MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chatbot Mark Zuckerberg làm thua xa ChatGPT: Khi được hỏi 'ai đang điều hành thung lũng Silicon', Galactica trả lời gây thất vọng

09-02-2023 - 09:01 AM | Tài chính quốc tế

Chatbot Mark Zuckerberg làm thua xa ChatGPT: Khi được hỏi 'ai đang điều hành thung lũng Silicon', Galactica trả lời gây thất vọng

Việc chatbot của Meta thêu dệt chuyện không có thật khiến nó 'chết yểu' chỉ sau 3 ngày ra mắt.

Hai tuần trước khi ChatGPT xuất hiện và khiến cả thế giới kinh ngạc, Meta, công ty mẹ Facebook, WhatsApp và Instagram, đã tiết lộ một chatbot của riêng mình. Nó có tên Galactica, được thiết kế phục vụ các nghiên cứu khoa học, có thể viết báo, giải toán và viết code.

Giống như ChatGPT, Galactica đôi khi cũng viết sai ngày tháng lịch sử và thêu dệt chuyện không có thật. Khi được hỏi ai đang điều hành Thung lũng Silicon, Galactica trả lời: “Steve Jobs”.

Tuy nhiên, khác với OpenAI - công ty tạo ra ChatGPT, Meta vấp phải vô số chỉ trích vì Galactica - mô hình ngôn ngữ lớn phục vụ cho lĩnh vực khoa học, được đào tạo dựa trên 48 triệu dữ liệu về các bài báo khoa học, trang web, sách giáo khoa, ghi chú bài giảng và bách khoa toàn thư. Meta quảng cáo Galactica như một “lối tắt” cho các nhà nghiên cứu và sinh viên, với khả năng “tóm tắt các bài báo học thuật, giải toán, viết báo trên Wiki, tạo mã khoa học, chú thích phân tử…”.

Tuy nhiên, giống như tất cả các mô hình ngôn ngữ khác, Galactica chỉ là con bot không thể phân biệt sự thật hay hư cấu. Trong vòng vài giờ, các nhà khoa học đã chia sẻ kết quả sai lệch và thông tin không chính xác của nó trên mạng xã hội.

“Cảm xúc tôi lẫn lộn trước nỗ lực mới này. Trong buổi giới thiệu demo, chúng trông thật tuyệt vời, kỳ diệu và thông minh. Tuy nhiên, mọi người dường như không hiểu rõ về nguyên tắc, rằng những thứ như vậy không thể hoạt động theo cách mà chúng ta thổi phồng”, Chirag Shah tại Đại học Washington, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ tìm kiếm, cho biết.

Theo Michael Black, Giám đốc Viện Hệ thống Thông minh Max Planck, Đức chuyên nghiên cứu về khoa học, “Trong mọi trường hợp, những thông tin sai lệch lại nghe có vẻ đúng và có căn cứ. Tôi nghĩ điều này rất nguy hiểm.”

Chatbot Mark Zuckerberg làm thua xa ChatGPT: Khi được hỏi ai đang điều hành thung lũng Silicon, Galactica trả lời gây thất vọng - Ảnh 1.

Chatbot Mark Zuckerberg làm thua xa ChatGPT

“Đừng nên quá tin tưởng nó. Về cơ bản, hãy chỉ coi nó giống như một bản tìm kiếm nâng cao trên Google về các thông tin nguồn thứ cấp sơ sài!”, Miles Cranmer, một nhà vật lý thiên văn tại Princeton, nói.

Theo MIT Technology Review, Galactica còn có nhiều lỗ hổng trong việc xử lý thông tin. Khi được yêu cầu tạo văn bản về các chủ đề nhất định, chẳng hạn như “phân biệt chủng tộc” và “AIDS”, mô hình này đã trả lời: “Xin lỗi, yêu cầu của bạn không vượt qua bộ lọc nội dung của chúng tôi. Hãy thử lại và ghi nhớ đây là mô hình ngôn ngữ khoa học.”

Đây chẳng khác nào một sự thừa nhận rằng, các mô hình ngôn ngữ chưa thể, hay nói trắng ra là không bao giờ có thể làm được tất cả mọi thứ. “Các mô hình ngôn ngữ không thực sự hiểu tất cả mọi thứ, trừ khả năng nắm bắt mẫu chuỗi từ và phát ra theo xác suất. Nó mang lại cảm giác sai lầm về trí tuệ”, một chuyên gia nhận định.

Trong gần một thập kỷ, Meta chi hàng tỷ USD xây dựng AI, đồng thời đặt sứ mệnh trở thành người đi đầu. Tuy nhiên, gã khổng lồ này dường như đang bị “bỏ rơi” bởi Thung lũng Silicon mải hứng thú với ChatGPT - một công cụ ‘trả lời câu hỏi như người thật’, có thể trình bày ý tứ logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy, ngay cả với các câu hỏi phức tạp. Nó thậm chí có thể viết kịch bản và tiểu luận.

Nhiều gã khổng lồ sau đó điên cuồng tham gia cuộc đua. Google cho biết sẽ sớm phát hành một chatbot thử nghiệm có tên Brad, còn Microsoft tiết lộ một công cụ tìm kiếm mới nhờ AI tổng quát.

Trong khi đó, nỗ lực của Meta lại bị cản trở bởi mác “truyền bá thông tin sai sự thật”. Gánh trên vai trách nhiệm với hàng tỷ người dùng, nó không thể tiếp tục tung ra một chatbot trực tuyến và khởi nguồn nhiều tranh cãi.

“OpenAI và các công ty nhỏ khác đang nắm vị thế tốt hơn khi phát hành chatbot”, Chirag Shah, giáo sư Đại học Washington, người đã khám phá những lỗ hổng trong Galactica và ChatGPT, cho biết.

Chatbot Mark Zuckerberg làm thua xa ChatGPT: Khi được hỏi ai đang điều hành thung lũng Silicon, Galactica trả lời gây thất vọng - Ảnh 2.

Những năm gần đây, Meta chuyển trọng tâm sang metaverse vì tin rằng đây sẽ là cuộc cách mạng lớn tiếp theo

Những năm gần đây, Meta chuyển trọng tâm sang metaverse vì tin rằng đây sẽ là cuộc cách mạng lớn tiếp theo. Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào công ty này có thể cung cấp các sản phẩm AI tích hợp bên trong các dịch vụ hiện có theo cách người dùng muốn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Meta không cố gắng. Theo Irina Kofman, Giám đốc cấp cao về quản lý sản phẩm của AI tổng quát, Meta đang tăng tốc tung ra các sản phẩm từ AI. Zuckerberg còn trực tiếp tham gia chỉ đạo họp hàng tuần với các chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu. Trả lời về cách Meta có thể triển khai chatbot và các công nghệ AI tổng quát khác, Tiến sĩ LeCun cho biết chúng có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ tạo quảng cáo trên Facebook.

“Một trong những mục tiêu của tôi đối với Meta là trở thành công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo tổng hợp”, Mark Zuckerberg nói.

Meta không phải là công ty duy nhất ủng hộ quan điểm rằng mô hình ngôn ngữ có thể thay thế công cụ tìm kiếm. Trong nhiều năm, Google quảng bá mô hình ngôn ngữ PaLM như một sản phẩm tra cứu thông tin. Hồi năm 2016, Microsoft cũng tung ra một chatbot có tên Tay trên Twitter, song buộc phải gỡ xuống sau 16 giờ vì bị người dùng Twitter biến thành công cụ phân biệt chủng tộc và kỳ thị người đồng tính.

“Các công ty công nghệ lớn sẽ tiếp tục làm điều này, và hãy ghi nhớ lời tôi nói, họ không dừng lại đâu vì nghĩ mình có thể. Họ nghĩ đây sẽ là tương lai của thế giới truy cập thông tin, ngay cả khi không ai yêu cầu điều đó”, Chirag Shah tại Đại học Washington, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ tìm kiếm, cho biết.

Theo: The New York Times, MIT Technology Review

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên