Chấp nhận sự khác biệt
Hà Nội tiếp tục xây dựng thêm 2 tuyến phố kiểu mẫu Thái Thịnh và Khâm Thiên sau phố Lê Trọng Tấn. Mục tiêu lần này là phải tìm được tiếng nói chung về việc chỉnh trang đô thị và sự đồng thuận của người dân.
- 15-05-2016Đồng bộ biển hiệu ở con đường kiểu mẫu: Các doanh nghiệp nói gì?
- 14-05-2016Băn khoăn biển hiệu tại con đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội
- 13-05-2016Biển hiệu ‘đồng phục’ trên tuyến đường kiểu mẫu ở thủ đô gây tranh cãi
Đây quả là vấn đề khó khi mà ngay cả giới kiến trúc cũng có nhiều tranh luận, giới quản lý cũng đầy phân vân. Còn với người dân, mỗi người có mục đích sử dụng nhà của mình khác nhau nên không ít ý kiến trái chiều. Nhưng nói gì thì nói, “mặc đồng phục” cho phố quả là khó nhìn.
Cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Hai hạt giống cùng loài cũng chẳng thể nảy mầm lớn lên thành 2 cây hệt nhau. Không hẳn bình minh thì sẽ rực rỡ, hoàng hôn thì sẽ vàng rộm. Sự phong phú, đa diện của vạn vật ở khía cạnh khoa học chính là nguyên lý sáng tạo của tự nhiên, trong phần lớn trường hợp là tính vượt trội để thích nghi và phát triển. Vậy thì hà cớ gì cứ phải răm rắp theo một khuôn mẫu định sẵn dễ gây nhàm chán và tạo không ít bất lợi đối với cuộc sống người dân. Những quy định về không gian chung, khoảng rộng hè phố, cây xanh... đã có quy định, cứ thế mà thực hiện. Còn không gian riêng, cách bài trí của mỗi gia đình thì nên để họ tự lo, đừng quá mất công nghĩ giùm, làm thay thêm mệt.
Hồi cuối thế kỷ XIX, khi xây dựng tháp Eiffel cạnh sông Seine ở Paris, Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp đã nhận rất nhiều sự chỉ trích của các kiến trúc sư cũng như những nhân vật quyền thế. Giữa Paris chỉn chu, ngăn nắp, người ta ví Eiffel như “quái vật thép” nhăm nhe nuốt chửng thành phố hoa lệ này. Thế nhưng, sau khi khánh thành một thời gian ngắn, nó đã trở thành biểu tượng của Paris và là một trong số ít kiến trúc tuyệt mỹ của thế giới hiện đại. Nếu các nhà cầm quyền Pháp lúc ấy không chấp nhận sự khác biệt của một công trình kiến trúc quá lạ lẫm giữa Paris tưởng chừng như đã hoàn hảo thì Eiffel sẽ mãi là một đống sắt vụn.
Thói quen đồng lõa với những gì đã cố định, không phức tạp dễ được chấp nhận trong cuộc sống thường nhật. Đối với các nhà quản lý xã hội thì càng mong muốn điều này bởi dễ kiểm soát, xử lý. Nhưng cuộc sống như thế thì quá buồn tẻ và tất nhiên sẽ khó bằng lòng với điều này. Dù là hoa hồng nhưng cứ mãi ra hoa một màu hồng thì có lẽ mọi người đã quên nó nhanh chóng. Cuộc sống con người cũng thế, ai cũng như ai, học gì làm nấy, yêu cùng một nhan sắc, tuân phục cùng một tiêu chuẩn... thì có khác nào robot. Sự sáng tạo còn đâu đất sống; nghệ thuật, thẩm mỹ còn làm được gì nếu cứ mãi tìm sự an toàn trong suy nghĩ rập khuôn!
Tuyến phố “đồng phục” Lê Trọng Tấn hoàn thành vừa qua đã nhận không ít lời chê bai của người dân. Đây là “bản nháp” để các nhà hoạch định kiến trúc, quản lý Hà Nội nhìn nhận và điều chỉnh cho những tuyến phố sau. Còn việc quy hoạch một con phố, một thành phố, một khu vực và cả một quốc gia thì đã có nhiều nước tiên tiến làm và làm rất tốt. Nên học hỏi để đỡ mất thời gian, công sức và tiền bạc.
Người lao động