MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chánh án TAND TP.HCM: 'Vụ VN Pharma như tảng băng chìm chưa nổi lên'

31-08-2017 - 08:25 AM | Xã hội

Chánh án TAND TP.HCM thông tin về phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án “buôn lậu” thuốc ung thư xảy ra tại công ty VN Pharma, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Xử tội nào cũng không trọn vẹn?

Tại cuộc họp ngày 30/8 liên quan đến vụ án nói trên, bà Ung Thị Xuân Hương – Chánh án TAND TP.HCM cho rằng, ngay sau khi xét xử sơ thẩm đến nay, phía tòa đã chịu áp lực rất lớn từ dư luận.

Bà Ung Thị Xuân Hương - Chánh án TAND TP.HCM

Bà Hương cho rằng: “Về tội danh, có ý kiến xử là tội “buôn lậu” hay tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Bây giờ chúng ta phải thừa nhận một điều rằng, xử tội nào cũng phải thiếu một vế. Xử tội “buôn lậu” thì thiếu vế “hàng giả”, xử tội “hàng giả” thì thiếu vế “buôn lậu”. Bởi vậy không thể nào trọn vẹn hết”.

Bà cũng nói thêm: “Quan điểm của toà chúng tôi đã thể hiện trong bản án rồi ! Dĩ nhiên đây là án sơ thẩm và đến thời điểm này có 3 bị cáo kháng cáo. Chắc chắn phiên phúc thẩm sẽ xem xét lại các tình tiết”.

Giải thích thêm về tội danh “buôn lậu” mà cấp tòa sơ thẩm vừa tuyên đối với các bị cáo có vai trò chủ chốt trong vụ án VN Pharma, Chánh án TP.HCM cho hay: “Chúng tôi quan điểm buôn lậu ở đây là buôn lậu trái phép qua biên giới và không phụ thuộc hàng giả, hàng kém chất lượng…Còn nếu xử tội hàng giả thì trong nước chứ không có yếu tố buôn lậu qua biên giới. Rõ ràng đây là yếu tố buôn lậu”.

Bà Hương lý giải thêm tình tiết liên quan, 2 giấy phép thể hiện trong hồ sơ vụ án là giả, có thể công ty nước ngoài làm giả mà ông Nguyễn Minh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma không biết hay Cục Quản lý Dược không biết? “Bởi vậy cứ buôn lậu rồi có giả, có gian, có kém chất lượng thì đều xử tội buôn lậu được. Còn tội hàng giả thì đặc trưng của nó là trong nội địa, trong nước”, bà Hương nêu.

Theo vị Chánh án, tội danh “buôn lậu” và “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” có mức án chung thân hoặc tử hình. Nếu như toà xử tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, chỉ xử được khoản 2, tức là tội phạm có tổ chức và tối đa cũng chỉ 12 năm tù. Còn muốn xử chung thân hay tử hình thì phải theo khoản 3 hoặc 4 mà phải gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Và theo bà Hương, trong vụ án này chưa có hậu quả gì, thuốc chưa bán ra thị trường

“Chúng tôi đánh giá hành vi này chưa phát sinh hậu quả nên xử mức 12 năm là…nghiêm” bà Hương khẳng định.

Tảng băng chìm…chưa nổi lên

Bà Hương nói, việc tòa tuyên 12 năm tù đối với 1 số bị cáo đầu vụ, có thể làm dư luận bức xúc. Ngoài ra bà cho rằng, giai đoạn vừa qua 1 số báo chí thông tin chưa chuẩn xác dẫn đến dư luận chưa nắm bắt thông tin rõ ràng về vụ án, khiến bức xúc thêm…

Vụ án buôn lậu thuốc ung thư xảy ra tại công ty VN Pharma, với mức án cao nhất 12 năm tù dành cho các bị cáo đầu vụ, đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, bức xúc

Bà Hương nhấn mạnh: “Vụ án này chắc chắn là tảng băng chìm chưa nổi lên. Cái nổi ở đây chỉ một tý ở đầu thôi. Dư luận bức xúc rất nhiều về đấu thầu thuốc, về giá thuốc. Hồ sơ vụ án này chỉ việc nhỏ thôi, giá trị hàng chỉ hơn 5 tỷ đồng. Rất nhỏ so với tảng băng chìm đó”.

Có 2 vấn đề liên quan đến thông tin báo chí, bà Hương cho biết, cần nói thêm cho rõ ràng.

Một là, báo chí đều đề cập thuốc giả, thuốc ung thư giả. Trong khi đó trong hồ sơ vụ án có 2 giấy kiểm định chất lượng. Khi đấu thấu xong, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế mới nghi ngờ tại sao giá VN Pharma đưa ra giá thấp như thế. Khi đã nghi ngờ như vậy nên chính ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma chủ động yêu cầu Cục Quản lý dược đi kiểm nghiệm thuốc. Điều đó có nghĩa bản thân ông Hùng không biết thuốc đó chất lượng như thế nào, tin tưởng hoàn toàn vào các công ty môi giới và công ty nhập về.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hoạt chất chống ung thư trong thuốc đạt 98,1%. Đến khi phát hiện hàng buôn lậu, công an đi kiểm nghiệm lần thứ 2, cho kết quả hoạt chất chống ung thư là 97%. Nhưng có báo thông tin là tạp chất 97%; khác hoàn toàn, thậm chí có báo đăng 97% độc chất.

“Cho nên nói “hàng giả” là chúng tôi không thống nhất. Có thể là hàng kém chất lượng, nhưng phải so với đề án nhập thuốc nữa. Đề án bao nhiêu % chất đó thì chúng ta so ra mới biết có kém chất lượng hay không?” bà Hương phân tích.

Hai là, theo bà Hương báo chí thông tin chưa đầy đủ. Lô hàng trong vụ án hoàn toàn chưa được bán ra thị trường. Theo thông tin mà bà cung cấp, “khi Cục Quản lý dược phát hiện và ông Hùng yêu cầu đi kiểm định thì lô hàng này còn niêm phong, chưa bán ra thị trường nhưng báo chí không đăng thông tin này. Dẫn đến bệnh nhân ồ lên, nói kiểm tra coi tôi có dùng thuốc này hay không?”.

Bà Hương cũng thông tin, quá trình tố tụng, TAND TP.HCM có 3 lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại. Tuy nhiên khi phiên xử sơ thẩm diễn ra, công an vẫn chưa làm rõ 1 số tình tiết nên buộc tòa phải kiến nghị 1 số vấn đề; trong đó có xem xét trách nhiệm của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế và tình tiết các bị cáo khai chi 7,5 tỷ đồng tiền hoa hồng nhưng thật ra là hoa hồng cho các lô hàng trước.

Theo Linh An

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên