MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chấp nhận lương 10 triệu nhưng sống vui vì bố mẹ

23-06-2023 - 13:38 PM | Lifestyle

Bố mẹ là người ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quyết định của con cái trong tương lai, trong đó có cả cách họ kiếm tiền và tiêu tiền.

Với nhiều người trẻ, bố mẹ là người đầu tiên dạy họ về khái niệm của đồng tiền. Và nếu hỏi: "Ai có ảnh hưởng lớn nhất đến quan điểm tiêu dùng của bạn?", số đông có thể đưa ra ngay câu trả chính là bố mẹ họ.

Tùy thuộc vào điều kiện và lối sống, mỗi phụ huynh có những bài học khác nhau về tài chính dành cho con. Cách bố mẹ đối diện với các khoản nợ hay đơn giản là chi tiêu hàng ngày có thể ảnh hưởng đến cách con cái kiếm tiền và tiêu tiền trong tương lai. Hai cô bạn dưới đây chính là ví dụ điển hình.

Tiết kiệm tiền rất quan trọng 

Minh Trang (23 tuổi, Hà Nội) cho hay cô có thói quen tiết kiệm tiền từ khi còn nhỏ. So với các bạn đồng trang lứa, Trang thấy bản thân cân nhắc chi tiêu kỹ càng hơn, cũng như học quản lý tài chính từ sớm. Thói quen này của Trang chịu ảnh hưởng rất lớn từ bố mẹ - những người đề cao tính tiết kiệm.

"Trước năm lên lớp 10, gia đình mình có thời gian dài gặp khó khăn về tài chính. Nguyên nhân là vì tiền lương của bố mẹ không nhiều, nhà mình còn vay nợ để xây nhà nữa. Bố mẹ luôn cố gắng thắt chặt chi tiêu, dạy con phải tiết kiệm nên thói quen chủ động quản lý tài chính sớm đã hình thành trong suy nghĩ.

Ví dụ, hồi bé mình nhận được tiền thưởng khi đạt học sinh giỏi hoặc tiền mừng tuổi, mình chỉ tiêu xài cùng lắm 1/3 trong số đó. Sau đó, mình sẽ cất đi để dành mua các món đồ mình thích hoặc chủ động đưa hết cho bố mẹ. Lên Đại học, từ thời điểm kiếm được khoảng trên 9 triệu đồng/tháng, mình đã biết trích ra 20 - 40% tiền tiết kiệm. Nhờ thói quen này, giờ mình đã có khoản để dành 150 triệu đồng sau 2 năm ra trường.

Số tiền này mình đã nhờ mẹ gửi ngân hàng để lấy lãi. Ngoài ra, mình cũng coi đây là cách để tránh tiêu xài hoang phí, có khoản cố định để đầu tư cho tương lai", Trang nói.

Có 150 triệu trong tài khoản sau 2 năm đi làm nhưng không dám tiêu xài phung phí - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Minh Trang cũng cho biết, kể cả sau này tài chính gia đình tốt lên, bố mẹ khuyên con có thể tiêu xài dư dả hơn cho bản thân thì cô vẫn khó bỏ thói quen tiết kiệm. 

"Tầm giữa hè lớp 10 thì gia đình mình trả hết nợ. Công việc kinh doanh của bố sinh lời, mẹ được tăng lương nên kinh tế gia đình cũng dư dả. Nhiều khi bố mẹ cũng cho tiền rồi bảo mình tiêu xài nhiều hơn, chẳng hạn mua quần áo và mỹ phẩm cho bản thân... Đó cũng là cách để bố mẹ 'an ủi' vì biết mình tiết kiệm hơn so với bạn bè.

Tuy nhiên, mình nghĩ nếu bạn biết giá trị của đồng tiền từ sớm như mình thì sẽ khó dùng tiền mà không suy nghĩ kỹ. Mình không bị ảnh hưởng tài chính quá nhiều bởi thói quen mua sắm bốc đồng như các bạn cùng tuổi, chẳng hạn nổi hứng lên thì đi du lịch hay mua món đồ đắt hơn so với thu nhập. Trước các 'bước ngoặt' của cuộc sống như chuẩn bị nghỉ việc, chuyển đến thành phố khác sinh sống mình luôn cân nhắc kỹ tài chính cá nhân có đủ để mình thực hiện các dự định này không", Trang chia sẻ.

Chấp nhận lương thấp nhưng sống vui

Việt Nga (23 tuổi, Hà Nội) đang làm nhân viên truyền thông, nhận tiền lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nga thấy mức lương của mình không quá cao, nhưng hiện tại cô cảm thấy đây là khoản thu nhập đủ sống. Nga cho hay bản thân hoàn toàn có thể nâng thu nhập lên từ 1,5 - 2 lần nhưng cô đã chủ động nhận ít công việc hơn so với đồng nghiệp.

"Với tính chất nghề truyền thông và kinh nghiệm đang có, mình có thể kiếm được lên đến 15-18 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức lương của nhiều đồng nghiệp tầm tuổi mình có được. 

Nhưng để có lương cao hơn đồng nghĩa mình phải luôn túc trực bên chiếc máy tính, làm việc vào buổi tối và cả ngày nghỉ. Sau hơn 1 năm từng đi làm với cường độ cao như thế, mình đã chủ động xin sếp chuyển sang vị trí mới. Ở đây mức lương mình thấp hơn, nhưng mình có thể thời gian dành cho bản thân và bạn bè", Nga tâm sự.

Có 150 triệu trong tài khoản sau 2 năm đi làm nhưng không dám tiêu xài phung phí - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Quan điểm đi làm này của Việt Nga chịu ảnh hưởng từ lối sống của bố mẹ cô. Bố mẹ Việt Nga luôn quan niệm bản thân nên chọn công việc có mức lương "đủ sống", nhưng có thời gian đầu tư cho tinh thần và sức khỏe, thay vì nỗ lực thăng tiến lại khiến mình mệt mỏi.

"Bố mẹ mình sống ở ngoại thành Hà Nội. Bố làm lao động tự do, mẹ là giáo viên. Với hai công việc này, thu nhập của gia đình ổn định chứ không phải quá cao. 

Bố mẹ mình là kiểu người dễ hài lòng với cuộc sống. Tất nhiên, ai cũng muốn tìm cách để gia tăng thu nhập, bố mẹ mình cũng thế. Nhưng khi tìm việc có thu nhập cao, bố mẹ mình vẫn giữ nguyên tắc là có thời gian dành cho gia đình, không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Có lẽ vì thế mà đến giờ tài chính gia đình mình chỉ dừng ở mức bình thường thôi (cười).

Mặt khác, nếu bạn từng sống ở vùng ngoại thành sẽ biết nhịp sống ở đây khá chậm và chi phí sinh hoạt khá rẻ. Người thân của mình cũng hầu hết đều không làm việc ngoài giờ. Do đó, với mình một công việc mà cần làm thêm ngoài giờ mới có tăng thu nhập thì chỉ nên làm trong thời gian ngắn", Nga nói.

Theo Vân Anh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên