Chất lượng lao động Việt Nam đang ở đâu?
Theo ông Đào Quang Vinh, năng suất và chất lượng lao động Việt Nam hiện nay khá thấp, vẫn thiếu nhiều lao động ở phân khúc trình độ cao.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lao động Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chất lượng lao động Việt Nam hiện nay vẫn còn là câu chuyện đáng bàn. Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội có những chia sẻ về vấn đề này.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội.
PV: Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu thị trường lao động Việt Nam năm 2018, thưa ông?
Ông Đào Quang Vinh: Theo dự báo chung, tình hình kinh tế năm 2018 tiếp tục thuận lợi, hứa hẹn sẽ có những khởi sắc, dự báo tăng trưởng kinh tế từ 6,5-6,7%. Khả năng duy trì và tạo việc làm sẽ tốt. Trong năm tới, chỉ có các ngành như khai khoáng, lâm nghiệp có số việc làm giảm, nhìn chung những ngành khác số việc làm tăng nhẹ.
Lao động hiện nay của chúng ta mới chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung. Do đó, ở từng nhóm ngành cụ thể vẫn thiếu hụt lao động chất lượng cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động. Đơn cử như những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo vẫn đang “khát’ nhân lực ở phân khúc cao. Theo như dự báo, trong vòng 5 năm tới, nước ta sẽ thiếu hụt lượng lớn lao động về CNTT, chuyên viên cấp cao khi nguồn nhân lực trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 60-70% nhu cầu của thị trường.
Trong 1 số lĩnh vực như tài chính ngân hàng, kiểm toán, nhà hàng khách sạn, chúng ta cũng vẫn đang rất thiếu đội ngũ chuyên viên cấp cao, CEO, nhà quản lý, phải thuê lao động nước ngoài. Một số ngành nghề hiện nay có nhu cầu lớn nhưng các trường trong nước lại chưa thể đào tạo như tự động hóa về máy học, xử lý số lớn… Việt Nam cũng đã đưa ra chính sách để thu hút nhà khoa học, chuyên gia cấp cao là Việt kiều về làm việc, tuy nhiên số này chưa nhiều.
PV: Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh, chất lượng lao động là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, ông đánh giá như thế nào về chất lượng lao động nước ta hiện nay?
Ông Đào Quang Vinh: Hiện nay nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn, song khả năng đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn.
Xét về năng suất lao động hiện nay của ta trong khu vực Đông Nam Á vẫn còn khá thấp. Chỉ ngang ngửa với Lào, Campuchia, nhưng vẫn kém xa Thái Lan…
Nếu nói lao động Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường hay chưa, thì quả thực số đông lao động đã đáp ứng được. Sở dĩ như vậy vì, đa số các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài hiện nay đang sử dụng các công nghệ chưa phải là cao. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng mới chỉ đưa công nghệ về lắp ráp, các công đoạn sử dụng lao động trình độ thấp.
Phải chữa bệnh “đói” vốn, “khát” đất và “thèm” nhân lực VOV.VN -Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn về vốn đầu tư, quỹ đất, nhân lực...
Nhưng chúng ta đang hy vọng lao động sẽ chuyển sang những phân khúc cao hơn, để có mức lương tốt hơn nữa. Cái đó chúng ta vẫn rất khó khăn, hiện nay chỉ có khoảng hơn 23-25 % lao động có bằng cấp, còn lại hơn 75% là lao động chưa có bằng cấp chứng chỉ, lao động có trình độ thấp.
Nhìn chung về mặt kỹ thuật, các lao động đã qua đào tạo của ta có thể đáp ứng được. Song các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ… của lao động Việt Nam vẫn còn khá yếu. Lao động của ta nhiều khi vẫn được đánh giá là nhanh, sáng tạo, nhưng lại không tuân thủ, hay phá vỡ những yêu cầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, có những kỹ năng quan trọng như về toán học, kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu, nhưng những cái đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể cập nhật, trang bị đầy đủ cho người học để sẵn sàng khi tham gia vào thị trường lao động.
PV: Trước những thách thức không nhỏ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, mà một biểu hiện dễ thấy là hiện tượng sa thải lao động trên 35 tuổi tại một số công ty, theo ông, chúng ta cần làm những gì để tạo ra việc làm ổn định cho người lao động?
Ông Đào Quang Vinh: Ở đây cần nhìn một cách khách quan, các cơ sở sản xuất tập trung vào sản xuất, lợi nhuận, họ trang bị máy móc, thiết bị để tối ưu hóa lợi nhuận.
Cũng có hiện tượng một số doanh nghiệp tìm cách thay thế lao động tương đối lớn tuổi làm ở những công đoạn thấp như lắp ráp, may mặc… yêu cầu nhanh tay, nhanh mắt, sức khỏe tốt. Để ứng phó với tình hình này, các cơ quan quản lý nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp. Chủ sử dụng lao động cũng cần có trách nhiệm đảm bảo việc làm cho người lao động, hỗ trợ họ trong việc nâng cao tay nghề, đào tạo lại. Hơn hết, bản thân người lao động cần phải chuẩn bị, có ý thức học tập để có thể bắt kịp những thay đổi của thị trường.
Trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động như hiện nay, người lao động không nhất thiết phải làm việc tại 1 chỗ cả đời, cái chính là làm sao để khi nghỉ việc chỗ này, có thể làm tại chỗ khác. Muốn vậy, ta cần đẩy mạnh hoạt động và sự liên kết của các trung tâm giới thiệu việc làm, thực hiện có hiệu quả công tác dự báo thị trường lao động để người dân tiếp cận thông tin tuyển dụng dễ dàng.
Giáo dục phải gắn liền với thực tế
PV: Năm 2018, được cho là năm sẽ tạo ra nhiều đột phá trong công tác đào tạo nghề, theo ông, chúng ta cần có những thay đổi như thế nào để nâng cao chất lượng các trường nghề để từ đó cải thiện chất lượng lao động Việt Nam?
Ông Đào Quang Vinh: Hiện nay, nhiều chỗ nhà tuyển dụng tìm không ra người, nhưng vẫn còn hàng ngàn lao động thất nghiệp. Vấn đề ở đây là việc đào tạo nghề của ta hiện vẫn đang thiếu cả về chất lượng và số lượng.
Thứ nhất do ta đào tạo chưa đủ theo yêu cầu thực tế của thị trường. Tiếp theo nữa, tốc độ chuyển động của công nghệ hiện nay rất nhanh, nhưng việc thay đổi chương trình đào tạo tại các trường lại rất chậm, chưa theo kịp do những đỏi hỏi về cơ sở vật chất, giáo viên…
Những báo cáo gần đây cũng cho thấy những khoảng cách rõ rệt giữa đào tạo và nhu cầu thực tế. Nhiều sinh viên ra trường chưa làm được việc ngay, có những vị trí có hàng chục ứng cử viên mới chọn được 1 người. Khi chọn được rồi, các doanh nghiệp cũng phải mất từ 3-6 tháng để đào tạo lại, đào tạo bổ sung thì các em mới làm việc được.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường nghề đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp. Để đạt được hiệu quả, sự liên kết phải dựa trên nhu cầu, lợi ích, sự sẵn sàng hợp tác từ cả 2 phía.
Bên cạnh đó, ngay từ khâu hướng nghiệp, phân luồng tại các trường phổ thông cũng cần thực hiện hiệu quả, nghiêm túc. Vấn đề là làm thế nào để hệ thống giáo dục phải mở ra các cơ hội cho tất cả mọi người để phát triển sở trường của người học.
Có rất nhiều con đường để lựa chọn, vì thế cần lựa chọn con đường tốt nhất. Chúng ta nói nhiều đến chuyện liên thông. Liên thông là tốt, nhưng liên thông bằng con đường nào, ở đâu, đảm bảo mọi con đường đều được tiến thân, mọi con đường đều được vinh danh, được sống tốt bằng năng lực, sở trường.
Như vậy, giáo dục đào tạo cần thay đổi để học sinh có điều kiện học đi đôi với hành, sẵn sàng làm việc ngay sau khi ra trường, không có chuyện học xa rời thực tiễn.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
VOV