Chật vật xây khu nhà đầu tiên cho công nhân
Xây dựng chỉ mất hơn một năm hoàn thành, nhưng khu nhà ở cho công nhân ở Hà Nam phải mất thêm hơn 2 năm mới cho thuê được, dù thực tế nhu cầu “an cư” của công nhân rất lớn.
Năm 2017, Thủ tướng phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó giao Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đầu tư thí điểm 1-2 khu thiết chế công đoàn. Trên cơ sở đó, Tổng LĐLĐ đã chọn trực tiếp đầu tư thí điểm Khu thiết chế công đoàn tại Hà Nam, Tiền Giang và Quảng Nam.
Nhà ở cho công nhân trong Khu thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam, mới xong giai đoạn 1, mặt bằng cho giai đoạn 2 đã sẵn sàng để tìm nhà đầu tư. (Ảnh: Phạm Thanh)
Dự án tại Hà Nam theo mô hình Tổng LĐLĐ trực tiếp đầu tư xây dựng nhà để bán và cho thuê; Dự án ở Tiền Giang theo mô hình làm hạ tầng cơ bản, nhà văn hoá, nhà trẻ sau đó kêu gọi đầu tư xã hội hoá phần nhà ở để bán và cho thuê; Dự án tại Quảng Nam do LĐLĐ địa phương làm chủ đầu tư kêu gọi xã hội hóa toàn bộ. Tới nay, chỉ dự án tại Hà Nam hoàn thành giai đoạn 1, các dự án còn lại đang xây dựng dở dang.
Tháng 6/2022, PV Tiền Phong đã ghi nhận thực tế tại Khu thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam (Khu Công nghiệp Đồng Văn 2, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Giai đoạn 1 của dự án khởi công tháng 5/2018 và hoàn thành vào giữa năm 2019. Cả dự án mới có 5 toà nhà chung cư 5 tầng và 1 nhà đa năng nằm lọt giữa khu đất rộng 4,2ha, đường nội khu, hệ thống điện đã được đầu tư hoàn thiện, nhưng nhiều khối nhà chưa triển khai, để lại các ô đất trống cỏ mọc. Nếu đầu tư hoàn chỉnh, toàn dự án này có 20 toà nhà chung cư cho công nhân thuê và mua, các khu thể thao, chợ, nhà trẻ… với tổng vốn đầu tư khoảng 559 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đáp ứng chỗ ở cho trên 4.000 công nhân các khu công nghiệp của Hà Nam. Dù xây dựng xong giai đoạn 1 từ giữa năm 2019, nhưng phải tới tháng 2/2022, khu nhà ở này mới đón những công nhân đầu tiên về ở.
Ban ngày, khu nhà ở công nhân vắng vẻ, nhưng khi mặt trời lặn, đèn đường bật, cả khu mới sôi động khi công nhân đi làm về. Trẻ con vui đùa đạp xe trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, người lớn đá bóng ở sân trong khu, có người thong dong chạy bộ.
Theo đơn vị vận hành nhà ở cho công nhân Hà Nam, hiện các căn hộ gia đình cơ bản đã được công nhân thuê hết, riêng toà ở ghép mới có vài người tới thuê. Trong số 244 căn của khu nhà, tới tháng 6 có 170 căn có công nhân thuê, giá thuê 1-2 triệu đồng/tháng, theo diện tích căn hộ và tầng (tầng thấp giá cao nhất do không có thang máy).
Lần đầu tiên được thuê nhà đúng nghĩa
Là một trong những gia đình tới thuê nhà ở trong Khu thiết chế công đoàn Hà Nam, anh Đặng Lai Quân (34 tuổi, quê Mỹ Lộc, Nam Định, ở căn 311 toà N20) cho biết, hai vợ chồng đều làm cho Công ty Dược Hoa Linh (KCN Đồng Văn). Vợ chồng anh có 2 con, con lớn 5 tuổi gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc, con nhỏ 2 tuổi ở cùng bố mẹ. Gia đình anh từng thuê nhà trọ ở phường Đồng Văn chi phí mỗi tháng gần 3 triệu đồng (gồm cả điện, nước) trong khi tổng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ khoảng 16 triệu đồng. “Mức lương này nếu trong nhà có người ốm đau sẽ không đủ trang trải”, anh Quân nói.
Từ tháng 2/2022, gia đình anh Quân chuyển về thuê nhà trong khu thiết chế công đoàn Hà Nam, diện tích 32m2, tổng chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng (gồm cả tiền thuê nhà, điện, nước, gửi xe). “Ở khu mới này thoáng mát, điều kiện sống sạch sẽ, an ninh tốt, lại có sân chơi rộng rãi, nên cuộc sống và sức khoẻ cũng được cải thiện, con cái ít ốm đau, lại tiết kiệm hơn. Ở đây điều kiện sống tốt hơn nên 2 vợ chồng đang tính đón con lớn lên ở cùng và đi học trường công bên cạnh nhà”, anh Quân nói.
Tại căn hộ của anh Đinh Công Tuý (32 tuổi, quê huyện Kim Bảng, Hà Nam, ở căn 310 toà N20), chúng tôi khá bất ngờ khi căn hộ chỉ rộng hơn 30m2, nhưng chủ nhà “chịu khó” đầu tư thêm chi tiết để tạo không gian và ấm cúng. Cũng tivi, tủ lạnh, điều hoà, ghế sô - pha, bàn nước, góc làm việc và học tập, cây xanh, tranh ảnh… “Mình về đây thấy điều kiện sống tốt, có thể gắn bó lâu dài nên đầu tư thêm chút cho ra ngôi nhà của hai vợ chồng. Trước đây đi thuê nhà dân, xác định cũng nay đây mai đó, nên cũng muốn đầu tư, nên nhà cứ lụp xụp”, anh Túy nói. Hiện, căn hộ là tổ ấm của hai vợ chồng và con trai 5 tuổi. Anh Tuý là công nhân Cty Vinaca (Khu công nghiệp Đồng Văn 3), còn vợ là giáo viên mầm non, tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng khoảng 16 triệu đồng. Vào đây thuê tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng so với thuê nhà trọ trước đây, trong khi điều kiện sống lại tốt hơn.
Chị Mè Thị Thu (37 tuổi, quê Phú Thọ, ở căn 203 nhà N19), cho biết, chị làm chủ tịch công đoàn cơ sở tại một doanh nghiệp sản xuất xe máy trong KCN Đồng Văn 2. Trước đây chị thuê lại nhà dân diện tích 40m2, với giá 2,5 triệu đồng/tháng, thêm điện nước mỗi tháng cũng hết hơn 3 triệu đồng. Vợ chồng chị có 3 người con, 2 cháu lớn đang gửi bà ngoại chăm giúp, cháu nhỏ 9 tháng ở với bố mẹ. Chị Thu cũng về khu nhà thiết chế công đoàn từ cuối tháng 1 vừa qua, tổng chi phí thuê khoảng 2 triệu đồng/tháng, tiết kiệm được 1,5-2 triệu đồng/tháng so với thuê nhà cấp 4 trước đây. Các căn hộ ở đây đã có nội thất cơ bản, nên công nhân về ở cũng không phải đầu tư thêm quá nhiều. Theo chị Thu, trong khu nhà này rất nhiều gia đình trẻ, riêng công ty chị làm đã có mấy chục người thuê nhà ở khu này. Điều kiện để công nhân được thuê nhà cũng không khó ví như, là công đoàn viên 3 năm trở lên, lương không phải đóng thuế thu nhập cá nhân…
Nhà ở công nhân trong Khu thiết chế công đoàn Hà Nam giai đoạn 1 được thiết kế căn hộ diện tích 32-45m2, giá thuê thấp nhất 1 triệu đồng/căn, tối đa chỉ 2 triệu đồng/căn. Khi hoàn thành giai đoạn 2 sẽ có tổng số 1.500 căn hộ, trong đó có căn hộ để bán với giá chỉ khoảng 400 triệu đồng/căn.
Với Dự án thiết chế công đoàn tại Quảng Nam, khởi công năm 2017, tổng diện tích khoảng 5ha theo mô hình xã hội hóa toàn bộ, hiện chưa đầu tư nhà ở vì vướng quy định.
Với Dự án thiết chế công đoàn tại Tiền Giang, Tổng LĐLĐ đầu tư 60 tỷ đồng làm hạ tầng cơ bản, sau đó kêu gọi đầu tư nhà ở. Dự kiến tháng 12/2022 sẽ khởi công dự án. Khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 1.000 căn hộ để bán và cho thuê.
Tiền Phong