MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chàng trai Hà Nội trở thành phi công khi mới 23 tuổi nhờ 1 quyết định của mẹ lúc đang học ĐH Bách Khoa

08-01-2025 - 11:03 AM | Lifestyle

Đang học năm 2 Đại học Bách Khoa, Vinh Phạm đành bỏ dở để theo đuổi đam mê làm phi công, và cậu bạn đã có hành trình đáng nhớ thế này.

Một Gen Z ở Hà Nội đang nhận được nhiều sự quan tâm của netizen khi chia sẻ câu chuyện trở thành phi công ở tuổi 23.

Hành trình từ nam sinh Đại học Bách khoa Hà Nội rẽ hướng thực hiện giấc mơ chinh phục bầu trời sau một quyết định của mẹ được Vinh Phạm (SN 1998, ở Hà Nội) đăng tải trên MXH đã nhanh chóng truyền động lực tới nhiều người trẻ - hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. 

Chàng trai Hà Nội trở thành phi công khi mới 23 tuổi nhờ 1 quyết định của mẹ lúc đang học ĐH Bách Khoa- Ảnh 1.

Vinh Phạm và hành trình chinh phục đam mê bầu trời.

Nhiều người cũng tò mò chàng trai trẻ này đã trải qua những gì khi theo học phi công, chi phí và cả những thay đổi ở cuộc sống hiện tại. Tất tần tật được Vinh Phạm chia sẻ với chúng tôi trong buổi trò chuyện vào đầu năm 2025. 

Chuyện gì đã khiến sinh viên đang học năm 2 Bách Khoa trở thành phi công?

Ước mơ trở thành phi công đến với Vinh Phạm ngay từ những ngày còn là một cậu bé. Cậu bạn mê nhìn lên bầu trời khi có máy bay đi qua và tò mò cảm giác được ngồi trên buồng lái. “Tuy nhiên, thời điểm đó, mình bị cận thị, và có người từng nói với mình rằng phi công không thể bị cận. Gia đình mình không ai làm trong ngành hàng không, và thông tin về nghề phi công cũng rất hạn chế. 

Để rồi mình cứ tin rằng giấc mơ của mình mãi mãi nằm ngoài tầm với”, Vinh Phạm nhớ lại. Cứ như thế, cậu bạn đành gác lại giấc mơ làm phi công. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Vinh Phạm trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Gen Z luôn cảm thấy bản thân không phù hợp với chính chuyên ngành mà mình theo học. Đang loay hoay không biết phải làm thế nào mới đúng thì một quyết định của mẹ đã đến, thành cơ sở để cậu bạn theo đuổi đam mê thuở bé.

“Đúng lúc mình đang chật vật, đi học thì luôn cảm thấy không phù hợp mà cũng chẳng thể nói nghỉ là nghỉ được, vì đó cũng là lựa chọn duy nhất của mình ở thời điểm đó. Thì bỗng nhiên vào một ngày mẹ quyết định cho mình đi mổ cận, chỉ đơn giản là để mình không phải đeo kính nữa. Với cả vào thời điểm đó, vì phải ngồi máy tính nhiều nên mắt mình cũng tăng độ kinh khủng.

Nhưng, khi không còn bị cận thị nữa cũng là lúc giấc mơ làm phi công năm nào của mình được khơi lại. Mình chợt nghĩ ra là giờ mình đã không còn bị cận nữa thì mình làm phi công được rồi (cười). Thế rồi mình tự tìm tòi thông tin. Và, có một điều thú vị là sau khi tìm hiểu về ngành, mình mới biết rằng bị cận vẫn có thể theo học phi công. Điều này càng khiến mình quyết tâm hơn về việc chinh phục đam mê bị dang dở bấy lâu nay.

Mình giấu ba mẹ đăng ký thi tuyển vào trường phi công Bay Việt mà không nói với ai. Sau khi vượt qua các vòng thi lý thuyết và sức khỏe, mình chính thức nhận được lịch nhập học. Đó là khoảnh khắc mình quyết định nói với ba mẹ về giấc mơ của mình. Thật may mắn, ba mẹ hoàn toàn ủng hộ. Vậy là mình bảo lưu kết quả đại học và khăn gói vào TP.HCM - bắt đầu hành trình hiện thực hóa ước mơ mà mình từng nghĩ sẽ không bao giờ có cơ hội”, Vinh Phạm nhớ lại. 

Hành trình học và thi để trở thành phi công của Vinh Phạm bắt đầu từ tháng 11/2017 và đến tháng 12/2021. Tức là sau 4 năm, với muôn vàn những khó khăn, thử thách, Vinh Phạm đã chính thức chinh phục được đam mê của mình. Cậu bạn hiện là phi công của hãng hàng không Pacific Airlines, thành viên của Vietnam Airlines từ tháng 11/2021 đến nay.

Nghe đến đây, nhiều người cho rằng con đường của Vinh Phạm khá bằng phẳng đó chứ. Không phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của Gen Z này nhưng ai cũng biết chi phí học để trở thành phi công không hề rẻ. Được biết, vào thời điểm Vinh Phạm học phi công, chi phí rơi vào khoảng 200.000 USD (hơn 5 tỷ đồng). Hiện tại, theo như cậu bạn tìm hiểu thì chi phí đã tăng lên khoảng 300.000 USD (hơn 7 tỷ đồng).

Chàng trai Hà Nội trở thành phi công khi mới 23 tuổi nhờ 1 quyết định của mẹ lúc đang học ĐH Bách Khoa- Ảnh 2.

Vinh Phạm có quãng thời gian xa nhà, qua Mỹ học thực hành bay.

Chính Vinh Phạm cũng thừa nhận bản thân may mắn, có sự ủng hộ từ gia đình, về cả tinh thần lẫn kinh tế. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả! “Con đường trở thành phi công không chỉ đòi hỏi tài chính mà còn yêu cầu sự kiên trì, nỗ lực và tinh thần không bỏ cuộc. Ngay cả khi có điều kiện kinh tế, không ít người vẫn phải dừng bước vì không vượt qua được áp lực học tập, tâm lý từ những bài kiểm tra.

Với mình, mỗi chặng đường đều có những thử thách riêng. Việc gia đình hậu thuẫn giúp mình giảm đi phần nào áp lực về chi phí, nhưng không thể thay mình học tập và vượt qua những kì thi. Vì vậy, mình luôn trân trọng những gì mình đã vượt qua từ sự nỗ lực của bản thân”, Vinh Phạm tâm đắc chia sẻ.

Không lựa chọn nào là bằng phẳng, vượt qua rào cản là lúc hạnh phúc nhất

Đó cũng là một trong những lý do mà Vinh Phạm chọn chia sẻ câu chuyện về hành trình làm phi công của mình lên mạng xã hội. “Nghề phi công cũng như bao nghề khác, không hề bằng phẳng. Con đường của ai cũng sẽ có gập ghềnh khó khăn, nếu bạn đủ kiên trì và quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể thực hiện được nó”, cậu bạn tâm đắc. 

Vinh Phạm cũng không ngoại lệ, trong hơn 2 năm đi học để trở thành phi công, có thời điểm một mình qua Mỹ học thực hành bay thì rơi vào giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, một mình nơi đất khách, những giai đoạn thi đến 2-3 lần nhưng không qua môn,... Đến tận bây giờ, khi nhớ lại và chia sẻ với chúng tôi, cậu bạn không không khỏi xúc động. Vinh Phạm thừa nhận rằng đã có những thời điểm cậu nản chí và có ý nghĩ muốn bỏ cuộc. 

Đã có quãng thời gian mình tự hỏi bản thân nhiều lần rằng có phù hợp với nghề phi công không. Rồi sau đó mình lại ngồi suy nghĩ về lý do tại sao mình bắt đầu và trách nhiệm mình đang hướng đến.

Nghề phi công không chỉ là bay lên cao và ngắm nhìn bầu trời. Phía sau tay lái là trách nhiệm với hàng trăm mạng sống, là sự an toàn tuyệt đối của những hành khách tin tưởng giao phó chuyến bay cho mình. Để làm được điều đó, mình phải tích lũy đủ kiến thức, vững vàng tâm lý và không ngừng học hỏi. Mỗi bài thi khó khăn, mỗi lần học lại là một phần trong hành trình để trở thành một phi công có đủ năng lực và trách nhiệm.

Nghề nào cũng có cái khó riêng, và với nghề phi công, những khó khăn đó là cái giá phải trả để đảm bảo mọi chuyến bay đều an toàn. Chính suy nghĩ này đã giúp mình vượt qua những khoảnh khắc nản lòng và tiếp tục bước tới”, Vinh Phạm chia sẻ. 

Chàng trai Hà Nội trở thành phi công khi mới 23 tuổi nhờ 1 quyết định của mẹ lúc đang học ĐH Bách Khoa- Ảnh 3.

Vinh Phạm trong chuyến bay đầu tiên.

Để rồi, sau khi đã vượt qua những nỗi sợ, cái khó và kiên trì đi đến cuối cùng thì Vinh Phạm cũng “hái được quả ngọt”. Hành trình trở thành phi công cũng giúp Gen Z trưởng thành lên mỗi ngày. Vinh Phạm vẫn nhớ như in lần đầu có chuyến bay đơn đầu tiên vào tháng 11/2019 - một lần bay là một lần cậu bạn có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm để hoàn thiện chính mình. “Mình vẫn nhớ rõ lúc đó, đài kiểm soát không lưu yêu cầu mình bay hướng ra biển. Nhưng thời gian chờ họ cho phép quay lại để hạ cánh kéo dài hơn mình tưởng, khiến mình lo liệu họ có quên mất mình không. Bay một mình giữa biển trời rộng lớn, không có ai bên cạnh, lúc đó là khoảnh khắc mình lo lắng hồi hộp nhất.

Nhưng cũng chính chuyến bay đó là một bước ngoặt đáng nhớ. Khi mình vượt qua được nỗi sợ và tự tin hạ cánh an toàn, mình nhận ra bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều”, Vinh Phạm chia sẻ. 

Chưa dừng lại ở đó, cậu bạn đều hạnh phúc khi làm được công việc mà bản thân mơ ước. yêu chính mình và trân trọng những người xung quanh. Đó là bố mẹ - người luôn ở phía sau ủng hộ, người chị  Trinh Phạm - luôn là nguồn cảm hứng và động lực để cậu bạn cố gắng hơn mỗi ngày.

Chàng trai Hà Nội trở thành phi công khi mới 23 tuổi nhờ 1 quyết định của mẹ lúc đang học ĐH Bách Khoa- Ảnh 4.

Vinh Phạm và chị gái ruột - Beauty blogger Trinh Phạm.

“Cuối cùng, điều khiến mình hạnh phúc nhất là nhận ra mình có thể vượt qua những giới hạn của bản thân mà trước đây mình chưa bao giờ nghĩ mình làm được.

Từ những đêm thức trắng ôn bài, đến những lần căng thẳng vì không hiểu bài và phải nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè hay những người đi trước, mỗi thử thách đều giúp mình trưởng thành hơn. Mỗi lần hoàn thành một bài bay hay vượt qua một kỳ thi khó khăn, mình không chỉ cảm thấy hạnh phúc mà còn tự hào vì từng bước tiến gần hơn đến ước mơ”, Vinh Phạm hào hứng chia sẻ. 


 

Theo Trần Hà - Ảnh: NVCC

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên