Chánh án TAND tối cao trả lời vụ vì sao tòa không cho bà Châu Thị Thu Nga khai về 1,5 triệu USD 'chạy' đại biểu Quốc hội
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, việc Chủ tọa phiên tòa từ chối cho bà Châu Thị Thu Nga khai về việc chi tiền "chạy" vào Quốc hội, được luật cho phép. Việc tách vụ việc này thành vụ án riêng để điều tra là phù hợp.
- 18-11-2017Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải không cho Châu Thị Thu Nga khai "chạy" 30 tỉ làm ĐBQH
- 04-11-2017Hơn 250 bị hại trong vụ án Châu Thị Thu Nga kháng cáo đòi nhà dự án
- 28-10-2017Nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga kháng cáo
Sáng 18/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
Trả lời chất vấn về vụ việc Chủ tọa phiên tòa từ chối cho bà Châu Thị Thu Nga khai về việc chi tiền "chạy" vào Quốc hội ông Bình cho biết: "Sự việc xảy ra trong quá trình tranh tụng. Khi có dư luận báo chí nêu HĐXX không cho bà Nga khai, thậm chí còn nói "cắt điện 30 giây", chúng tôi đã yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ án, kiểm tra kỹ thuật phòng xét xử, yêu cầu chủ tọa phiên tòa giải trình và gặp luật sư. Kết quả, phòng xét xử bình thường, không có sự cố gì".
"Thứ hai, hồ sơ vụ án có đầy đủ lời khai của Châu Thị Thu Nga, việc chủ tọa phiên tòa không cho khai tiếp vì vụ án đã được tách ra thì theo quy định của luật là được phép. Trên thực tế chúng ta đã tách án rất nhiều. Nếu trong tình tiết mới xuất hiện mà không có quyết định tách án thì hội đồng xét xử phải làm rõ, nhưng khi đã được tách án thì không cần làm rõ nữa. Đây là thông lệ bình thường", ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, lời khai của bà Châu Thị Thu Nga có trong hồ sơ vụ án, "không có gì giấu giếm cả".
"Bà Nga khai chi tiền cho cho 2 mục đích là chi tiền cho Hội động bầu cử địa phương để có tên ứng cử và chi cho báo chí viết khi có phóng viên viết về việc bà Nga không đi học mà có bằng tiến sĩ. Cách chi theo lời khai là bà Nga gặp một doanh nhân buôn bán vàng, đưa cho người này nhiều lần có lần 100.000 USD, có lần 200.000 USD... Anh này mang đi đâu làm gì chỉ hai người biết, không có chứng cứ.
Tại biên bản đối chất, doanh nhân này nói có quen biết Nga nhưng không nhận tiền và không làm việc đó. Cơ quan điều tra tách ra là điều cần thiết. Việc này tòa cũng không thể làm rõ tại tòa. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đang tích cực điều tra. Chúng ta sẽ có phiên tòa công khai khác", ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Trước đó trong phiên toà xét xử đầu tháng 10/2017, bị cáo Châu Thị Thu Nga 2 lần xin được khai báo về khoản tiền 1,5 triệu USD đã dùng để "chạy" vào Quốc hội trước toà nhưng hai lần chủ toạ từ chối. Lần đầu chủ toạ nhắc luật sư "nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án" và lần sau mời luật sư về chỗ.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm với Châu Thị Thu Nga và 9 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, HĐXX tuyên mức án chung thân với Châu Thị Thu Nga về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Về phần dân sự, bà Nga bị tuyên bồi thường hơn 54 tỷ đồng, Housing Group bồi thường số còn lại.