Chặn ngay nạn bơm tạp chất vào tôm
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
- 29-09-2016Sử dụng tôm tạp chất, doanh nghiệp bị phạt hơn nửa tỷ đồng
- 02-09-2016Rút giấy phép doanh nghiệp kinh doanh tôm chứa tạp chất
- 01-09-2016Lại phát hiện hàng trăm kg tôm tạp chất tại Cty Quốc Ái
Mục tiêu đến hết năm 2017, 100% cơ sở nuôi tôm tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm. Đến hết 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Siêu lợi nhuận từ việc bơm tạp chất vào tôm
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), vấn nạn bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện từ năm 1996 và được những kẻ vô lương tâm coi dây là phương tiện để trục lợi bất chính từ người tiêu dùng. Ngoài tác dụng làm tăng khối lượng, các tạp chất được bơm vào tôm còn thay đổi kết cấu, lừa dối cảm giác về độ tươi, mang lại cho lái buôn một nguồn thu chênh lệch đáng kể. “Siêu lợi nhuận” từ việc đưa tạp chất vào tôm lớn đến mức, mặc dù các cơ quan quản lý như Công an, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng phối hợp vào cuộc, nhưng một số cá nhân bất chấp pháp luật để thực hiện bơm tạp chất vào tôm vào nguyên liệu thủy sản. “Thậm chí, đã có một giai đoạn, công nghệ đưa tạp chất vào tôm trở thành một “nghề” có tổ chức ở một số địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Việc đưa tạp chất vào tôm thường diễn ra vào các thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL” - một nguồn tin từ Vasep cho biết.
Kẻ gian thường áp dụng nhiều hành vi vô cùng tinh vi để đưa tạp chất vào tôm như: Bơm/ngâm nước, bơm tạp chất pha loãng… để đối phó với việc kiểm tra, phát hiện tạp chất của cơ quan chức năng... Thực tế, hành vi này đã nhiều lần qua mắt được cơ quan chức năng. Bơm bột agar (bột thạch rau câu) vào tôm sú để biến những con tôm đông lạnh màu nhợt nhạt, hư hỏng thành con tôm có màu tươi sống và tăng được trọng lượng là chiêu trò đang được nhiều chủ kinh doanh tôm sú áp dụng.
Sẽ mạnh tay ngăn chặn
Trước vấn nạn “phù phép” trọng lượng tôm “còi” thành những con tôm ươn căng mọng, tươi rói bằng các tạp chất, trong đó có chất agar để đánh lừa người tiêu dùng, ngày 1.8.2014, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, trong đó giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ Công An, Công Thương, Tài chính khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Hiện Bộ NNPTNT đã nghiên cứu và tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó, giải pháp chính của Đề án là tuyên truyền phổ biến pháp luật, ký cam kết, phát hiện và tố giác tội phạm. Vasep có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, hoàn thiện Chương trình Các doanh nghiệp chế biến tôm “nói không với tôm tạp chất” vận động các doanh nghiệp hội viên sản xuất, chế biến tôm tham gia chương trình. Các hội, hiệp hội ngành nghề có liên quan đến sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm vận động hội viên tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Đối với UBND các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, chỉ đạo thành lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm tạp chất trong tôm tại các sở, ngành có liên quan và UBND các cấp; chỉ đạo việc tổ chức ký cam kết không vi phạm tạp chất, công bố công khai danh sách các cơ sở đã ký cam kết theo địa bàn.
Bộ NNPTNT tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm soát, ngăn chặn tạp chất kết hợp kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Lao động