất tại Việt Nam.

Chủ của Tập đoàn Adani là tỷ phú người Ấn Độ Gautam Adani. Ông Adani sinh ra trong một gia đình đông con và kinh doanh ngành dệt may ở miền tây Ấn Độ. Ông theo học chuyên ngành Thương mại thuộc Đại học Gujarat nhưng bỏ học giữa chừng khi bước sang năm thứ 2.

Chân dung vị tỷ phú Ấn Độ muốn đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam - Ảnh 1.

Tỷ phú Gautam Adani. Ảnh: The Economic Times

Năm 1988, ông thành lập Adani Enterprises chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa. Năm 1994, Adani Enterprises đã được chính quyền bang Gujarat chấp thuận thành lập một bến cảng để xếp dỡ hàng hóa của chính công ty tại Cảng Mundra.

Năm 2009, ông Adani tiếp tục gia nhập lĩnh vực sản xuất điện. Ngoài ra, Tập đoàn Adani cũng kinh doanh trong các lĩnh vực từ sản xuất và truyền tải điện, dầu ăn, đến bất động sản và than đá. Tập đoàn này có tới 6 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Ấn Độ, trong đó công ty có giá trị nhất là Adani Green Energy. Cổ phiếu của công ty này đã tăng 77% trong năm qua.

Trong 2 năm trở lại đây, ông Adani chuyển sang kinh doanh năng lượng tái tạo, sân bay, trung tâm dữ liệu và hợp đồng quốc phòng. Ông tiết lộ về kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo lên gần 8 lần vào năm 2025. Tháng 5/2021, Adani Green đã đồng ý mua mảng kinh doanh năng lượng tái tạo địa phương của SoftBank Group có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD.

Ông Andani đã cam kết chi 10 tỷ USD trong 3 năm tới như một phần trong kế hoạch đầu tư 76 tỷ USD vào năng lượng tái sinh. Từ nay đến năm 2030, ông cũng cam kết đầu tư tổng cộng 70 tỷ USD nhằm đưa tập đoàn của ông trở thành nhà sản xuất năng lượng tái sinh lớn nhất thế giới.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp, tài sản của ông Adani vẫn tăng vọt từ 8,9 tỷ USD vào năm 2020 lên đến hơn 50 tỷ USD vào tháng 3/2021. Theo số liệu cập nhật của Forbes đến ngày 27/6/2022, tài sản ròng của ông Adani là 98,1 tỷ USD, là người giàu nhất châu Á và xếp thứ 6 trên bảng xếp hàng tỷ phú của Forbes.

Chia sẻ về động lực kinh doanh của mình, ông Gautam Adani đã nói: "Trở thành một doanh nhân là công việc mơ ước của tôi vì nó kiểm tra sự kiên trì của mỗi người. Tôi không bao giờ có thể nhận lệnh từ bất kỳ ai".

https://cafef.vn/chan-dung-vi-ty-phu-an-do-muon-dau-tu-10-ty-usd-vao-viet-nam-20220627015425055.chn

Anh Ngọc

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên