Chẳng cần showroom, ô tô điện Trung Quốc vẫn được 'tuồn' đi khắp thế giới - cách thức mới khiến tất cả phải 'ngã ngửa'
Nhiều thương nhân Trung Quốc đã lợi dụng kẽ hở chính sách bán xe đã qua sử dụng để xuất khẩu ô tô đi khắp thế giới.
- 18-02-2024'Anh em' của ô tô điện rẻ nhất Việt Nam đổ bộ Đông Nam Á: tham gia cùng triển lãm với VinFast, giá quy đổi chỉ từ 300 triệu đồng
- 13-02-2024Ford trình làng mẫu SUV đẹp như mơ thay thế EcoSport, thêm công nghệ cạnh tranh Hyundai Kona và Honda HR-V
- 11-02-2024Xe ‘cỏ’ hiệu suất cao: sân chơi mới của các hãng ô tô tại Việt Nam, đến đại gia như Cường Đô la cũng mê đắm
Theo Rest of world, các nhân viên tại Li Auto - một hãng xe điện Trung Quốc, đã nhận thấy điều bất thường khi thống kê lượng ô tô bán ra. CEO Li Xiang cho biết trong ba tuần đầu tiên của tháng 7/2023, có 200 chiếc ô tô thương hiệu Li Auto được đăng ký tại Trung Quốc nhưng chưa mua bảo hiểm và chưa thể lăn bánh trong nước.
Sau khi tìm hiểu, Li Auto phát hiện các thương nhân đã vận chuyển số ô tô này ra nước ngoài, chủ yếu đến Trung Á và Trung Đông. Trên Weibo, CEO Li Xiang đăng bức ảnh cho thấy mẫu SUV Li Auto A7 đang được rao bán giá 70.897 USD tại Kazakhstan, cao hơn hẳn gần 26.000 USD so với giá niêm yết tại Trung Quốc.
Thị trường phi chính thức
Trung Quốc là quốc gia sản xuất xe điện hàng đầu thế giới. Cuối năm ngoái, BYD đã vượt qua Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất. Ngoài BYD, Trung Quốc còn có các hãng xe nội địa như Nio, Xpeng và thậm chí là hãng điện thoại Xiaomi cũng tham gia.
Thương nhân đã tận dụng sự bùng nổ của xe điện để tuồn các mẫu xe đắt tiền sang các thị trường mà nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc chưa có cửa hàng chính hãng. Họ lợi dụng kẽ hở chính sách bán ô tô đã qua sử dụng ra nước ngoài mà không cần hãng xe phải cấp phép.
Cụ thể, thương nhân đăng ký ô tô mới ở Trung Quốc sau đó vận chuyển ngay ra nước ngoài. Điều này có nghĩa là những chiếc xe đã qua sử dụng đúng về mặt lý thuyết nhưng đồng thời về kỹ thuật vẫn mới hoàn toàn.
6 đơn vị xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng nói rằng họ vận chuyển xe đến các thị trường gồm Nga, Kazakhstan và Ả Rập Saudi - nơi những chiếc xe điện đắt đỏ của Trung Quốc trở thành biểu tượng thời thượng.
Tại Tân Cương - khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Kazakhstan, một số đơn vị còn bắt tay với các kỹ sư để thay đổi ngôn ngữ phần mềm từ tiếng Trung sang tiếng Anh hoặc Nga trên ô tô.
Ông Ethan Zhang, một đơn vị xuất khẩu ô tô có trụ sở tại tỉnh Hà Bắc, nói: “Ô tô Trung Quốc đang thực sự trở nên phổ biến” . Trong hai năm qua, công ty của ông đã xuất khẩu hơn 2.000 xe, 80% trong số đó là xe hybrid hoặc plug-in hybrid.
Vấn đề này đã từng diễn ra trong quá khứ nhưng theo hướng ngược lại. Thương nhân bán những chiếc BMW và Mercedes-Benz "second hand" cho người dùng Trung Quốc sau khi nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, giờ họ chuyển sang xuất khẩu những chiếc xe điện Trung Quốc ra nước ngoài, cho phép những tín đồ ô tô điện có thể sở hữu các mẫu xe từ Li Auto, BYD,… bất chấp việc các hãng xe này chưa hiện diện chính thức tại thị trường đó.
Khi các hãng xe tham gia vào một thị trường mới, họ phải tính toán một cách kỹ lưỡng về mặt chiến lược, thiết lập mạng lưới bán hàng và dịch vụ. Còn những thương nhân lại không cần điều đó vì đi vào thị trường ngách, phục vụ số ít khách hàng chịu chi, khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
Cái nhìn khác về xe Trung Quốc
Nga thường là điểm đến chính. Ông Konstantin Durasov, một đại lý ô tô ở Moscow, cho biết cách đây một năm ông đã chuyển từ bán ô tô do châu Âu sản xuất sang các mẫu xe điện Trung Quốc. Một phần nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga khiến ô tô nước ngoài gặp khó khăn khi vào nước này.
Đại lý Zeecar của ông đã nhập khẩu khoảng 400 ô tô điện và xe hybrid từ Trung Quốc vào năm ngoái, bao gồm cả những chiếc SUV cao cấp của BYD, Li Auto và Zeekr. Công ty còn có văn phòng và nhân viên ở Thượng Hải để thuận tiện cho việc giao thương.
Ông Durasov cho hay: “Trước đây, ô tô Trung Quốc được biết tới với giá siêu rẻ và không thực sự tốt. Nhưng bây giờ người tiêu dùng lại nghĩ rằng đó là một mức giá rất xứng đáng với số tiền bỏ ra để mua chiếc xe” .
Bà Katerina Zabrodkina, nhà tư vấn chuyên về thị trường ô tô Nga có trụ sở tại Bishkek, cho rằng việc các thương hiệu châu Âu rời bỏ thị trường đã thúc đẩy người tiêu dùng tìm đến các hãng xe Trung Quốc dễ tiếp cận hơn.
Một số đơn vị kinh doanh xe điện quảng cáo xe bằng cách đăng video về ô tô lên TikTok hay Instagram. Ông Hu Changwen tại Tân Cương cho biết ông đã nhận được tin nhắn từ những khách hàng quan tâm ở Nam Phi, Mexico và Algeria thông qua tài khoản TikTok.
Một đoạn clip giới thiệu mẫu Aito M5 do Huawei đứng sau chỉ bán ra tại Trung Quốc, đã thu hút được hơn 6 triệu lượt xem. Ông Hu cho biết một số đại lý ở Đức đã hỏi mua xe điện Huawei, nhưng các quy định nhập khẩu ô tô của Liên minh châu Âu đã ngăn chặn hoạt động giao thương như vậy.
Đánh đổi
Khi ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường mua đi bán lại này, việc cạnh tranh sẽ tăng lên và lợi nhuận bị thu hẹp.
Ông Yang Pingping, một thương nhân nói tiếng Nga ở tỉnh Hắc Long Giang cho hay tỷ suất lợi nhuận đã giảm từ 15% vào đầu năm ngoái xuống còn khoảng 8% trong năm nay.
Ông Zhang cho biết lợi nhuận trên mỗi chiếc xe đã giảm từ mức đỉnh 50.000 nhân dân tệ (7.018 USD) vào năm 2022 xuống còn khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.404 USD) gần đây.
Một vấn đề khác là nếu các hãng xe không hiện diện chính thức tại các thị trường này, những mẫu xe xuất khẩu tiểu ngạch sẽ khó được tiếp cận dịch vụ hậu mãi, sửa chữa.
Ví dụ, Li Auto không bán phụ tùng ô tô ra ngoài, vì vậy người mua xe ở Nga phải đặt mua phụ tùng lấy từ ô tô đã qua sử dụng. Ông Huang cho biết một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đang mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh sửa chữa.
CEO Li Auto cho biết họ không có kế hoạch tung sản phẩm ra nước ngoài trước năm 2025, nhưng cũng không có cách nào để ngăn chặn hoạt động xuất khẩu trái phép.
Nhịp sống thị trường