Chàng thợ máy rửa bát không bằng đại học khiến Elon Musk, Jeff Bezos trầm trồ: Tạo ra tên lửa nhẹ hơn, rẻ hơn SpaceX, sẵn sàng bay vào vũ trụ bất cứ lúc nào
Sau hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, Peter Beck và Rocket Lab đã tạo được tiếng vang trong lĩnh vực tên lửa giá rẻ
- 03-05-2023Tiêu tiền như Elon Musk: Giàu thứ 2 thế giới nhưng nợ nhà cung ứng đến hơn 10 triệu USD, bị kiện cũng chưa chịu trả
- 15-04-2023Giàu gấp 5 lần Elon Musk và Bill Gates cộng lại, một gia tộc có cuộc sống xa hoa đến mức các tỷ phú cũng không thể tưởng tượng nổi
- 28-02-2023Elon Musk lại là người giàu nhất thế giới
Ashlee Vance, tác giả cuốn “Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng” vừa có bài viết trên mục BusinessWeek thuộc tờ Bloomberg với nội dung như sau:
Tháng 11/2018 - khoảng thời gian tôi ‘chôn chân’ ở Auckland, New Zealand trong nhiều tuần. Đồng hành với tôi là Peter Beck - founder của Rocket Lab - công ty sản xuất tên lửa nhỏ nhưng tham vọng có thể thay đổi cách con người du hành vũ trụ.
Kể từ khi xuất bản cuốn sách về Elon Musk, tôi và người đàn ông giàu nhất hành tinh dường như cắt đứt liên lạc. Musk khi đó không thực sự thích sách tôi viết, thậm chí có lúc định khởi kiện vì không ưng vài dòng câu từ.
Một lần, tôi nhận được tin nhắn từ trợ lý của Musk nói rằng ông ấy muốn trò chuyện. Ngỡ rằng ông chủ SpaceX sẽ bắt đầu bằng giọng điệu hậm hực như trước đây, song đoạn hội thoại chủ yếu toàn câu chuyện phiếm. Thấy Musk có vẻ hơi lạc đề, tôi chủ động nhắc tới Rocket Lab - công ty gần đây đã gia nhập thành công hàng ngũ tên lửa tư nhân.
“Thật ấn tượng khi Rocket Lab có thể đưa tên lửa lên quỹ đạo. Trong khi đó, Jeff Bezos tiêu một mớ tiền nhưng chẳng kiếm lại được bao nhiêu”, Elon Musk đáp.
Thông thường, trong lĩnh vực công nghiệp hóa không gian, người ta sẽ chỉ tập trung vào Elon Musk, Jeff Bezos hay Richard Branson - những người được cho là đã khởi xướng phong trào đầu tư vào du lịch vũ trụ. Dư luận ít khi để tâm đến hàng trăm công ty nhỏ lẻ khác - những doanh nghiệp vốn cũng đang điên cuồng chế tạo tên lửa và thiết lập một nền kinh tế mới nơi quỹ đạo thấp, cách mặt đất chừng 100 đến 1.200 dặm.
Rocket Lab nằm trong số đó, song đặc biệt ở chỗ, nhà sáng lập của nó không phải một ông trùm về không gian. Peter Beck cũng không phải là tỷ phú, không thường xuyên có những phát ngôn gây tranh cãi, thậm chí không chính thức nghiên cứu kỹ thuật hàng không vũ trụ và tốt nghiệp đại học. Kinh nghiệm chỉ đến từ khoảng thời gian Beck làm việc cho một công ty sản xuất máy rửa chén, song bằng một cách nào đó, anh chàng này vẫn thuyết phục được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn vào ‘trò tiêu khiển’ của mình.
Thoạt nhìn qua, công ty của Beck không có tiềm năng gì đặc biệt. Mỹ, với vô số nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có, chỉ tạo ra một startup thành công duy nhất là SpaceX, trong khi New Zealand không được coi là ‘vùng nước trũng’ trong ngành hàng không vũ trụ. Về cơ bản, nó không có các yếu tố thiết yếu hỗ trợ việc chế tạo tên lửa.
Điều này đồng nghĩa với việc Beck sẽ phải giải quyết tất cả những yếu điểm trên hành trình chế tạo tên lửa, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chắc chắn các nhà đầu tư đã mắc một sai lầm khủng khiếp, tôi nghĩ thế và Musk đồng tình.
Dẫu vậy, trong vài năm tới, Beck vẫn tự coi mình là đối thủ đáng gờm nhất của SpaceX. Rocket Lab sẽ được hưởng lợi khi Musk ngày càng mất tập trung và sa đà một cách thái quá vào Twitter.
Peter Beck lớn lên ở Invercargill. Mẹ anh là Ann, giáo viên còn cha là Russell, nhà điêu khắc quá cố với 2 thập kỷ làm giám đốc một bảo tàng.
Năm 16 tuổi, Beck nhận bằng tốt nghiệp trung học, sau đó quyết định theo nghề cơ khí vì chưa bao giờ cảm thấy đại học phù hợp với mình.
Năm 1995, nhà sản xuất thiết bị Fisher & Paykel có trụ sở tại New Zealand, mời Beck học việc tại Dunedin. Anh chàng này khi đó lao vào tìm tòi, học hỏi dưới sự hướng dẫn của một cặp thợ máy lành nghề trong chưa đầy 3 năm, để rồi xuất sắc được bổ nhiệm vào bộ phận thiết kế.
Fisher & Paykel, chuyên máy rửa bát và máy giặt cao cấp, khi đó đang phải vật lộn với vấn đề xử lý chất tẩy rửa. Fisher & Paykel muốn trở nên tốt hơn nên yêu cầu Beck và một kỹ sư kinh nghiệm dặn dày tạo bản thiết kế mới. Beck sau đó nghĩ ra một hệ thống vòi phun hữu hiệu, giúp Fisher & Paykel giải quyết bài toán chất tẩy rửa.
Beck dành phần lớn thời gian rảnh rỗi chế tạo và cải tiến ô tô, thêm bộ tăng áp hay bất cứ thứ gì khác để chúng chạy nhanh hơn và trông bắt mắt hơn. Sau một thời gian làm nghề, anh nhận ra một trong những yếu tố hạn chế chính là động cơ đốt trong. “Đó là khi tôi bắt đầu chế tạo động cơ phản lực và chuyển sang mảng tên lửa”, Beck nói.
Chỉ với một nhà kho cũ kỹ nơi sân sau cùng vài cuốn sách về các thiết kế động cơ tên lửa đẩy, Beck bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ của mình. ‘Chiếc xe tên lửa’ đầu tiên trông thật kỳ lạ. Phần thân màu vàng còn tay lái dính ngay trên bánh trước. Bên dưới là cụm tên lửa - thử giúp nó đi nhanh và năng suất đến lạ thường.
Sau 7 năm gắn bó với Fisher & Paykel, Beck chuyển đến Auckland làm việc cho một phòng thí nghiệm nghiên cứu Industrial Research Limited do chính phủ New Zealand hậu thuẫn (IRL). “Anh ấy nói rằng mình thực sự đam mê tên lửa và muốn bắt đầu kinh doanh. Khi đó, tôi nghĩ điều này là phi thực tế”, Doug Carter, đồng nghiệp cũ của Beck nói.
Vào năm 2006, Peter Beck thuyết phục được một triệu phú địa phương rót vốn cho mình. Đó là Mark Rocket, người có niềm đam mê với không gian ngay từ nhỏ. “Tôi thực sự thất vọng vì mình không được sinh ra ở Mỹ, nơi họ có chương trình phi hành gia và không gian”, Mark Rocket nói.
Đề xuất của Beck vạch ra một ý tưởng về một con tàu có thể đưa hàng hóa nặng 175 pound vào không gian trong vài phút. Rocket chỉ mất vài tuần suy nghĩ, sau đó trao tấm séc trị giá 300.000 USD và mua 50% cổ phần. “Có vẻ là một cách đốt tiền, nhưng đó chính xác là điều tôi muốn. Không ai khác có cùng suy nghĩ giống tôi”, Mark Rocket nói.
Khi đó, tại SpaceX, Musk cũng đang gấp rút chế tạo một tên lửa nhỏ để giảm chi phí và thực hiện thường xuyên hơn công cuộc vận chuyển hàng hóa giữa các vệ tinh. Falcon 1 theo đó ra đời và lần đầu tiên được phóng thành công vào năm 2008. Tiếc là sau đó, Musk quyết định ngừng sản xuất Falcon 1 và tập trung vào những cỗ máy lớn hơn, trong đó có tham vọng đưa con người và hàng nghìn tấn thiết bị lên Hỏa tinh.
Dấu chấm hết cho Falcon 1 lại chính là cơ hội của Beck. Rocket Lab làm việc trên một chiếc tàu tên lửa nhỏ có thể chở khoảng 500 pound hàng hóa lên quỹ đạo với giá 5 triệu USD mỗi lần phóng. Thay vì phóng tên lửa mỗi tháng một lần, Rocket Lab thực hiện mỗi tuần một lần, thậm chí là 3 ngày một lần.
Luận điểm rất rõ ràng: Rocket Lab sẽ hoàn thành sứ mệnh bị lãng quên của SpaceX, cung cấp tên lửa đáng tin cậy giá rẻ đầu tiên trên thế giới và sẵn sàng bay vào vũ trụ bất cứ lúc nào.
Có tiền trong tay, Beck xin IRL không gian để hiện thực hóa giấc mơ và tiến hành một cách nghiêm túc các thí nghiệm. Trên hết, IRL đã cho phép anh chàng này quyền truy cập miễn phí mọi thứ.
Và thế là Beck bắt đầu chế tạo tên lửa đầu tiên. Nikhil Raghu, kỹ sư và cũng là nhân viên đầu tiên của Beck, cho biết họ đã mua một container vận chuyển và đặt nó ở ngay tầng hầm để thử nghiệm động cơ. Họ cũng xây dựng một nhà kho và đảm bảo rằng nó hoàn toàn an toàn, không dẫn điện.
“Thật khó để bay vào không gian nhưng tôi biết rằng chúng ta sẽ phải làm cho nó trở nên dễ dàng hơn. Tôi sẽ phải chế tạo thành công một quả tên lửa”, Peter Beck nói.
Tháng 11/2009, Beck cho ra mắt tàu Ātea-1. Người đàn ông này đã sắp xếp để có thể phóng một quả tên lửa dài hơn 6 mét, chỉ nặng khoảng 130kg, từ một bệ phóng tại đảo Great Mercury, được đồng sở hữu bởi một doanh nhân có tên Michael Fay.
Trung tâm điều khiển ẩn mình sau sườn đồi, với độc một chiếc bàn cũ đặt máy tính. Beck ăn mặc như một nhà khoa học điên rồ; mái tóm xoăn nâu nổi cùng chiếc áo thí nghiệm trắng. “Theo truyền thống của những nhà khám phá vĩ đại New Zealand”, Beck nói trước khi bắt đầu đếm ngược, “New Zealand ơi, chúng ta sẽ đi vào không gian”.
Nói rồi, Beck ấn chiếc nút khai hỏa màu đỏ, sau đó vội chạy ra khỏi nhà ngắm nhìn quả tên lửa vụt bay lên bầu trời. “Nàng tuyệt thế giai nhân của ta!”, Beck hét lên và nhảy cẫng vì sung sướng.
Kể từ lần thí nghiệm thắng lợi đó, Rocket Lab đã gây nhiều tiếng vang. Nhà máy sản xuất, vốn chỉ là một vài nhà kho thấp mái tồi tàn, nay đã được tân trang để lắp ráp tên lửa mới có tên Electron.
Vào ngày 25/5/2017, Rocket Lab đã phóng thành công tên lửa đẩy Electron từ một quần đảo tại New Zealand. Điều đáng nói, Electron là một loại tên lửa vận hành bằng pin và được làm từ công nghệ in 3D, dài 17m.
Rocket Lab đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Đây được xem là lần phóng tên lửa đẩy thành công đầu tiên trên thế giới từ bãi phóng của một công ty tư nhân, đồng thời được xem là bước tiến quan trọng đối với các doanh nghiệp phát triển tên lửa vận chuyển hàng hóa lên vũ trụ.
Về cơ bản, tất cả tên lửa hiện nay đều có điểm chung là thân mỏng, song sáng tạo đột phá của Rocket Lab là lựa chọn sử dụng sợi carbon thay vì aluminum, qua đó giúp chiếc Electron nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nó cũng chỉ cao khoảng 17m, rộng 1.2 mét, với 9 bộ động cơ Rutherford tại đầu máy, trong khi Falcon 9 của SpaceX cao hơn 70 mét, rộng 3.6 mét và tính phí tới 60 triệu USD/mỗi lần phóng.
Sớm hay muộn, Rocket Lab sẽ phải cạnh tranh khốc liệt trong ngành hàng không vũ trụ. Một số các công ty tương tự, bao gồm Vector Space Systems, cũng tham vọng thực hiện khoảng 100 lượt phóng/năm. “Chúng tôi nghĩ rằng thị trường trên tổng thể sẽ có khoảng 400 đến 500 lượt phóng mỗi năm”, Jim Cantrell, đồng sáng lập kiêm CEO Vector đã nói.
Không ai biết cuộc đua vào không gian mới này sẽ diễn biến ra sao, song rất nhiều những nhà đầu tư nhiệt thành coi đây là chương tiếp theo trong quá trình tiến hóa của loài người.
“Ý tưởng về một sự phát triển là điều mà những công ty này đang hướng tới”, Matt Ocko, đại diện công ty VC Data Collective đã đầu tư vào Rocket Lab, nói.
Theo: Bloomberg BusinessWeek
Nhịp sống thị trường