MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chanh leo mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào vùng cao

19-11-2016 - 21:13 PM | Thị trường

Huyện vùng cao biên giới Quế Phong (Nghệ An) hiện có 250ha chanh leo được trồng ở các xã Tri Lễ, Châu Thôn, Nậm Giải. Riêng Tri Lễ có 108ha chanh leo, trong đó có 97ha đã cho thu hoạch. Doanh nghiệp thu mua tận vườn giá cao, ổn định...

chanh leo nơi đây chưa đạt năng suất như kỳ vọng nhưng doanh nghiệp thu mua tận vườn giá cao, ổn định và đứng trước cơ hội có mặt tại thị trường Nhật Bản.

Cây thoát nghèo

Năm 2014, ông Vi Văn Sơn ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ trồng 1,3ha cây chanh leo Đài Loan. Đến nay đã cho thu hoạch vụ thứ 2, năng suất ước đạt 15 tấn/ha.

Chanh leo giúp đồng bào Thái Quế Phong thoát nghèo
Chanh leo giúp đồng bào Thái Quế Phong thoát nghèo

“Ta trồng với mật độ 800 gốc/ha, năm nay đã bán được 16 tấn, hiện còn khoảng gần 4 tấn nữa sắp hái. Cty Nafoods (Cty CP Thực phẩm Nghệ An - PV) thu mua tận vườn với giá 9 nghìn đồng/kg. Vụ này chắc gia đình ta sẽ thu được gần 180 triệu đồng. Dân bản Yên Sơn vẫn chưa chăm sóc tốt, nếu không năng suất có thể đạt 25 tấn/ha đấy”.

Theo ông Sơn, độ dốc ở một số bản của Tri Lễ vừa đủ cho cây chanh leo phát triển, dù là cây rất cần nước nhưng nếu ngập úng, chanh leo dễ bị nhiễm bệnh và chết. Ngoài lượng phân bón 15 - 16kg phân chuồng/gốc (3 - 4 lần bón/năm); 250gr phân NPK/gốc (4 - 5 lần bón/năm), cây chanh leo cần được tưới đậm 1 - 2 lần vào mùa khô và phải được tiêu úng kịp thời. Để quả phát triển tốt, mỗi tuần cần tỉa lá 2 - 3 lần… Đầu tư ban đầu cho mỗi ha chanh leo khoảng 70 triệu đồng, cây có thể cho năng suất cao trong 3 năm đầu lưu gốc. Vì vậy, cứ 3 năm/lần lại phải trồng cây mới.

Hiện chanh leo được trồng tại 5 bản đồng bào Thái của xã Tri Lễ với tổng diện tích 108ha. Trong đó có 55ha của 100 hộ đồng bào Thái, số còn lại của một số doanh nghiệp thuê đất đầu tư trồng. Theo kế hoạch, đến năm 2020 diện tích chanh leo tại Tri Lễ sẽ ổn định ở mức 1,5 nghìn ha.

“Với năng suất hiện tại khoảng 16 tấn/ha, chanh leo vẫn là cây cho thu nhập "đầu bảng” tại xã Tri Lễ. Không có cây gì cho thu nhập cao hơn chanh leo. Nếu được chăm sóc tốt hơn, chanh leo hoàn toàn có thể giúp đồng bào thoát nghèo bền vững”, ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết thêm.

Cơ hội sang Nhật Bản

Tháng 10/2010, sau khi đi khảo sát tại một số vùng nguyên liệu của Nafoods Nghệ An tại Lâm Đồng, Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong chỉ đạo bà con trồng thử nghiệm 2ha chanh leo với sự tham gia của 21 hộ. Chỉ sau một năm trồng thử nghiệm, 2ha chanh leo tại xã Tri Lễ đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, tiềm năng năng suất, chất lượng triển vọng.

Chanh leo có cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản
Chanh leo có cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản

Tháng 10/2011, UBND huyện Quế Phong có tờ trình xin chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng vùng trồng chanh leo nguyên liệu quy mô 1.000ha tại hai xã Tri Lễ (800ha) và Nậm Giải (200ha) để cung cấp nguyên liệu cho Nafoods và các nhà máy xuất khẩu nước hoa quả trong nước.

Thời điểm thử nghiệm, đồng bào chủ yếu trồng giống chanh leo địa phương, quả chín màu vàng nhưng do quả chua nên nay chuyển sang trồng giống chanh leo Đài Nông 1 có nguồn gốc từ Đài Loan. Giống mới này khi chín màu quả tím, nước có vị ngọt và thơm hơn nên được thị trường ưa chuộng.

Hiện chanh leo được đồng bào Thái trồng tại 3 xã Tri Lễ, Châu Thôn, Nậm Giải với tổng diện tích khoảng 250ha. Hiện Quế Phong là vùng duy nhất của Nghệ An trồng được chanh leo, với diện tích khoảng 250ha, mỗi năm sản xuất gần 1.000 tấn chanh leo và đã tự chủ được giống.

Mới đây, trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh và Tổ chức hỗ trợ phát triển Nhật Bản JICA, đoàn chuyên gia JICA phối hợp với Nafoods tổ chức khảo sát tại một số vườn chanh leo trên địa bàn huyện Quế Phong.

Địa bàn đoàn JICA khảo sát đợt này bao gồm một số chủ vườn chanh ở xã Tri Lễ và Châu Thôn. Đoàn đã khảo sát thực địa, tìm hiểu cách đầu tư chăm sóc, lấy mẫu, ghi các chỉ số phát triển của cây và quả chanh leo. Dự định của JICA là sẽ hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và vốn để sản xuất theo quy trình của Nhật Bản, nếu sản phẩm quả đạt tiêu chuẩn sẽ đưa sang Nhật Bản để tiêu thụ.

Tuy nhiên, để sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, theo ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cần có thêm các chính sách hỗ trợ: “Đồng bào vẫn chưa chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, sản lượng và chất lượng chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, đầu tư ban đầu tương đối cao so với tiềm lực của đồng bào. Trước đây, diện tích chanh leo tăng nhanh chủ yếu nhờ vào nguồn đầu tư của ban phát triển nông thôn miền núi huyện. Vì vậy, nếu Nhà nước không tiếp tục hỗ trợ thì việc tăng diện tích, chất lượng đảm bảo xuất khẩu sẽ gặp khó khăn”.

Theo Văn Dũng

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên