MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chật vật trong cơn 'bão giá' quay cuồng, người lao động 'khát' tăng ca

Tại các khu nhà trọ ở TP.HCM, việc tằn tiện, thắt lưng buộc bụng... trong chi tiêu là tình cảnh của rất nhiều công nhân, người lao động trong bối cảnh cơn “bão giá” quay cuồng. Vì thế, việc tăng ca làm thêm giờ là mong muốn của nhiều người lao động để có thêm thu nhập.

Thắt lưng, buộc bụng

Hơn 2 tháng qua, chị Lâm Bích Hạnh – công nhân KCN Pouyuen, quận Bình Tân đều thức dậy vào lúc 5h sáng, tất bật nấu đồ ăn cho cả nhà vừa tranh thủ thời gian để đi bộ đến chỗ làm thay vì di chuyển bằng phương tiện xe máy như trước.

Chật vật trong cơn bão giá quay cuồng, người lao động khát tăng ca - Ảnh 1.

Những tháng không tăng ca, chị Lâm Bích Hạnh xoay xở bằng cách rửa bát thuê cho một nhà hàng vào cuối tuần để trang trải cuộc sống.


Chị Hạnh cho biết, tổng thu nhập trung bình của hai vợ chồng chị một tháng là khoảng 13 triệu nhưng thu không đủ chi. Trong đó, tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền cho 2 con ăn học, tiền gửi về quê cũng ngót nghét 7 triệu. Đấy là chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt và các khoản chi tiêu phát sinh của hai vợ chồng.

"Mỗi tháng nếu có tăng ca tôi cũng kiếm được hơn 8 triệu đồng, bao gồm tăng ca mỗi ngày một tiếng, từ thứ hai đến thứ bảy, chủ nhật được nghỉ. Nhưng tháng nào mà không được tăng ca thì tháng đó sẽ rất chật vật, vì thế tôi xoay xở bằng cách rửa bát thuê cho một nhà hàng vào thời gian rảnh cuối tuần với tiền công là 80.000 đồng/buổi", chị Hạnh nói.

Chật vật trong cơn bão giá quay cuồng, người lao động khát tăng ca - Ảnh 2.

Trứng, đậu phụ, vài con cá kho mặn cùng rau, củ, quả rẻ tiền dường như là thực đơn của nhiều công nhân trong thời gian qua.



Cùng chung tâm trạng với chị Hạnh, chị Dương Thị Mơ (quê Bến Tre, công nhân đang làm việc tại KCN Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng cho biết, mức thu nhập của cả hai vợ chồng chị (chưa kể tăng ca) trung bình mỗi tháng được 12 triệu. Với khoản thu nhập ít ỏi ấy, nếu không tăng ca, chị khó lòng trang trải chi phí sinh hoạt, đặc biệt là lo cho con nhỏ ở dưới quê nhà, tiền trọ thuê hàng tháng.

Khi được hỏi về tiền tích lũy, chị Mơ thở dài: “Từ lúc dịch bệnh xảy ra, gia đình tôi phải dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi để trang trải cho mấy tháng thu nhập bị ảnh hưởng, chưa kịp thu hồi lại vốn thì gần đây giá xăng dầu tăng, rồi đi chợ mua gì cũng tăng giá thì lấy đâu ra tiền tích lũy”.

Vui mừng khi được "nới" giờ làm thêm

Khi nghe thông tin Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, số giờ làm thêm của người lao động trong một tháng được tăng tối đa từ 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng, chị Hoàng Oanh - công nhân ở TP.Thủ Đức chia sẻ: "Suốt hơn nửa năm thu nhập giảm vì ảnh hưởng của dịch, giờ tôi cũng muốn tăng ca để có thêm tiền để vừa trang trải cuộc sống, vừa có thêm tiền để gửi cho gia đình dưới quê. Bạn bè tôi làm trong khu công nghiệp cũng thường xuyên tăng ca để kiếm thêm thu nhập”.

Chật vật trong cơn bão giá quay cuồng, người lao động khát tăng ca - Ảnh 3.

Tăng ca là giải pháp duy nhất giúp người lao động có thêm thu nhập.


Những tháng không tăng ca, anh Lê Tuấn Thanh (công nhân KCN Vĩnh Lộc) đã xoay xở bằng cách làm thêm công việc giao gas, nước,... cho người quen sau giờ làm mới đủ sống.

"Bình thường đi làm thì bữa trưa công ty lo, ngày nào tăng ca lại được thêm bữa tối nữa nên đỡ nhiều lắm. Hiện tại, mức lương công nhân công ty là 8 - 10 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca có thể đạt 10 - 12 triệu/tháng nên việc tăng ca là giải pháp duy nhất để cải thiện thu nhập, trang trải cuộc sống cho công nhân chúng tôi", anh Thanh cho hay.

Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động với 100% đại biểu có mặt tán thành. Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Theo nghị quyết, về số giờ làm thêm trong 1 năm, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm.

Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ, nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp là người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, không áp dụng quy định này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động, được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Theo Hoàng Trang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên