MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Chàng trai vàng tin học’ Lê Yên Thanh: Giấc mơ làm tiến sĩ ở tuổi 25, từ chối Google đến Top 30 under 30 châu Á

04-06-2022 - 10:04 AM | Doanh nghiệp

Từng có cơ hội làm việc cho Google nhưng Lê Yên Thanh từ chối để ở lại Việt Nam đầu quân cho một số startup, sau đó khởi nghiệp với BusMap. CEO sinh năm 1994 là một trong 6 đại diện của Việt Nam vừa được vinh danh trong Forbes 30 under 30 châu Á năm 2022.


‘Chàng trai vàng tin học’ Lê Yên Thanh: Giấc mơ làm tiến sĩ ở tuổi 25, từ chối Google đến Top 30 under 30 châu Á - Ảnh 1.

Sở hữu bảng thành tích "khủng", được truyền thông ưu ái gọi là "chàng trai vàng tin học" của Việt Nam nhưng Lê Yên Thanh thú nhận "vì tham gia quá nhiều cuộc thi nên tôi cũng không nhớ chính xác mình đã đạt tất cả bao nhiêu giải thưởng".

Bắt đầu làm quen và yêu thích tin học từ những năm cấp 2, chàng trai quê An Giang này từng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tin học quốc gia và được tuyển thẳng vào đại học. Năm 2015, anh giành giải nhì cuộc thi Nhân tài Đất Việt. Cùng năm đó, Lê Yên Thanh được vinh danh là Gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam khi mới 21 tuổi.

Với vai trò là nhà sáng lập và CEO Phenikaa Mass – công ty cung cấp các giải pháp công nghệ giao thông, Lê Yên Thanh vừa lọt Top 30 under 30 châu Á của tạp chí Forbes. Startup của Thanh trước đây mang tên BusMap nhưng đã đổi thành Phenikaa Mass sau khi nhận đầu tư 1,5 triệu USD từ Phenikaa, tập đoàn do doanh nhân Hồ Xuân Năng sáng lập.

"Tôi mơ làm tiến sĩ để tạo ra nhiều sản phẩm tốt"

- Thời sinh viên khi đạt rất nhiều giải thưởng về tin học, anh từng chia sẻ với truyền thông rằng mơ ước của mình là trở thành tiến sĩ ở tuổi 25. Giấc mơ đó giờ đây đã thay đổi?

- Thực tế nó chỉ thay đổi về cách thực hiện còn mục tiêu của tôi vẫn vậy. Ngày xưa tôi mong thành tiến sĩ vì tôi nghĩ rằng khi trở thành tiến sĩ sẽ có chuyên môn tốt hơn. Từ đó tôi có thể nghiên cứu và tạo ra nhiều sản phẩm tốt, giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Hiện nay, mục tiêu của tôi vẫn là mang đến các giải pháp giúp cuộc sống của con người tốt đẹp hơn, chỉ có điều tôi không theo con đường học thuật mà tiếp cận bằng cách tạo ra các sản phẩm thông qua startup của mình.

- Học đại học tại Việt Nam, cơ hội sang Mỹ thực tập ở "gã khổng lồ" công nghệ Google đến với anh như thế nào?

- Công nghệ thông tin là ngành đặc biệt vì mình có thể làm việc ở bất kỳ đâu, miễn là có thể khẳng định được năng lực. Mọi quy trình đều diễn ra online.

‘Chàng trai vàng tin học’ Lê Yên Thanh: Giấc mơ làm tiến sĩ ở tuổi 25, từ chối Google đến Top 30 under 30 châu Á - Ảnh 2.

Lê Yên Thanh từng mơ ước trở thành tiến sĩ.

Khi là sinh viên năm thứ hai tôi đã đi thực tập ở Misfit, đến năm thứ ba tôi thực tập tại VNG. Thật ra vào năm thứ ba, tôi đã được "offer" làm thực tập sinh ở Google nhưng do họ chỉ có chương trình kéo dài 6 tháng nên tôi quyết định không đi. Sang đến năm thứ tư, sau khi hoàn thành hết các kỳ thi và lo xong đề án tốt nghiệp, tôi mới quyết định sang Mỹ.

- Sau thời gian thực tập, anh nhận được "offer" làm việc tại Google Singapore, tại sao anh lại từ chối?

- Lúc đó tôi suy nghĩ xem mình nên chọn con đường nào. Với profile của mình, tôi cũng có thể làm việc tại các công ty lớn khác hoặc xin học bổng đi du học. Tuy nhiên, tôi lại nhận thấy đam mê là làm các sản phẩm công nghệ giúp ích cho đời sống.

Tôi nghĩ rằng nếu khởi nghiệp ở Việt Nam thì sẽ học được các kỹ năng để làm sản phẩm tốt hơn. Còn khi đi làm ở các công ty lớn thường mình sẽ làm sản phẩm của người khác và có thể không học được nhiều thứ như những vấn đề Việt Nam đang gặp phải. Vì vậy, tôi quyết định không khởi nghiệp ngay mà đi làm cho các startup trước để học hỏi cách một công ty bắt đầu ra sao.

Sau khi thực tập ở Google, trong 3 năm 2017-2019, mỗi năm tôi tham gia một startup để học hỏi kinh nghiệm ở các vị trí khác nhau, từ một lập trình viên đến Tech Lead, Trưởng phòng kỹ thuật rồi đến CTO. Sau khi có được những kỹ năng cần thiết, tôi mới quyết định tự khởi nghiệp.

Từng định đóng cửa công ty và những ‘drama’ khi làm startup

- BusMap đã ra đời như thế nào?

- Tôi thành lập công ty vào tháng 9/2019. Thực tế, BusMap là sản phẩm tôi làm từ thời sinh viên, nó cũng là sản phẩm giúp tôi có nhiều giải thưởng ở các cuộc thi. Thường thời sinh viên khi làm xong cái gì đó thì các bạn sẽ dừng lại khi đi làm. Còn tôi thì dù ra trường, đi làm ở các công ty khác tôi vẫn bỏ thời gian và tiền bạc duy trì nó.

Từ lúc đi học tôi đã đi xe bus, thời đó chưa có bản đồ công nghệ về xe bus, Google Map còn khá mới và chưa đầy đủ thông tin. Lúc đó tôi nghĩ mình có thể làm một ứng dụng trên di động để mọi người có thể tra cứu lộ trình xe bus hoặc tìm đường đi, giá xe, những điều cần chú ý...

Hiện tại ứng dụng có hơn 2 triệu lượt tải ở Việt Nam, hoạt động tại 4 tỉnh thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương. BusMap cũng đã được triển khai thử nghiệm tại thành phố Bangkok và Chiangmai ở Thái Lan.

‘Chàng trai vàng tin học’ Lê Yên Thanh: Giấc mơ làm tiến sĩ ở tuổi 25, từ chối Google đến Top 30 under 30 châu Á - Ảnh 3.
CEO sinh năm 1994 vừa lọt Top 30 under 30 châu Á năm 2022.

- Bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc cho BusMap, nhưng đến nay đó vẫn là một ứng dụng miễn phí?

- BusMap hiện là một trong những sản phẩm cốt lõi của công ty, công nghệ của nó có thể áp dụng cho các ứng dụng khác. Sau vòng gọi vốn năm 2020, chúng tôi cũng phát triển rất nhiều sản phẩm mới.

Với BusMap, chúng tôi chưa đặt mục tiêu có doanh thu, vì nhiều người đi xe bus không có thu nhập cao. Chúng tôi xây dựng sản phẩm chủ yếu để chứng minh năng lực của công ty, từ đó với những khách hàng khác sẽ thu tiền dựa trên các đối tượng quản lý. Ví dụ như công ty của tôi xây dựng hệ thống quản lý cho Vinbus và họ trả tiền cho sản phẩm này.

- Cụ thể thì Phenikaa Mass hiện có những sản phẩm nào?

- Hiện tại chúng tôi có 3 dòng sản phẩm chính. Thứ nhất là sản phẩm quản lý hệ thống xe, phát triển từ hệ thống quản lý của BusMap lên. Đối tượng khách hàng là các ban ngành để họ triển khai các biện pháp giao thông công cộng. Giải pháp đó có thể giúp từng tỉnh thành số hóa nhanh chóng các số liệu giao thông và cung cấp ứng dụng cho người dân. Ngoài ra với các doanh nghiệp như Vinbus cũng có thể sử dụng sản phẩm này. Chúng tôi cũng đang phát triển giải pháp cho các doanh nghiệp như đưa đón học sinh hay cán bộ công nhân viên.

Dòng sản phẩm thứ hai là ứng dụng kết hợp các giải pháp chấm công bằng khuôn mặt, QR code thay cho cách truyền thống.

Ngoài ra có một sản phẩm về AI được chúng tôi phát triển năm ngoái. Đây là giải pháp quản lý hệ thống bằng AI, dùng camera để nhận dạng, xem xe có chạy đúng tốc độ không... Trong thời gian diễn ra Covid-19, Phenikaa Mass đã phát triển sản phẩm AI ứng dụng cho các cảng, giúp họ quản lý cointainer ra vào. Trước đó thường mất 5-10 phút cho một cointainer, dẫn đến tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm. Nhưng với giải pháp này, thời gian giảm xuống chỉ còn 15-30 giây cho mỗi xe. Đó cũng đúng là những điều mà trước đây tôi mong muốn làm – tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề của con người.

- Anh từng chia sẻ rằng cuộc đời mình đã gặp rất nhiều "drama" từ khi bước chân vào thế giới startup. Những "drama" đó là gì?

- Nói chính xác thì đó là những bài học để mình phát triển hơn. 3 năm làm việc tại 3 startup, có công ty sau đó tiếp tục phát triển, có công ty không. Tuy nhiên, với riêng cá nhân, tôi thấy cả 3 lần đó tôi đều thất bại với mục tiêu mà mình đặt ra. Dù vậy, những bài học đó giúp tôi hoàn thiện bản thân và có thể tiến nhanh hơn đến vai trò CEO như hiện tại.

‘Chàng trai vàng tin học’ Lê Yên Thanh: Giấc mơ làm tiến sĩ ở tuổi 25, từ chối Google đến Top 30 under 30 châu Á - Ảnh 4.

Lê Yên Thanh từng nghĩ đến việc dừng hoạt động BusMap vì thiếu vốn.

Mỗi startup cho tôi những bài học riêng. Startup đầu tiên liên quan đến vấn đề nhân sự, thứ hai là làm sản phẩm và thứ 3 liên quan đến tài chính. Đó cũng thường là các vấn đề khiến các startup thất bại. Mỗi năm tôi đã gặp một vấn đề khác nhau và may mắn là thất bại thì thất bại rất nhanh. Đến khi bắt đầu công ty riêng, tôi đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm.

- Trong quá trình khởi nghiệp, có khi nào công ty của anh rơi vào cảnh hết tiền và phải dừng hoạt động?

- Khi bắt đầu khởi nghiệp, công ty cũng rất khó khăn. Trước khi startup, để duy trì BusMap tôi cần 10-20 triệu đồng/tháng để duy trì máy chủ trong khi sản phẩm là hoàn toàn miễn phí. Trong thời gian đó, tôi đi làm ở các startup khác, lương cũng không quá cao mà vẫn phải duy trì sản phẩm nên tôi thấy khá vất vả.

Lúc đó, dù người dùng mới chỉ 100.000 – 200.000 nhưng động lực để tôi tiếp tục là mỗi ngày đều có những ý kiến đóng góp và cám ơn. Điều tự hào nhất của tôi là giúp được những người đi xe bus, nhiều người trong số họ là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Có những bạn sinh viên sau khi ra trường và đã đóng góp được cho xã hội lại quay lại cám ơn BusMap, vì vậy tôi vẫn muốn duy trì.

Cũng có những tháng tiền lương của tôi không đủ cho các khoản chi tiêu và duy trì BusMap, nhưng rất may thời thực tập ở Google tôi có một khoản tích lũy. Đến năm 2019, lượng người dùng tăng lên 500.000, mỗi tháng tốn 30-40 triệu tiền máy chủ, tôi không lo đủ nữa nên tính đến chuyện startup.

Ý tưởng khởi nghiệp rất nhiều, tôi có thể làm về Blockchain hay những sản phẩm tài chính thì cơ hội gọi vốn tốt hơn. Tuy nhiên, nếu như vậy tôi không thể duy trì BusMap vì không đủ kinh phí. Cuối cùng tôi quyết định chọn luôn BusMap là sản phẩm để startup. Có nhiều người dùng là một xuất phát điểm tốt. Tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng khởi nghiệp với BusMap sẽ rất khó bởi khi gặp nhà đầu tư và nói rằng người dùng của mình là những người đi xe bus, họ sẽ không mặn mà chuyện rót vốn.

Khi làm sản phẩm, tôi cũng phải tuyển một vài người bạn về làm và phải trả lương cho họ. Không có tiền, tôi phải dùng đến quỹ tiết kiệm thời đi làm ở Google và thật sự cũng khá stress. Lúc đó, tôi dự định đến tháng 6/2020, nếu không gọi được vốn có thể sẽ từ bỏ BusMap để bắt đầu một startup mới.

Sau này, khi tham gia các cuộc thi, tôi gặp được nhiều nhà đầu tư khác nhau. Họ góp ý cho tôi cách xây dựng mô hình kinh doanh và kiếm tiền từ công nghệ của BusMap. Tập đoàn Phenikaa và một số quỹ khác ngỏ ý muốn đầu tư. Cuối cùng đến tháng 3/2020, chúng tôi quyết định nhận vốn đầu tư từ Phenikaa.

Muốn đưa Phenikaa Mass thành kỳ lân hoặc cận kỳ lân

- Hơn 5 năm bước chân vào thế giới startup trong đó có gần 3 năm tự khởi nghiệp, có khi nào anh thấy hối tiếc?

- Tôi không thấy hối tiếc vì khi nhìn lại thì thấy mình đã học được rất nhiều thứ. Ngày xưa tôi không thể nào nói chuyện một cách lưu loát hay phát biểu trước đám đông, trả lời truyền thông. Các bạn học cùng lớp tôi nhiều người đã thành tiến sĩ, nhiều người ra nước ngoài làm việc... Còn tôi thấy mình rất vui khi có một đội ngũ nhân sự tin tưởng mình, có những sản phẩm tác động tích cực đến xã hội và được người dùng quan tâm.

Nếu có điều gì hối tiếc thì đó là những năm đại học, tôi chưa xác định sẽ theo con đường khởi nghiệp nên không học các kỹ năng liên quan. Mãi đến khi startup mới bắt tay vào vừa học vừa làm, do đó mình tốn nhiều thời gian và áp lực hơn trong quá trình khởi nghiệp.

Sau khi gọi vốn xong thì quá trình phát triển đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng nữa. Trước làm CTO, tôi chỉ lo về kỹ thuật và quản lý, giờ phải học thêm nhiều về quản trị nhân sự, kế toán, tài chính, luật.... Những vấn đề đó nhiều khi còn khó hơn cả làm về công nghệ.

‘Chàng trai vàng tin học’ Lê Yên Thanh: Giấc mơ làm tiến sĩ ở tuổi 25, từ chối Google đến Top 30 under 30 châu Á - Ảnh 5.

CEO Phenikaa Mass muốn đưa công ty đến gần định giá tỷ USD.

- Blockchain là từ khóa rất "hot" hiện nay. Một startup game Blockchain Việt cũng vừa trở thành kỳ lân. Anh từng được biết đến với việc tạo ra một ứng dụng chống gian lận thi cử sử dụng công nghệ này. Vậy tại sao khi khởi nghiệp anh không lựa chọn Blockchain?

- Blockchain cũng là một trong những điều tôi nghiên cứu từ khi còn làm việc cho các startup khác. Đó là một trong những lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng còn khá mới. Từ lúc khái niệm AI ra đời đến nay đã 70-80 năm, còn Blockchain mới chỉ khoảng 20 năm. Việc ứng dụng Blockchain còn hạn chế, đó là lý do tôi nghiêng về AI để giải quyết các bài toán thực tế nhiều hơn.

Trong tương lai, nếu có cơ hội tôi sẽ làm về Blockchain với một startup khác. Còn hiện tại, tôi muốn Phenikaa Mass tập trung vào giải quyết các bài toán về giao thông, sức khỏe.

- Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của anh với Phenikaa Mass?

- Giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp đã qua nên mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi là phát triển công ty càng nhanh càng tốt, chứng minh được tiềm năng của mình và tăng doanh thu.

Về dài hạn, Phenikaa Mass muốn phát triển lên tầm cao hơn nữa. Hiện công ty mới chỉ có 40 nhân sự, để có thể lên đến 500 hay 1.000 người chắc chắn sẽ còn rất nhiều vấn đề. Mục tiêu trở thành kỳ lân có thể rất khó và xa nhưng chúng tôi vẫn hy vọng có thể đạt đến mức cận kỳ lân. Tôi nghĩ đó là mục tiêu mà rất nhiều founder mong muốn.

Về mục tiêu mở rộng sản phẩm, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung ở thị trường Việt Nam, khi đủ tính cạnh tranh mới bắt đầu tiến ra nước ngoài.

- Anh từng có một bài viết trên LinkedIn với tựa đề "Tôi – Lê Yên Thanh đã kiếm được 100 triệu USD như thế nào?". Dù đây chỉ là một trò đùa ngày "Cá tháng tư", con số 100 triệu USD có phải là mục tiêu về tài chính mà anh đặt ra?

- Tôi không đưa ra một con số cụ thể nhưng mục tiêu của tôi là không phải lo về vấn đề tài chính, từ đó có thể giúp được gia đình và người thân cũng như tập trung hơn cho những đam mê của mình. Khi không phải lo về tài chính nữa, đầu óc sẽ thoải mái hơn để đưa ra nhiều sản phẩm sáng tạo, phát triển những sản phẩm tốt hơn.

- Cảm ơn anh.

"Ngày ấy – Bây giờ" là series bài viết kể về hành trình phát triển sự nghiệp của những nhân vật nổi bật trong giới kinh doanh, khởi nghiệp và công nghệ tại Việt Nam. Những câu chuyện cùng chủ đề sẽ được đăng tải trên NDH.VN vào sáng thứ 7 hàng tuần. 

Theo Diệu Tuyết - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người đồng hành

Trở lên trên