Chặt phá cây trồng khác trồng sầu riêng: Lo ngại phát triển nóng và hệ lụy
Giá sầu riêng tăng gấp 3 lần khi được xuất khẩu chính ngạch. Người nông dân tìm nhiều cách mở rộng diện tích từ chặt phá cây trồng khác đến chuyển đổi trồng xen sầu riêng.
- 25-11-2022Người trồng sầu riêng thắng lớn
- 23-11-2022Sầu riêng giá cao kỷ lục, người dân Tiền Giang ồ ạt mở rộng diện tích
- 21-11-2022Nông dân Thái Lan lo cạnh tranh 'sốt vó' với sầu riêng tươi Việt Nam
Tuy nhiên, trước đây cũng vì được giá, người dân đã từng đổ xô trồng cam, trồng bưởi, trồng thanh long và lại chặt bỏ khi được mùa, mất giá.
Được mùa, được giá luôn là mong muốn của những người nông dân. Từ tháng 7 năm nay, quả sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất. Minh chứng là có thời điểm, giá bán sầu riêng đã tăng gấp 3 lần. Cùng công chăm sóc, thu lợi nhuận được cao hơn, với suy nghĩ này, đã có tình trạng người nông dân tìm mọi cách để mở rộng trồng diện tích cây sầu riêng.
Giá sầu riêng tăng gấp 3 lần khi được xuất khẩu chính ngạch. (Ảnh: TTXVN)
Tình trạng này đã ghi nhận ở một số nơi ở Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ như Tiền Giang và Vĩnh Long. Đáng lo ngại, bà con mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Bà con ở Tây Nguyên chuyển đổi vườn cà phê, trồng xen sầu riêng; hồ tiêu có hiệu quả, sang trồng thuần cây sầu riêng.
Lo ngại sự phát triển "nóng" diện tích trồng sầu riêng, ngày 30/11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra chỉ thị yêu cầu các địa phương ngăn chặn vấn đề này.
Việc mở rộng diện tích trồng ngoài quy hoạch vì thu lợi về giá không phải là chuyện mới. Ví dụ ngay tháng 6 vừa qua, "Đang tâm chặt bỏ hàng trăm ha thanh long ruột đỏ, nông dân Đồng Nai chán ngấy, thời vàng son qua rồi" - hàng tít trên báo Dân Việt; hay câu chuyện "Nhà vườn vừa chặt bỏ, thanh long lại lên giá" trên báo Thanh niên hồi tháng 3; "Nông dân ồ ạt trồng tiêu và những hệ lụy", phản ánh trên báo Nhân dân.
Hồ tiêu là một minh chứng rõ nhất về việc chạy theo lợi nhuận, phát triển "nóng" và cái giá phải trả là không đong đếm được. Bắt đầu từ mức giá 100.000 đồng/kg vào năm 2010, lần lượt lên 190.000 đồng/kg vào các năm tiếp theo và lên mức 230.000 đồng/kg vào năm 2015.
Cây tiêu đã từng được mệnh danh là vàng đen của vùng Tây Nguyên khi nhiều gia đình chỉ qua vài vụ tiêu đã trở thành tỷ phú. Hệ quả là nhiều người đã bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, dồn hết vốn liếng, vay ngân hàng để nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu làm cho nguồn cung dư thừa, hồ tiêu rớt giá, rơi vào tình cảnh điêu đứng vì nợ nần.
Việc ồ ạt chuyển sang trồng tiêu không theo quy hoạch cũng dẫn đến những hệ lụy về dịch bệnh, đất đai, môi trường sinh thái, mà không biết đến bao giờ Tây Nguyên mới có thể khôi phục được.
Ở phía Bắc, cam Cao phong một thời cũng từng được ví là cây trồng tạo ra nhiều triệu phú, tỷ phú cho mảnh đất cam Hòa Bình, nhưng giờ đây chính những người trồng cam Cao Phong cũng đang phải trả giá cho sự phá vỡ quy hoạch vùng trồng.
"Thối mất một nửa. Nói chung mấy vụ nay trồng cam lỗ vốn, chẳng được gì, mất cả vốn luôn", bà Bùi Thị Nga, xóm Bưng 2, huyện Cao Phong, Hòa Bình, chia sẻ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng cam tại phía Bắc nhiều nơi đã vượt quy hoạch, hiện vào khoảng 55.000 ha với sản lượng khoảng 500.000 tấn, nhưng chưa ai có thể tính được lời giải thị trường cho số cam này.
Thay đổi cây trồng theo giá không còn là chuyện hiếm ở nước ta. Tuy nhiên, nếu cứ vì được giá mà trồng ồ ạt thì khi cung lớn hơn cầu, thị trường trượt giá, lại chặt bỏ trồng mới.
Việc quy hoạch vùng trồng, nâng cao chất lượng và sản lượng, tập trung vào những cây trồng mũi nhọn, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, là đặc trưng của vùng... nên ưu tiên khi định hướng phát triển vùng nông nghiệp. Bởi người dân cũng đã quá ngán ngẩm với cảnh giải cứu nông sản. Thay vì giải cứu nông sản, phải có những biện pháp để "giải thoát nông dân" khỏi cái vòng luẩn quẩn của việc trồng ồ ạt rồi chặt hàng loạt vì mất giá, được mùa.
VTV.VN