MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chặn xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ: Có thể bị xử lý hình sự

21-10-2024 - 14:16 PM | Xã hội

Theo quy định, xe cấp cứu đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe được quyền ưu tiên.

Trưa 21-10, Trung tâm Cấp cứu 115 (TP HCM) cho hay đang cùng cơ quan chức năng làm rõ vụ người đàn ông bất ngờ ngáng ngang xe gắn máy chặn đầu xe cấp cứu khi đang làm nhiệm vụ.

Trước đó, tối 19-10, tài xế xe cấp cứu là anh T.M.K cùng ê kíp đang làm nhiệm vụ cấp cứu cho người bệnh tại khu vực quận Tân Bình.

Xe cấp cứu có sử dụng còi để cảnh báo người đi đường. Đặc biệt, tại các ngã tư người dân đều nhường đường cho xe cấp cứu. Tuy nhiên, khi xe đến khu vực phường 9, quận Tân Bình, đoạn đường Lý Thường Kiệt thì bất ngờ bị một người đàn ông đi xe máy chở theo một người lớn và trẻ em chặn đầu.

Đáng chú ý, trước đó, tài xế của Trung tâm Cấp cứu 115 không có mâu thuẫn hay va chạm với xe máy. Việc người đàn ông chặn đường ảnh hưởng đến thời gian cấp cứu của người bệnh. Đặc biệt, trên xe máy người đàn ông còn chở theo trẻ em, điều này ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Hiện Trung tâm Cấp cứu 115 đã báo cáo vụ việc đến cơ quan công an. Sáng cùng ngày, cơ quan chức năng đã đến xác minh làm rõ vụ việc để có hướng xử lý thích hợp.

Chặn xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ: Có thể bị xử lý hình sự- Ảnh 1.

Xe cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM. Ảnh: Hải Yến

Một số bạn đọc thắc mắc pháp luật quy định như thế nào về việc chặn đầu xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ?

Trao đổi với Báo Người Lao Động, luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, cho hay điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe được quyền ưu tiên. 

Căn cứ theo khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường và không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Trong tình huống xảy ra tại phường 9 (quận Tân Bình), việc người đàn ông chặn xe máy trước xe cứu thương đã vi phạm khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và có thể chịu chế tài xử phạt như sau:

Thứ nhất, căn cứ theo điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ thì có thể bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. 

Ngoài ra, căn cứ theo điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe gắn máy có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. 

Thứ hai, trường hợp người điều khiển xe gắn máy cản trở xe cứu thương là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời dẫn đến hậu quả tử vong thì người điều khiển xe gắn máy nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mức phạt có thể đến 10 năm tù nếu trong cơ thể có cồn hoặc ma túy. 

Theo Hải Yến - Anh Vũ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên