MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ

09-10-2023 - 21:20 PM | Sống

Đâu là điều mà các sinh viên làm mỗi ngày, nhưng có thể quyết định đến cả điểm số, tỷ lệ tốt nghiệp và thành công sau đại học của họ?

Đại học là nơi khởi đầu của những giấc mơ. Không có gì phải nghi ngờ:

Đó là nơi mà Larry Page gặp Sergey Brin, bộ đôi sau đó mới thành lập Google. Ý tưởng đầu tiên về mạng xã hội cũng đã được Mark Zuckerberg nhen nhóm trong một căn phòng ký túc xá. Anh ấy đã mua tên miền "thefacebook.com" từ số tiền 1.000 USD hùm vốn với Eduardo Luiz Saverin, một người anh khóa trên ở Harvard.

Elon Musk, người từng tuyên bố "học đại học về cơ bản chỉ để cho vui chứ không vì kiến thức", cũng không thể phủ nhận đó từng là nơi nuôi dưỡng giấc mơ hiện tại của ông. 

Trong cuốn sách "Elon Musk - Tesla, Spacex Và Sứ Mệnh Tìm Kiếm Một Tương Lai Ngoài Sức Tưởng Tượng", Musk kể mình đã tìm thấy những người bạn có "cùng tần sóng" ở Đại học Pennsylvania, những người sẵn sàng nghe ông nói cả ngày về tên lửa, năng lượng mặt trời và ô tô điện mà ánh mắt họ sẽ toát lên vẻ hào hứng chứ không phải kỳ thị.

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 1.

Bây giờ, nếu bạn là tân sinh viên và cũng đang mang trong mình một giấc mơ lớn, tin tốt là bạn đang có một môi trường sẵn sàng nuôi dưỡng giấc mơ của mình. Nhưng để hiện thực hóa được những ước mơ ấy, bạn phải sẵn sàng để đối mặt với những thử thách.

Thử thách đầu tiên, được các sinh viên ngành kỹ thuật xác nhận, là môn cơ học lượng tử, thứ sẽ nói với bạn rằng ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt, một electron có thể chui qua hai khe hở cùng lúc, và con mèo của Schrödinger thì vừa sống lại vừa chết.

Thử thách thứ hai đến từ các sinh viên kinh tế: "Tư bản không thể xuất hiện từ lưu thông và cũng không thể xuất hiện bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời không phải trong lưu thông".

Nhưng đó vẫn chưa là gì so với thử thách thứ ba, được coi là "kiếp nạn thứ 82" của mọi sinh viên đại học. Một nghiên cứu trên tạp chí Nature and Science of Sleep cho biết: Giảng đường là nơi khởi đầu của "những giấc mơ", nhưng cũng có thể là nơi khởi đầu của những giấc mơ.

Thật vậy, 50% sinh viên trong nghiên cứu này thừa nhận họ khởi đầu giấc mơ ở trường đại học không phải vì lý tưởng, khát vọng… mà đơn giản vì họ ngủ.

Hơn 85% sinh viên trong các tiết học bắt đầu trước 8h30 báo cáo cảm giác buồn ngủ và 38% nói rằng họ đã thực sự ngủ gật trong lớp.

Đó là hệ quả của những đêm thiếu ngủ khi hơn 70% sinh viên đại học bây giờ nói rằng họ chỉ ngủ được dưới 7 tiếng mỗi đêm, số giờ ngủ tối thiểu cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của thanh niên.

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 2.

Thiếu ngủ được chứng minh là nguyên nhân của tình trạng mất tập trung, suy giảm nhận thức và phản xạ. Đối với sinh viên, nó sẽ bào mòn khả năng học tập, điểm số và cả cơ hội việc làm của họ sau khi ra trường.

Không có gì phải ngạc nhiên khi nhiều trường đại học ở Mỹ đã tổ chức các khóa học về giấc ngủ cho tân sinh viên. Có thể kể đến các khóa học nổi tiếng như "Giấc ngủ và giấc mơ" của Đại học Stanford, "Khi bạn đang ngủ" của Đại học New York, "Giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ" của Đại học Missouri…

Trong những khóa học này, tân sinh viên sẽ được tìm hiểu về khoa học giấc ngủ, tầm quan trọng của giấc ngủ với sức khỏe và thậm chí là học cách để đi ngủ – tất nhiên là không phải ngủ ngay trên giảng đường.

Nhìn vào giấc ngủ, các nhà khoa học có thể đoán được "vận mệnh" của bạn

Theo một nghiên cứu theo dõi 600 sinh viên tại ba trường đại học ở Mỹ, điểm trung bình cuối kỳ học thứ nhất của tân sinh viên sẽ càng thấp nếu họ ngủ càng ít. Các sinh viên ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có điểm trung bình (GPA) cuối học kỳ đầu tiên thấp hơn tới 0,13 điểm trên thang điểm 4, tương ứng với 0,325 điểm trên thang điểm 10.

Trung bình cứ mỗi giờ mất ngủ tiếp theo, điểm GPA của tân sinh viên sẽ bị giảm 0,07 điểm. Con số có vẻ nhỏ nhưng mang tính quyết định trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như khi bạn muốn có bằng tốt nghiệp loại giỏi hoặc đang muốn nộp hồ sơ cạnh tranh cho một học bổng.

Ngoài ra, điểm GPA trong năm nhất đại học đã được chứng minh là có thể dự đoán cả "vận mệnh" của sinh viên sau này, liệu việc sinh viên đó có tốt nghiệp đại học hay là sẽ bỏ học giữa chừng.

David Creswell, tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Carnegie Mellon cho biết: "Năm đầu tiên ở đại học là giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt, đầy thử thách và có ý nghĩa sâu sắc đối với kết quả học tập và sự thành công trong cuộc sống sau này của sinh viên".

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, nghiên cứu của giáo sư Creswell cho thấy sinh viên năm nhất thường hay thức khuya, ngủ ít từ đó ảnh hưởng tới kết quả học tập. Trung bình, các tân sinh viên sẽ thức tới 2 giờ 30 sáng. Hầu như không có sinh viên nào ngủ trước 12 giờ đêm. Số giờ ngủ tích lũy được trung bình chỉ là 6 tiếng rưỡi.

Trong độ tuổi từ 18-25, các nhà khoa học cho biết sinh viên đại học nên ngủ trung bình 7-9 tiếng mỗi đêm để đạt được sức khỏe, hiệu suất não bộ và khả năng học tập tốt nhất.

Các sinh viên ngủ dưới 7 tiếng đồng hồ được giáo sư Creswell gọi bằng một khái niệm là những người "nợ ngủ". Điều thú vị là khoản nợ ngủ đó có thể biến thành điểm thấp và nợ môn.

"Những sinh viên đại học này đến lớp với tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, và họ sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung và học hỏi kiến thức mới trên lớp. Điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tương tác với học liệu của bạn", ông nói.

"Tích lũy khoản nợ ngủ, và bạn sẽ thấy nó ảnh hưởng tiêu cực đến việc học của mình".

Thế nhưng tại sao sinh viên đại học lại ngủ ít?

Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mà thức khuya và ngủ ít trở thành một môn thể thao quốc tế. Khi đó, sinh viên đại học chắc chắn sẽ là những vận động viên ưu tú nhất. Họ sẽ là những những người đại diện cho đất nước mình tham gia Thế vận hội Olympic về giấc ngủ.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết 60% sinh viên đại học nước này ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm.

Một khảo sát năm 2022 cho thấy "các vận động viên" ở Anh Quốc có trung bình 3 đêm ngủ kém mỗi tuần. 19% sinh viên đại học ở Anh ngủ ít hơn 5 tiếng/đêm và 46% sinh viên nói thói quen ngủ của họ ở mức tệ hoặc khá tệ.

Trung Quốc, hóa ra, lại là quốc gia có tỷ lệ sinh viên ngủ đủ giấc cao nhất. Một nghiên cứu trên 82.055 sinh viên nước này cho thấy thời gian ngủ đạt trung bình 7,08 giờ/ngày. Chỉ có 8,4% sinh viên ngủ ít hơn 6 tiếng.

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 4.

Tham gia vào cuộc thi Olympic này không thể không kể tới Việt Nam. Năm ngoái, một nghiên cứu công bố tại Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Sức khỏe Nghề nghiệp cho thấy tới 69,7% trong số 459 sinh viên được hỏi có thói quen thức khuya trên 5 lần/tuần.

58,8% sinh viên thừa nhận họ có chất lượng giấc ngủ kém. Và chỉ có 4,1% sinh viên đi ngủ sớm mỗi ngày.

"Các yếu tố liên quan tới chất lượng giấc ngủ bao gồm thức khuya, áp lực thi chính thức và thi lại, áp lực học lý thuyết, kỳ vọng của cha mẹ, rắc rối trong quan hệ gia đình và thiếu giao tiếp bạn bè", tác giả chính của nghiên cứu, Cao Nguyễn Hoài Thương đến từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tại Hà Nội, một nghiên cứu của sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy áp lực làm thêm, việc ở xa nhà và ngủ muộn khiến chất lượng giấc ngủ của sinh viên bị suy giảm.

Điều này phù hợp với nghiên cứu tại Mỹ của giáo sư David Creswell, chỉ ra nhiều áp lực khiến tân sinh viên ngủ muộn hơn hơn bao gồm sự thay đổi trong lối sinh hoạt khi bắt đầu cuộc sống độc lập, tự chủ, bên ngoài sự kiểm soát của cha mẹ. Khối lượng công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội cũng đặt áp lực lên giấc ngủ của tân sinh viên ở Mỹ.

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 5.

Ngoài ra, cứu của Đại học Y Phạm Ngọc Thạch cũng cho thấy hơn 97% sinh viên đại học sử dụng các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại di động và máy tính bảng trước khi ngủ. Các thiết bị có màn hình này phát ra ánh sáng xanh, được chứng minh sẽ làm giảm hormone melatonin gây buồn ngủ, từ đó khiến sinh viên khó ngủ hơn và ngủ được ít hơn mỗi đêm.

Trong khi đó, 53,2% sinh viên thường xuyên sử dụng các loại đồ uống như cà phê, nước tăng lực, trà sữa… Các loại đồ uống có chứa caffeine nói chung này, nếu được tiêu thụ sau 3 giờ chiều, cũng có khả năng ảnh hưởng tới giấc ngủ của sinh viên vào ban đêm.

8h30

Đến đây, nhiều người nghĩ việc sinh viên đại học thiếu ngủ chỉ đơn giản vì thói quen sinh hoạt có phần thiếu kỷ luật. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa của câu chuyện. Nghiên cứu trên tạp chí Nature and Science of Sleep cho biết về mặt sinh lý, thanh thiếu niên có xu hướng trì hoãn nhịp sinh học và trở thành những "cú đêm" một cách tự nhiên mà không vì động lực cụ thể nào cả.

Nói cách khác, mọi người thường chỉ nghĩ sinh viên thức khuya để học bài lướt TikTok hoặc chơi game, mà không nghĩ ngược lại. Sinh viên chơi game, lướt mạng xã hội hoặc học bài ban đêm vì không ngủ được sớm.

"Thời gian sinh học điển hình của một người trưởng thành là 24,1 giờ. Trong khi đó, một ngày theo chu kỳ sinh học của thanh niên có thể kéo dài lên tới 24,27 tiếng đồng hồ, tương đương với 24 giờ 16 phút", nghiên cứu cho biết. "Nhu cầu cân bằng nội môi nhờ giấc ngủ thấp hơn cũng khiến thanh thiếu niên ít buồn ngủ hơn vào ban đêm".

Kết quả là sau tuổi dậy thì, thanh thiếu niên trưởng thành hơn về mặt thể chất có xu hướng đi ngủ muộn hơn. Trung bình sinh viên năm nhất đại học sẽ ngủ muộn hơn thời trung học của họ 75 phút.

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 6.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học nhận thấy giờ ngủ của các sinh viên sẽ nằm trong khoảng từ 12h22 đến 1h58, và giờ thức dậy tự nhiên là 8h08 đến 10h26. Nghiên cứu vì vậy đã khuyến cáo lớp học dành cho sinh viên năm nhất không nên bắt đầu trước 8h30.

Đó cũng là giờ học lý tưởng mà Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và Hiệp hội Y khoa Mỹ đưa ra dành cho các lớp học ở bậc trung học phổ thông.

Trong những năm gần đây, nhiều trường học ở Mỹ, Anh và Đức đã thử nghiệm lùi giờ học buổi sáng xuống 8h30, 9h, thậm chí 10h để giúp học sinh sinh viên có thêm thời gian ngủ.

Ví dụ, sau khi một trường dự bị đại học ở Mỹ lùi giờ học từ 8h xuống 8h30 sáng, họ nhận thấy giấc ngủ của sinh viên đã tăng 45 phút/đêm. Điều đó có nghĩa là sinh viên thậm chí đã đi ngủ sớm hơn 15 phút chứ không thức thêm 30 phút mỗi ngày. Kết quả là tỷ lệ sinh viên buồn ngủ vào ban ngày đã giảm 29%, tỷ lệ sinh viên buồn ngủ trong lớp học giảm 15% và tỷ lệ ngủ gật trong lớp giảm 20%.

Tại Đức, một trường trung học có tên là Alsdorf đã biến tiết học đầu tiên lẽ ra bắt đầu lúc 8h trở thành tiết tự học. Do đó, học sinh của họ có thể tự do lựa chọn đến trường vào 8h hoặc 9h để học tiết chính thức.

Kết quả là thời lượng ngủ của những học sinh chọn đi học vào 9 giờ sáng đã tăng từ 6,9 tiếng lên 8 tiếng/đêm. Học sinh tự đánh giá chất lượng giấc ngủ của mình cao hơn. Các bài kiểm tra phản xạ cũng cho thấy các em ít bị mệt mỏi, có thể tập trung tốt hơn trong giờ học, thậm chí chăm làm bài tập về nhà hơn.

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 7.

Tại Anh, đa số các trường học nước này đã bắt đầu muộn từ 8h30-9h sáng. Do đó, một trường trung học cơ sở đã thực hiện một thử nghiệm kéo dài 4 năm, cho phép học sinh bắt đầu vào tiết học đầu từ 10h.

Thử nghiệm này dựa trên các bằng chứng khoa học cho thấy học sinh trung học cơ sở nằm trong nhóm tuổi cần ngủ trung bình 9-11 tiếng mỗi đêm. Kết quả cho thấy việc lùi giờ học xuống 10h sáng có thể giúp thành tích học tập của học sinh tăng 20%, tỷ lệ học sinh bị ốm và nghỉ học giảm 50%, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng 12%.

Thật không may, so với nhiều quốc gia trên thế giới, giờ vào học tại các trường trung học và đại học ở Việt Nam được đánh giá là quá sớm. Đa số các trường đại học hiện nay có tiết một bắt đầu trong khoảng từ 7h-7h30. Cá biệt, có một số trường đại học còn tổ chức lịch học từ 6h45, 6h30, thậm chí 6h sáng.

"Đến lớp và ngủ ngon"

Một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Human Behaviour đầu năm 2023 cho thấy, các tiết học vào sáng sớm có liên quan đến giấc ngủ kém và kết quả học tập tồi tệ của sinh viên đại học.

Nghiên cứu theo dõi nhật ký kết nối Wi-Fi của hơn 23.000 sinh viên ở Đại học Quốc gia Singapore – một thước đo khách quan hơn các nghiên cứu dựa trên bảng khảo sát – phát hiện các lớp học trước 8h30 có tỷ lệ sinh viên vắng mặt lên tới 10%.

"Vắng mặt có thể ảnh hưởng tới điểm số của sinh viên, cơ hội việc làm và mức lương của sinh viên sau khi ra trường", các tác giả đến từ Viện Khoa học Học tập Ứng dụng Công nghệ và Trường Y Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

"Ngược lại, việc đến lớp giúp tăng sự tương tác của sinh viên với người hướng dẫn và bạn học cùng lớp, đồng thời cung cấp một khoảng thời gian có cấu trúc giúp sinh viên ôn tập kiến thức chính".

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 8.

Thế nhưng nghiên cứu chỉ ra một nghịch lý khi đối mặt với giờ học sớm vào buổi sáng. "Nhiều sinh viên có thể buộc phải đưa ra một trong hai lựa chọn không mong muốn: ngủ lâu hơn thay vì đến lớp hoặc đến lớp và phải thức dậy sớm hơn", các nhà khoa học cho biết.

"Ngủ ngon cũng rất quan trọng để tối ưu hóa hiệu suất nhận thức và khả năng sẵn sàng học hỏi. Ngủ không đủ giấc sẽ làm suy yếu khả năng tập trung và trí nhớ. Điều này có thể khiến học sinh không phát huy hết tiềm năng học tập trong lớp của mình".

"Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý các trường đại học nên cân nhắc việc tránh xếp lớp bắt buộc vào sáng sớm. 

Mặc dù các lớp học sớm này thường được sử dụng để tối đa hóa các nguồn lực (không gian lớp học, thời gian giảng viên dành cho việc giảng dạy), đồng thời giúp giảm thiểu xung đột về lịch trình giữa sinh viên và giảng viên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra có thể phải có sự đánh đổi xảy ra ở đây. 

Theo đó, các lớp học sớm khiến sinh viên nhiều khả năng nghỉ học, ngủ ít hơn và đạt điểm trung bình thấp hơn", các nhà nghiên cứu viết. "Đến lớp và ngủ ngon đều là những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công trong học tập của sinh viên".

Một số giáo viên ngày nay cũng nhận ra tầm quan trọng của việc "đến lớp và ngủ ngon". Thế nên nhiều khi, họ cho phép sinh viên làm hai điều đó cùng một lúc, nghĩa là ngủ trên lớp học. Trong một đoạn video lan truyền trên TikTok tại Mỹ, Brandon Holeman, một cựu giáo viên trung học đã nói:

"Đôi khi, điều tốt đẹp nhất mà giáo viên có thể làm cho học sinh là để các em vào lớp, gục đầu xuống và ngủ".

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 9.

Video đã thu về 20 triệu lượt xem, 7,4 triệu lượt thích và 89,3 nghìn bình luận. Nhiều trong số đó ủng hộ quan điểm của Brandon: "Bạn đúng là một giáo viên công bằng và hiểu biết", "Chúng tôi cần nhiều hơn những giáo viên như bạn", "Bạn đã khiến tôi có lại niềm tin vào trường học"…

Trên trang web của Đại học Texas, bạn thậm chí có thể tìm thấy một bài viết hướng dẫn "4 cách để ngủ ngon nhất trong lớp học". Các chuyên gia giáo dục cho biết giảng viên đại học với sự thấu hiểu và vị tha không nên phạt học sinh ngủ trong lớp.

"Khi bạn thấy sinh viên ngủ, bạn sẽ muốn nhìn hành vi đó với lòng trắc ẩn và sự đồng cảm", Karen Aronian, một chuyên gia giáo dục tại Mỹ nói. "Đó là cách bạn xây dựng sự kết nối, giao tiếp và hiệu quả giảng dạy với học sinh của mình".

Học ăn học nói, học gói... học ngủ

Mặc dù ủng hộ lòng trắc ẩn của giáo viên đối với các sinh viên ngủ trong lớp học, Aronian cho biết đó không phải là giải pháp tốt nhất để giải quyết nghịch lý thiếu ngủ ở sinh viên. "Sinh viên đến lớp để nạp thông tin, học bài và có được kiến thức mới", cô nói.

Vì vậy, giảng viên cũng không thể chỉ làm ngơ khi thấy sinh viên của mình ngủ. Họ có trách nhiệm đối thoại cùng sinh viên và nhà trường để tìm cách giải quyết vấn đề.

Nghiên cứu trên tạp chí Nature and Science of Sleep cho thấy ngoài việc xếp lịch học muộn hơn, các trường đại học vẫn có thể làm nhiều hơn để giúp sinh viên của mình chăm sóc giấc ngủ, từ đó cải thiện thành tích học tập. Một trong số đó là việc tổ chức các khóa học ngủ dành cho sinh viên.

Tại Đại học Stanford, một khóa học "Giấc ngủ và giấc mơ" đã được họ tổ chức từ năm 1970 và duy trì tận đến bây giờ. Rafael Pelayo, một giáo sư lâm sàng tại Phòng khám Rối loạn giấc ngủ thuộc Trường Y Stanford cho biết mỗi năm ông đều tổ chức hai lớp học này và sinh viên lúc nào cũng chật kín khán phòng.

"Chúng tôi có cả một danh sách các học viên chờ đợi", giáo sư Pelayo nói, nhấn mạnh rằng giảng đường ở Stanford chỉ đáp ứng được 210 sinh viên theo học mỗi lớp mỗi học kỳ.

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 10.

Để giải quyết vấn đề này, khi xây dựng một khóa học gọi là "Giấc ngủ và Rối loạn giấc ngủ", Đại học Missouri đã biến nó thành một khóa học trực tuyến mà bất cứ sinh viên nào cũng có thể đăng ký. Dennis Miller, phó giáo sư tâm lý học đồng thời tham gia giảng dạy khóa học này tại Đại học Missouri cho biết:

"Khóa học được thiết kế để dạy sinh viên về khoa học của giấc ngủ cũng như các ứng dụng của nó vào cuộc sống hàng ngày của sinh viên. Trong khóa học của chúng tôi, sinh sẽ được tìm hiểu điều gì xảy ra với não và cơ thể khi họ ngủ, các rối loạn giấc ngủ phổ biến là gì và cách kiểm soát và điều trị chứng rối loạn giấc ngủ".

Jess Shatkin, giáo sư về tâm thần học tại Trường Y Đại học New York cho biết ông cũng đang đứng một lớp học về giấc ngủ tại trường mình. Khóa học được gọi là "Trong khi bạn đang ngủ", đề cập đến sự phát triển của giấc ngủ, rối loạn giấc ngủ và các phương pháp điều trị.

"Khóa học được cấu trúc sao cho trước tiên học viên tìm hiểu về khoa học của giấc ngủ, sau đó tìm hiểu về những gì xảy ra với cơ thể khi ngủ và hậu quả của việc thiếu ngủ. Sau đó, ở phần sau của khóa học, sinh viên được tìm hiểu về cách để ngủ ngon, cũng như mọi thứ họ có thể làm để có được giấc ngủ chất lượng hơn".

"Chúng tôi sẽ dạy về mọi thứ, từ việc sử dụng caffeine, vai trò của việc tập thể dục cho đến nhiệt độ phòng ngủ của bạn nên là bao nhiêu", giáo sư Shatkin nói. "Chúng tôi cũng dạy sinh viên các bài tập thư giãn – kỹ thuật thiền và thở – để giúp họ dễ dàng chìm vào giấc ngủ".

Cynthia Haddad, một sinh viên sau khi tham gia lớp học cho biết: "Về cơ bản, tôi đã học được mọi thứ về giấc ngủ. Khóa học đã thay đổi hoàn toàn thói quen ngủ của tôi. Tôi đã học được những điều sau và cố gắng tuân thủ các quy tắc này:

Không sử dụng thiết bị điện tử tối đa một giờ trước khi đi ngủ; không nạp caffeine vào buổi chiều; và chỉ sử dụng giường để ngủ - để khi bạn lên giường, cơ thể bạn biết rằng nó muốn ngủ".

Chào tân sinh viên: Đừng để giảng đường đại học trở thành nơi bắt đầu những giấc mơ - Ảnh 11.

Nghiên cứu cho thấy các lớp học ngủ này rất tốt cho sinh viên đại học. Chẳng hạn, các sinh viên tại Đại học New York cho biết mình đã ngủ nhiều hơn trung bình 22 phút mỗi đêm và giảm được 9 phút trằn trọc mỗi khi lên giường đi ngủ.

Đối với các trường đại học chưa có khả năng tổ chức các lớp học về giấc ngủ, các nhà nghiên cứu trên tạp chí Nature and Science of Sleep gợi ý ngay cả các chiến dịch truyền thông về giấc ngủ như phát tờ rơi, dán áp phích hay gửi email nhắc nhở sinh viên đi ngủ cũng có tác dụng.

Để giúp sinh viên có giấc ngủ chất lượng hơn, nghiên cứu của Đại học Y Phạm Ngọc Thạch đề nghị: "Nhà trường có thể tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến hướng dẫn sinh viên quản lý thời gian, các phương pháp học tập hiệu quả nhằm giúp sinh viên giảm áp lực học tập".

"Nhà trường nên tổ chức những hoạt động, những buổi hội thảo hay trao đổi về sự cần thiết của chất lượng giấc ngủ đối với sinh viên, giảng viên trong trường và các phương pháp để có giấc ngủ tốt", nghiên cứu của các sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Vì vậy, trong khi bản thân sinh viên cần nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ tới sức khỏe và việc học, rõ ràng các trường đại học bây giờ cũng cần làm nhiều hơn để giúp sinh viên của mình ngủ ngon: Để giảng đường thực sự trở thành nơi bắt đầu những ước mơ, thay vì những giấc mơ.

Tổng hợp

Theo Thanh Long

Phụ nữ số

Trở lên trên