Chán “lướt sóng” cổ phiếu, nhà đầu tư săn tìm trái phiếu với lãi suất 10-13%/năm
Lướt sóng chứng khoán sẽ không còn “dễ ăn” trong năm 2022 bởi thị trường sẽ ngày càng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và trong các nhóm ngành. Nhiều nhà đầu tư vì thế đã chuyển vốn sang đầu tư kênh trái phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm.
- 24-03-2022Thị trường trái phiếu đặt mục tiêu dư nợ đạt tối thiểu 58% GDP
- 18-03-2022Chứng khoán SmartInvest (AAS) sẽ chi tối đa 200 tỷ đồng mua trái phiếu Nova Land (NVL)
- 18-03-2022FiinGroup trở thành đơn vị xác nhận trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế
Thị trường sideway, khó tìm được sóng để "lướt" cổ phiếu
Theo nhận định của các chuyên gia, 2022 sẽ không còn là một năm thị trường bùng nổ với những con sóng ngành, cổ phiếu tăng bằng lần như năm trước. Các vấn đề xung đột chính trị, dịch bệnh còn căng thẳng và nỗi lo về lạm phát khắp toàn cầu khiến cho việc kiếm tiền trên thị trường cổ phiếu khó khăn hơn nhiều so với năm 2021.
Kể từ đầu năm nay, chỉ số VN-Index vẫn duy trì trạng thái đi ngang, thị trường đã nhiều lần vượt qua ngưỡng 1.500 điểm song lại không duy trì được ở mức này. Cổ phiếu của các nhóm ngành cũng không tạo sóng rõ rệt như năm 2021, chỉ tăng một vài phiên sau đó lại bị điều chỉnh giảm.
Dòng tiền có sự phân hóa đáng kể, chủ yếu chạy theo nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang giá hàng hóa trên thị trường quốc tế. Tỉ trọng phân bổ chuyển hướng đổ vào nhóm hàng hoá, chứng khoán, xây dựng và vật liệu, giảm ở nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản, bất động sản.
Nhìn chung, với mức tăng trưởng bùng nổ trong năm qua, nhà đầu tư đang phải bắt đầu năm 2022 với một nền định giá không còn thấp, do vậy việc đưa ra quyết định giải ngân phải thật sự thận trọng mới tránh được thua lỗ.
Không còn mặn mà với cổ phiếu, nhà đầu tư đưa dòng tiền tới đâu?
Bước sang năm 2022, nhiều kênh đầu tư trở nên khó khăn: giá vàng cao kỷ lục tạo ra mức chênh tương đối lớn so với vàng trên thế giới nên rủi ro mua vào lúc này là rất lớn. Bất động sản sau thời kỳ tăng nóng thì giờ đây cùng không còn rẻ, thậm chí là tiềm ẩn rủi ro bong bóng, bên cạnh đó các chính sách siết tín dụng bất động sản, thắt chặt chính sách thuế có thể khiến cho kênh đầu từ này trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, thị trường chứng khoán đi ngang, lãi suất tiết kiệm thấp với kỳ hạn 1 năm chỉ được trên dưới 6%/năm khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân đang phải tìm đến kênh đầu tư khác.
Trái phiếu là kênh được nhà đầu tư bắt đầu chú ý vài năm trở lại dây, giúp cho thị trường này phát triển bùng nổ. Hiện nay, trên các "chợ trái phiếu", nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp đang được chào bán với mức lãi suất hấp dẫn cho các nhà đầu tư cá nhân. Chẳng hạn trái phiếu của CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam trả lãi suất lên tới 12%/năm, CTCP Kinh doanh F88 với lãi suất 11,3%/năm, Golden Gate với lãi suất 10,32%/năm.... Điều này khiến cho không ít nhà đầu tư cảm thấy đủ hấp dẫn và muốn rút vốn để chuyển qua đầu tư ở kênh này.
Anh Võ Thành Nam (34 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, năm 2021 anh thắng đậm từ đầu tư cổ phiếu, mua đâu lãi đó. Nhưng kể từ năm nay, kiếm tiền trên thị trường cổ phiếu không còn dễ dàng nữa, chỉ vì lựa chọn sai cổ phiếu mà tài khoản của anh đã mất 20% trong đợt thị trường giảm sâu vừa rồi. "Tôi có người bạn đang làm mảng trái phiếu bên công ty chứng khoán, anh ấy giới thiệu trái phiếu của những doanh nghiệp tương đối an toàn với lãi suất 10%, tôi đang cân nhắc rút tiền từ chứng khoán để mua trái phiếu để đỡ đau đầu vì nhìn bảng điện lên xuống"- anh nói với chúng tôi.
Thị trường trái phiếu dù mới phát triển trong một thời gian ngắn, nhưng không thể phủ nhận tốc độ tăng trưởng của kênh dẫn vốn này. Đơn cử như năm 2021 vừa qua là một năm thăng hoa của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi khối lượng phát hành đạt kỷ lục gần 659.000 tỷ đồng, tăng trưởng 42%. Diễn biến thị trường này vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong đầu năm nay khi VBMA công bố tổng giá trị phát hành trong 2 tháng đầu năm là 22.185 tỷ đồng trong đó phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31%, phát hành riêng lẻ tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khác với kênh đầu tư cổ phiếu chưa đựng nhiều rủi ro, đầu tư trái phiếu về bản chất là nhà đầu tư sẽ nhận được các khoản thu nhập lãi và gốc cố định, kéo dài trong nhiều năm. Lãi suất trái phiếu thường cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
Năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục đà sôi động, lãi suất nhích tăng và sẽ là một kênh đầu tư ngày càng hấp dẫn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phải cứ mua trái phiếu thì nhà đầu tư sẽ yên tâm hoàn toàn về khoản lợi nhuận. Rất có thể đầu tư trái phiếu khiến nhà đầu tư "ngậm trái đắng" nếu không biết chọn mặt gửi vàng. Do vậy, để giảm thiểu tối đa rủi ro, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về chủ thể phát hành, lựa chọn những trái phiếu của doanh nghiệp có uy tín, hoạt động kinh doanh có dòng tiền ổn định để đảm bảo về khả năng trả nợ của doanh nghiệp đó.