Chàng trai 30 tuổi bỏ học đại học vừa bán được công ty cho Adobe với giá 20 tỷ USD
Figma đã đồng ý bán cho Adobe với giá 20 tỷ USD. Điều này đã bất ngờ biến Field, 30 tuổi, trở thành tỷ phú đôla.
- 19-05-2022Chuyện đời của người giàu thứ 8 thế giới: Là con của mẹ đơn thân, 2 lần bỏ đại học vì nghèo, 49 tuổi mới thành tỷ phú
- 11-10-2021Bỏ đại học Ivy League, cô gái 24 tuổi tạo ra startup trị giá 140 triệu USD
- 21-07-2021‘Soái ca’ bỏ đại học, bán snack rong biển: 33 tuổi có hơn 600 triệu USD, chuyện đời còn được dựng thành phim đầy kịch tính
- 02-04-2021Bỏ học Đại học Stanford chỉ sau 3 tháng, chàng trai 26 tuổi trở thành tỷ phú và là tương lai của ngành ô tô tự lái
- 03-12-2020Bỏ đại học ở tuổi 19, chàng trai Do thái xây dựng đế chế máy tính khổng lồ mang họ của mình
Bốn năm trước, Dylan Field vẫn đang sống trong căn hộ một phòng ngủ ở Quận Mission tồi tàn thuộc San Francisco, Mỹ. Thời gian đó, mỗi ngày trên đường đi làm, Field sẽ dừng chân để thưởng thức một tách cà phê trị giá 1 USD.
Field vốn là một người bỏ dở học đại học và khá nhút nhát. Tại các sự kiện kết nối tự do được tổ chức bởi các công ty đầu tư mạo hiểm, anh thường đứng 1 mình và tỏ ra lúng túng.
Ngày thứ 5 vừa qua, công ty thiết kế phần mềm do Field đồng sáng lập có tên Figma đã đồng ý bán cho đối thủ Adobe với giá 20 tỷ USD. Điều này đã bất ngờ biến Field, 30 tuổi, trở thành một trong những người được nhắc đến nhiều nhất trong thế giới công nghệ.
Figma - công ty do Field đồng sáng lập với một người bạn học cũ tại Đại học Brown đã nổi lên nhanh chóng theo đúng các tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon. Vào đầu năm 2018, công ty được định giá 115 triệu USD. Vào năm ngoái, trong một vòng gọi vốn khác, mức định giá đó đã tăng lên 10 tỷ USD, gấp đôi mức giá khi thực hiện thỏa thuận vói Adobe. Sự tăng giá nhanh chóng này rất đáng chú ý khi giá của hầu hết các công ty công nghệ kể cả đại chúng lẫn tư nhân, đã rơi tự do trong những tháng gần đây.
Field, theo các nhà đầu tư và những người biết anh, vẫn sở hữu một phần lớn công ty, cùng với các công ty đầu tư mạo hiểm nặng ký khác bao gồm Sequoia Capital và Greylock Partners. Khi thương vụ kết thúc, Field sẽ là một tỷ phú đôla.
Trong một cuộc phỏng vấn vài giờ sau khi công bố thỏa thuận, Field cho biết anh vẫn đang giải quyết vói những thay đổi to lớn đang xảy ra với cuộc đời mình. Trong khi Adobe đã tiếp cận anh vài tháng trước để bắt đầu các cuộc đàm phán, Field cho biết thông báo đã được đẩy lên sau khi nhóm của anh nghe tin rằng The Wall Street Journal đã bắt đầu đưa tin. Anh cho biết mình đã thức trắng đêm khi họ chạy đua để đưa tin về thương vụ này.
Bất chấp nỗ lực đó, phản ứng của thị trường đối với thỏa thuận này rất tiêu cực. Cổ phiếu của Adobe đã giảm gần 17% vào thứ năm, cho thấy sự phản đối rộng rãi của các nhà đầu tư đối với việc mua lại. Field nói rằng anh không hề sợ hãi.
“Nếu thỏa thuận này thất bại vào ngày mai, tôi sẽ vẫn cảm thấy ổn”, anh nói.
Field lớn lên ở phía bắc San Francisco trong Quận Sonoma, California, một phần của vùng rượu vang nổi tiếng của khu vực. Khi khoảng 3 tuổi, gia đình anh mua một chiếc máy tính, và Field đã tự dạy mình và bố mẹ cách sử dụng nó.
Theo lời kể, Field là một sinh viên không nổi bật, có nguy cơ bỏ học cho đến khi anh gia nhập đội chế tạo người máy và bắt đầu tham gia các khóa học cấp đại học ở trường trung học. Anh bị Đại học California, Berkeley từ chối và đăng ký học tại Brown.
Trong năm học thứ 2 đại học, Field đã nộp đơn xin học bổng do nhà tài chính tỷ phú Peter Thiel điều hành. Học bổng này cung cấp cho các ứng viên 100.000 USD tài trợ không ràng buộc nếu họ đồng ý bỏ học đại học để theo đuổi mục tiêu khởi nghiệp.
Anh ấy đã gửi ý tưởng về phần mềm mới để sửa đổi máy bay không người lái để giám sát giao thông và truy bắt những người lái xe liều lĩnh.
Field đã được chấp nhận cho học bổng và rời khỏi Brown. Công ty máy bay không người lái không hoạt động tốt, nhưng ý tưởng tiếp theo của anh ấy, Figma, đã thành công.
Khởi đầu cùng với Evan Wallace, một người bạn của Field từ Brown, Figma là một nền tảng chỉnh sửa đồ họa cho phép mọi người thiết kế các dự án cùng nhau. Phải mất bốn năm kể từ khi thành lập cho đến khi công ty tung ra một sản phẩm - một giai đoạn không phải lúc nào cũng báo trước thành công sắp tới.
Văn phòng Figma nằm phía trên một quán bar đông đúc và vào các ngày thứ sáu, bắt đầu từ khoảng 3 giờ chiều, "tiếng ồn không thể chịu nổi", Badrul Farooqi, một nhân viên của công ty cho biết.
Figma, giống như các dịch vụ phần mềm khác, phát triển nhanh chóng trong đại dịch. Các khách hàng bao gồm Uber Technologies Inc. và Square Inc., hiện được gọi là Block Inc. Một trong số các lợi thế của Figma là: Các công cụ dựa trên trình duyệt của Figma hoạt động đồng thời trên nhiều nền tảng khác nhau, trái ngược với các sản phẩm cạnh tranh chỉ hoạt động trên máy tính để bàn hoặc ứng dụng.
Đến năm nay, Field đã lên chức bố và Figma đang chuẩn bị cho kế hoạch IPO - cho đến khi thị trường IPO đóng băng. Field nói, lời đề nghị của Adobe thích hợp hơn so với việc mạo hiểm niêm yết lên sàn, ngay cả khi một số người hâm mộ lâu năm của sản phẩm tỏ ra thất vọng.
Field vẫn đang điều chỉnh trạng thái mới. Khi được hỏi liệu bây giờ anh có phải là người "bản xứ" ở Thung lũng Silicon, dân công nghệ chính hiệu không, anh ấy trả lời:
“Tôi không biết nữa”.
Nguồn: WSJ
Nhịp sống Thị trường