Chặn hàng xuất khẩu đội lốt "made in Vietnam"
Thương chiến Mỹ - Trung leo thang khiến phía Mỹ "để ý" hơn đến xuất xứ hàng Việt, doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách làm ăn để ứng phó
- 02-07-2019Người tiêu dùng phân biệt hàng “Made in Vietnam” bằng niềm tin
- 02-07-2019Phát ngôn mới nhất của ông chủ Asanzo: 'Sản phẩm Asanzo là Made in Vietnam'
- 27-06-2019Vụ Asanzo, thiếu quy định 'made in Việt Nam' làm sao xử được
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông vừa ký quyết định phê duyệt đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ". Trong đó, lưu ý các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát xuất xứ của hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tránh gian lận xuất xứ.
Thiếu nguyên liệu nội
Đáng chú ý, đề án nói trên được phê duyệt chỉ 2 ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc) được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi xuất khẩu sang Mỹ.
Thép là mặt hàng được nhắc nhiều nhất khi đề cập đến câu chuyện hàng hóa bị mượn xuất xứ Việt Nam khi xuất qua nước ngoài. Tương tự trong năm 2018, Mỹ cũng tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam và sau đó tuyên bố áp thuế suất tới 374,15% đối với các mặt hàng này.
Thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị áp thuế rất cao vì bị nghi đánh tráo xuất xứ Ảnh: Tấn Thạnh
Lý giải cho thực trạng, ông Đinh Công Khương - Chủ nhiệm CLB các doanh nghiệp (DN) thép tại TP HCM, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai - cho biết nhiều năm trước, do Việt Nam chưa sản xuất được thép cán nóng bởi công nghệ khó và đòi hỏi đầu tư vốn lớn nên phải nhập khẩu nguyên liệu từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Đài Loan. Từ thép cán nóng nhập khẩu, DN trong nước thực hiện khâu cán nguội - công đoạn đơn giản và cần đầu tư ít tốn kém, rồi chuyển qua mạ kẽm hoặc mạ màu sau đó xuất khẩu sang nước khác, chủ yếu là Mỹ.
"Khi chưa sản xuất được nguyên liệu, bắt buộc phải nhập khẩu mới có nguyên liệu để sản xuất. Sau này, dù Formosa đã sản xuất được thép cán nóng nhưng một số DN vẫn nhập từ Trung Quốc thay vì mua trong nước bởi thời gian đầu, Formosa chào giá cao. Do đó, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ "tuýt còi" là hoàn toàn có lý do" - ông Khương giải thích thêm.
Theo luật sư Lê Thành Kính, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, thực trạng DN Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất, thành lập nhà máy, đưa nguyên phụ liệu sang để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu đi các nước đã diễn ra từ khá lâu. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến Mỹ để ý hơn đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bởi nghi ngờ hàng Trung Quốc "mượn đường" Việt Nam để sang Mỹ. "Tôi từng có khách hàng là DN sản xuất tấm thảm nhãn hiệu Việt xuất sang Mỹ nhưng gần như nhập chủ yếu thành phẩm từ Trung Quốc. Nhiều DN khác chỉ thực hiện một số khâu đơn giản cuối cùng như cắt, đóng gói, chứng nhận và dán nhãn xuất xứ rồi chuyển hàng đi nước khác" - luật sư Lê Thành Kính dẫn chứng.
Ngoài ra, DN nước ngoài lợi dụng DN Việt không có nguyên liệu bán thành phẩm nhưng lại có nhân lực lao động, có lợi thế đất đai, nhà xưởng… nên chọn Việt Nam làm cứ điểm để đưa hàng hóa sang, chế biến thành sản phẩm "made in Vietnam" rồi xuất đi những thị trường được ưu đãi. Hiện nay, ngoài Mỹ, hàng loạt hiệp định thương mại tự do Việt Nam mới ký kết cũng tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa xuất khẩu đội lốt xuất xứ Việt Nam gia tăng. "Việc này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu, nếu không có giải pháp khiến các nước đối tác phát hiện, ta sẽ bị phạt rất nặng" - ông Kính lưu ý.
Nhiều cách ứng phó
Theo Bộ Công Thương, để đối phó với tình trạng trên, cần sự phối hợp giữa nhiều cơ quan để kiểm tra, giám sát và xử lý hiệu quả. Ông Lương Kim Thành, Phó trưởng Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết hiện bộ đã theo dõi, thống kê danh sách mặt hàng bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM bởi các nước cũng như những mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. "Tuy nhiên, để tránh tình trạng bị lợi dụng hoặc tiếp tay làm giả xuất xứ, gian lận thương mại, chúng tôi khuyến nghị DN nắm vững quy định pháp lý về xuất xứ, PVTM của Việt Nam và nước xuất khẩu" - ông Thành nói.
Theo luật sư Lê Thành Kính, bên cạnh việc DN phải chủ động tìm hiểu và nắm vững quy định xuất xứ của hàng xuất khẩu, nhà nước phải hướng dẫn DN một số nguyên tắc về xuất xứ. Chẳng hạn, hiện Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với Mỹ, Liên minh châu Âu, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần tổ chức hội thảo, tập huấn giúp DN nắm rõ nguyên tắc tính xuất xứ Việt Nam đối với các nguyên phụ liệu được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu, bao gồm cả cách tính nguyên liệu từ những nước được phép cộng gộp vào phần tính xuất xứ của Việt Nam. Điều này sẽ giúp DN giảm gánh nặng trong việc tìm kiếm những nguyên liệu hoặc hàng hóa bán thành phẩm trong nước chưa đáp ứng được. "Chính sách pháp luật phải đồng bộ và khâu xử lý phải nghiêm hơn nữa để nghiêm trị những trường hợp cố tình làm ăn gian dối, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia" - ông Kính nói.
Với riêng mặt hàng thép, ông Đinh Công Khương nhận định thời gian tới, sản phẩm thép cán nóng trong nước sẽ có khả năng đáp ứng được nhu cầu của DN sản xuất, giá thành cũng cạnh tranh hơn. Đây là lối ra cho DN trong việc ứng phó với cáo buộc về xuất xứ trước bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
"Trung Quốc hiện chào giá thép cán nóng loại 1,2-3mmm là 520-540 USD/tấn, trong khi thép của Formosa hiện chỉ còn khoảng 530 USD/tấn với sản lượng cả năm lên đến 7 triệu tấn. Như vậy, giá thép cán nóng Trung Quốc và sản phẩm trong nước đã khá cạnh tranh. Ngoài ra, Tập đoàn Hòa Phát cũng dự kiến năm 2020 cho ra lò thép cán nóng với công suất khoảng 1 triệu tấn, tiến đến 2 triệu tấn trong những năm sau. DN trong nước có nguồn cung cấp khá dồi dào, đủ để chứng minh được nguồn gốc xuất xứ mà không cần phải nhập khẩu. Tất nhiên, các tập đoàn sản xuất thép cán nóng không được cậy thế để đẩy giá lên cao buộc DN phải mua từ nguồn khác cạnh tranh hơn" - ông Khương nhận xét.
Xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ
Theo đề án vừa phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM; giúp DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện, hướng tới xuất khẩu bền vững. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, kể cả sáp nhập, mua lại và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ hoặc bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
Ngoài ra, đề án cũng nêu rõ cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh trốn thuế. Đồng thời, rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đề án cũng lưu ý các hiệp hội, ngành hàng thông báo thường xuyên để DN hội viên không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ và lẩn tránh biện pháp PVTM.
PHƯƠNG NHUNG
Người lao động