MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á đã quên những bài học đau thương từ Khủng hoảng Tài chính 1997?

16-06-2017 - 11:05 AM | Tài chính quốc tế

Mỗi buổi sáng, những người mặc bộ vest công sở tối màu đứng đầy các công viên. Họ giả vờ mình vẫn đi làm khi không thể nói với gia đình về việc thất nghiệp...

20 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, châu Á dường như sẽ lại cần những bài học được rút ra từ đau thương trong quá khứ.

Kim Dae-jung, cựu Tổng thống Hàn Quốc, là điển hình cho câu chuyện thấm đẫm tinh thần cải cách sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trong chuyến công du tới Việt Nam thời điểm đó, tháp tùng đoàn có một doanh nhân đang vô cùng lo lắng. Đó là Kim Woo-Choong, người sáng lập tập đoàn Daewoo, sau này là doanh nghiệp lớn thứ 2 của Hàn Quốc. Trong bữa sáng tại Hà Nội, ông Kim đã thỉnh cầu Tổng thống những ưu đãi để giúp công ty tránh khỏi sự tàn phá của cơn bão tài chính.

Trong quá khứ, một lời thỉnh cầu như của ông Kim Woo-Choong có thể phát huy tác dụng. Các tổng thống Hàn Quốc thường xuyên ủng hộ các tập đoàn kinh tế đang nổi của đất nước này, vốn được biết đến với cái tên chaebol, bởi chúng là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn kinh doanh không hiệu quả dẫn tới nợ nần, công suất dư thừa và cắt giảm nhân công, cũng là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Kim nhận ra một cách tiếp cận mới là cần thiết, dù chắc chắn thay đổi sẽ vô cùng đau đớn. Ông để cho người đứng đầu Daewoo về nước với không gì ngoài một bài giáo huấn về việc tự khắc phục các vấn đề của riêng mình. Daewoo tan rã ngay sau đó.

Đó là một quyết định cứng rắn nhưng chỉ là một trong vô số những lựa chọn khó khăn mà lãnh đạo các nước trong khu vực phải làm để giải cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng, vốn bắt nguồn từ đầu tháng 7/1997, khi hàng loạt nền kinh tế hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaysia sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng, khiến các nhà đầu tư tháo chạy, tiền tệ sụp đổ kèm theo sự đổ vỡ của hàng loạt doanh nghiệp.

Thực tiễn cho thấy mỗi tuần lại có những chính sách cải cách mới được ban hành. Ngân hàng đóng cửa, các công ty tái cấu trúc, các tập đoàn bị đập bỏ và mở tung cửa các thị trường. Thậm chí, Indonesia đã chuyển từ chế độ chuyên quyền sang một nền dân chủ trong khi Jakarta tê liệt vì các cuộc bạo loạn luẩn quẩn.

Trong khi đó, những người làm công ăn lương ở Seoul trở nên tuyệt vọng khi phải đối mặt với gia đình về việc họ bị sa thải. Mỗi buổi sáng, những người mặc bộ vest công sở tối màu đứng đầy các công viên. Họ giả vờ mình vẫn đi làm khi không thể nói với cả gia đình về việc thất nghiệp.

Tuy nhiên, châu Á trở nên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng. Phần lớn các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng và các chuyên gia không trốn tránh trách nhiệm với khó khăn mà đứng thẳng và đương đầu với nó để phục hồi nền kinh tế quốc gia, góp phần ổn định tình hình khu vực.

Thật không may, tinh thần của năm 1997 gần như đã mất hết 20 năm sau khủng hoảng. Trong những năm gần đây, châu Á ngày càng chìm trong hố lầy của sự chậm cải cách, ngay cả khi đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng của một cuộc khủng hoảng khác. Trong tình thế này, các chính phủ cần lấy lại quyết tâm thúc đẩy sự thay đổi mà họ từng có 20 năm trước.

Giữa khủng hoảng, Tổng thống Kim đã cắt nguồn sống của Daewoo, một quyết định vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, những người kế nhiệm ông sau này lại có khuynh hướng ân xá cho người đứng đầu các chaebol bất chấp cáo buộc về những tội danh khác nhau hơn là giảm bớt quyền lực trong tay họ với tập đoàn và cả nền kinh tế. Hậu quả đã trở nên rõ ràng khi một vụ bê bối liên quan tới Samsung - chaebol lớn nhất Hàn Quốc - đã khiến một Tổng thống dân cử bị phế truất.

Ngoài ra, chính sự thiếu đổi mới trong các nhà hoạch định chính sách cũng tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Indonesia đáng lẽ phải là một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới nhưng chính vì cơ chế điều tiết quá mức cùng cơ sở hạ tầng nghèo nàn nên tốc độ tăng trưởng của quốc đảo này chỉ dao động ở mức 5%. Trung Quốc và Ấn Độ cũng có những cải cách nhưng chúng chưa đủ để tạo ra đột phá.

Trung Quốc thực chất đang rơi vào cái bẫy nợ công giống nhiều quốc gia từng được mệnh danh là những con hổ của châu Á. Bắc Kinh cũng phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo, giống hệt cách những nước từng vấp ngã đã làm. Năm 2016, nợ công của Trung Quốc so với tổng sản phẩm quốc nội đạt 257%. Không chỉ riêng Trung Quốc, nợ còn tăng lên ở khác châu Á. Dù không ở mức khủng hoảng nhưng rõ ràng, nợ đang cản trở tăng trưởng ở các nước như Hàn Quốc và Malaysia.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ bức tranh đều là gam màu tối. Dường như tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn mạnh tay với các chaebol đang kiểm soát nền kinh tế Hàn Quốc và tạo sân chơi cho các công ty nhỏ hơn. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đưa ra những chính sách đột phá về thuế và thúc đẩy tham vọng lôi kéo nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều việc chờ ông Widodo giải quyết, trong đó có đa dạng hóa nền kinh tế.

Rõ ràng, cải cách luôn dễ dàng hơn trong một cuộc khủng hoảng, khi các nhà hoạch định chính sách không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, nếu như không có sự thay đổi, châu Á sẽ tiếp tục sa lầy vào nợ thay vì tăng tốc độ tăng trưởng. Ở các nước nghèo, cải thiện phúc lợi sẽ bị tụt hậu. Khủng hoảng năm 1997 đã qua nhưng không ai đảm bảo một cuộc khủng hoảng khác không xảy ra. Liệu sẽ có những người như ông Kim Dae-jung ở đó để vực dậy các nền kinh tế?

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên