Chàng trai 33 tuổi có cuộc sống “sang chảnh” chỉ với 2.000 USD/tháng sau khi rời Mỹ - làm thế nào?
Gbenro muốn có một cuộc sống nhiều màu sắc: một cuộc sống ngập tràn những chuyến du lịch, nghệ thuật và cơ hội để gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng cha mẹ muốn anh trở thành bác sĩ, luật sư hoặc kỹ sư. Và anh đã lựa chọn sống một cuộc đời “xa hoa” ở một nơi mà bản thân anh chưa từng nghĩ đến.
- 14-02-2022Những kẻ lừa đảo lãng mạn: Trái tim bị đánh cắp mà tiền bạc cũng "bốc hơi" theo tội phạm bằng cách nào?
- 14-02-2022Đỉnh cao bất động sản Singapore: Nhà bê tông cốt thép đã lỗi mốt, giới trẻ vung tiền cho biệt thự làm từ 1 loại vật liệu 'không ở đâu có'
- 14-02-2022Nhóm nhà đầu tư 'săn lùng' lợi nhuận đang đổ tiền vào cổ phiếu ngành này
Suốt một thời gian dài, Olumide Gbenro không thể tìm thấy chốn bình yên nào để gọi là "nhà" đúng nghĩa.
Vị doanh nhân này lớn lên ở Nigeria cho đến khi anh 6 tuổi, khi cha mẹ anh quyết định chuyển đến London. Bảy năm sau, gia đình anh như "trúng xổ số" vì được cấp thị thực để nhập cư vào Hoa Kỳ thông qua thẻ xanh. Vì vậy, Olumide cùng cha mẹ và hai anh chị em của mình đã chuyển đến Columbus, Ohio.
"Là một người da màu, tôi cảm thấy rằng có những thời điểm trong đời tôi không được coi trọng như một con người," Gbenro nói với CNBC khi được sinh ra và lớn lên là một người da đen ở Trung tây. "Tôi luôn cảm thấy bị bỏ lại."
Năm 2016, anh hoàn thành bằng thạc sĩ kép về dịch tễ học và khoa học hành vi tại Đại học bang San Diego. Anh thấy mình bị mắc kẹt giữa hai con đường: đi học y khoa và trở thành bác sĩ hoặc đi du lịch khắp thế giới.
"Trong suốt cuộc đời mình, tôi chỉ tuân theo các quy tắc, cho dù đó là của cha mẹ, của tôn giáo hay của xã hội," Anh nói. "Nhưng sâu thẳm bên trong tôi biết rằng nếu tôi tiếp tục học Tiến sĩ, tôi có thể sẽ bị cuốn vào đó và không thể làm những điều mình muốn, không bao giờ có thể đi du lịch nước ngoài… Tôi sẽ mắc kẹt trong phòng thí nghiệm, chính vì vậy tôi quyết định nói 'không'."
Gbenro đã thu dọn đồ đạc của mình và rời Mỹ để đi khám phá thế giới. Nhưng phải mất nhiều năm Gbenro mới đặt chân đến được Bali - nơi anh thực sự thuộc về.
Hành trình đi tìm chốn bình yên
Điểm dừng chân đầu tiên của Gbenro là Berlin, nơi anh có bạn bè cùng đại học. Anh dành 3 tháng tại đây với thị thực du lịch, nghỉ ngơi trên những chiếc ghế sofa của bạn bè và ở nhà nghỉ.
Khi Gbenro rời Mỹ, anh "gần như không có tiền và không có kế hoạch". Anh nhanh chóng phát triển tài khoản Instagram của mình bằng việc đăng các mẹo du lịch, video nhảy và các nội dung khác. Gbenro quyết định kiếm tiền từ sở thích của mình: Anh nhắn tin cho những người sáng tạo nội dung khác và các doanh nghiệp trên Instagram, đề nghị giúp họ cải thiện chiến lược truyền thông xã hội với một khoản phí (thường là 250 USD).
Gbenro nhớ lại việc khởi nghiệp kinh doanh từ xa là "khởi đầu thực sự khó khăn", nhưng chẳng bao lâu sau anh đã có danh sách dài những khách hàng và thu nhập đủ để biến mạng xã hội trở thành công việc toàn thời gian của mình. Gbenro đã tham gia một khóa học trực tuyến marketing trên mạng xã hội giúp anh cơ cấu doanh nghiệp của mình. Một người bạn cũ ở San Diego đã giới thiệu anh với hai khách hàng đầu tiên của vị doanh nhân này.
Nguồn: CNBC
Khi thị thực hết hạn, anh tới Mexico 4 tháng rồi sau đó quay trở lại San Diego. "Nhưng tôi nhận ra rằng mình vẫn như khi sống ở Mỹ, vẫn không cảm thấy hạnh phúc," Gbenro nói. "Có điều gì đó về cuộc sống ở Mỹ khiến tôi cảm thấy mình như chưa trưởng thành."
Anh tiếp tục: "Là một người da đen, tôi đã chịu tổn thương tâm lý và áp lực khi sống ở đó, đặc biệt là với tư cách là một người nhập cư, tôi cảm thấy mình không thể hòa nhập".
Gbenro chính thức ra mắt doanh nghiệp marketing trên mạng xã hội của mình, Olumide Gbenro PR & Brand Monetization vào năm 2018, khi anh vẫn còn ở San Diego. Anh hợp tác với các đầu bếp nổi tiếng, các sàn giao dịch bất động sản, các chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp, v.v... Mặc dù thành công trong công việc, Gbenro vẫn khao khát một sự thay đổi.
Một buổi chiều, khi Gbenro đang lướt Instagram, anh bỗng dừng lại ở một bức ảnh của một trong những người bạn của anh đang đi du lịch ở Bali. Cô ấy đang thư giãn trên một bãi biển với một quả dừa trên tay, xung quanh là những cây cọ tươi tốt.
"Chỗ này trông giống như một nơi hoàn hảo để sống," Gbenro nói. "Sự khác biệt giữa Bali và mọi thành phố khác mà tôi đã tìm hiểu chính là nó có vẻ rất yên bình. Tất cả người dân địa phương, trong các bức ảnh trên mạng đều trông thực sự hạnh phúc và có vẻ như họ dành nhiều thời gian hòa mình với thiên nhiên."
Năm 2019, anh tìm được một căn hộ ở Bali thông qua một người quen trên Instagram. Gbenro đặt vé máy bay một chiều mà không cần suy nghĩ lại.
Cuộc sống "xa hoa" ở Bali
Kể từ khi chuyển đến Bali, Gbenro đã có thể chi tiêu nhiều hơn cho việc đi du lịch, ăn uống và các sở thích khác cũng như tiết kiệm được nhiều tiền hơn. "Tôi không bao giờ lo lắng về tiền bạc nữa vì Bali có chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều so với ở Mỹ," anh nói.
Trong 9 tháng đầu tiên ở Bali, Gbenro đã dùng thị thực du lịch. Indonesia cung cấp cho khách du lịch thị thực nhập cảnh một lần có giá trị trong 60 ngày và cho phép gia hạn bốn lần 30 ngày, cộng thêm thời gian lưu trú 6 tháng. Gbenro sẽ bay các chuyến đi ngắn hạn đến Singapore hoặc Malaysia sau khi thị thực hết hạn, sau đó gia hạn khi trở về.
Ngay sau đó anh chuyển sang thị thực đầu tư - thứ yêu cầu bằng chứng rằng bạn đang đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Gbenro mở rộng hoạt động kinh doanh marketing của mình. Anh giúp mọi người quảng bá những điểm đặc sắc của Indonesia để đủ điều kiện được cấp thị thực mà anh gia hạn với chính quyền địa phương 2 năm/lần.
Gbenro kiếm được khoảng 140,000 USD/năm với vai trò là một doanh nhân. Ngoài công việc kinh doanh tư vấn của mình, Gbenro còn tổ chức một số hội nghị dành cho những digital nomad (du mục kỹ thuật số), bao gồm cả Hội nghị thượng đỉnh Digital Nomad, thu hút hàng nghìn người và sẽ được tổ chức tại Bali vào tháng 9 này.
Chi phí lớn nhất của anh là tiền thuê nhà và tiền điện nước, cộng lại khoảng 1,010 USD/tháng. Gbenro sống trong một căn hộ một phòng ngủ trong một tòa nhà có phòng tập thể dục riêng, hồ bơi và nhà hàng ở tầng dưới.
Anh chi khoảng 600 USD/tháng cho việc mua đồ ăn mang về và ăn ngoài. Anh thường đặt đồ ăn từ các nhà hàng địa phương trên một ứng dụng nổi tiếng có tên Gojek. Các chi phí khác lớn hơn của Gbenro bao gồm bảo hiểm y tế, di chuyển (anh có thuê một chiếc xe máy) và du lịch.
Gbenro thích đi du lịch ít nhất một lần mỗi tháng và thường du lịch mạo hiểm đến Uluwatu, một vùng nhỏ trên mũi phía tây nam của Bali nổi tiếng với hoạt động lướt sóng.
"Tôi có thể tiêu cùng một số tiền như vậy mỗi tháng nếu tôi sống ở San Diego, nhưng chất lượng cuộc sống của tôi cao hơn nhiều," anh nói. "Tôi đang sống một cuộc sống sang chảnh."
Dưới đây là bảng phân tích chi tiêu hàng tháng của Gbenro (kể từ tháng 1/2022):
Mức chi tiêu trung bình hàng tháng của Olumide Gbenro - Gene Woo Kim | CNBC Make It
Tiền thuê nhà và các phương tiện dịch vụ chung: 1,010 USD
Ăn uống: 600 USD
Phương tiện di chuyển: 98 USD
Điện thoại: 28 USD
Bảo hiểm y tế: 137 USD
Du lịch: 300 USD
Giặt là: 60 USD
Tổng: 2,233 USD
Yêu say đắm Bali
Gbenro cho biết thử thách lớn nhất trong quá trình xây dựng cuộc sống mới của mình ở Bali là chiến đấu với sự cô đơn. "Ngày nào tôi cũng đi biển, uống nước dừa và ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, nhưng tôi sống một mình và không có bạn bè ở đây," anh giải thích.
Khi bắt đầu đến thăm các không gian làm việc chung ở Bali và tham dự các sự kiện kết nối trực tiếp, Gbenro cho biết việc xây dựng tình bạn thân thiết với những người nước ngoài và người dân địa phương trở nên dễ dàng hơn nhiều. Anh biết nói tiếng Indonesia, nhưng cho biết rằng rất nhiều người sống ở Bali cũng nói tiếng Anh.
"Tôi thực sự được người dân Bali yêu mến và chào đón," anh nói. "Mọi người luôn mỉm cười. Họ thực sự rất chân thành và sống tình cảm. Bạn không thể tìm thấy điều đó ở bất kỳ nơi nào khác".
Olumide và một người bạn đi ăn trưa ở Bali. Ruda Putra, CNBC Make It
Gbenro nói rằng anh cũng không gặp phải sự khó chịu và phân biệt đối xử như anh từng phải đối mặt ở Mỹ. "Bali không có cùng lịch sử với Mỹ với sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, tôi nghĩ vậy. Họ dễ chấp nhận người nước ngoài và những người có nguồn gốc khác nhau… mọi người chỉ nhìn tôi như một người đồng loại chứ không phải một người da đen."
Anh đã tiếp nhận một số truyền thống địa phương trong thói quen hàng ngày của mình: mỗi sáng anh thức dậy lúc 8 giờ, thiền định trước khi pha một tách trà và kiểm tra email của mình. Thiền từ lâu đã trở thành một phần của đạo Hindu - một tôn giáo phổ biến ở Bali.
"Đó là quyết định sáng suốt nhất mà tôi từng đưa ra," Gbenro nói về việc chuyển đến Bali. Anh đang có kế hoạch dành phần đời còn lại của mình ở Bali và sở hữu những ngôi nhà ở San Diego, Thổ Nhĩ Kỳ và Caribe mà anh có thể đến thăm một vài lần trong năm.
"Có điều gì đó về Bali khiến tôi muốn ở đây," anh nói. "Cuối cùng thì cũng có cảm giác bản thân giống như đang ở nhà vậy."
Tham khảo CNBC