MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á đứng ngoài đợt phục hồi của TTCK toàn cầu vì Alibaba, sàn HoSE vẫn hiệu quả nhất khu vực

20-11-2021 - 08:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Châu Á đứng ngoài đợt phục hồi của TTCK toàn cầu vì Alibaba, sàn HoSE vẫn hiệu quả nhất khu vực

Thị trường chứng khoán Châu Á đã đứng ngoài sóng tăng điểm của chứng khoán toàn cầu trong ngày thứ Sáu (19/11) do kết quả kinh doanh đáng thất vọng vủa Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, Alibaba, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ số chứng khoán MSCI của Châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản (kỳ hạn tương lai) đã giảm 0,44% trong phiên 19/11, tính chung cả tuần giảm 1%, trong đó chứng khoán Hongkong giảm mạnh 1,5% do ảnh hưởng bởi chỉ số nặng ký của Alibaba.

Chứng khoán Châu Á "trầm buồn" trái với xu hướng tăng đều ở Phố Wall – được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp.

Đợt phục hồi của chứng khoán toàn cầu dự báo sẽ còn tiếp diễn, với việc Euro Stoxx 50 kỳ hạn tương lai tăng 0,41%, FTSE kỳ hạn tương lai tăng 0,42% và S&P 500 e-minis tăng 0,36%. Tính chung cả tuần, chứng khoán Châu Âu tăng tuần thứ 7 liên tiếp nhờ những cổ phiếu liên quan đến hàng hóa tăng vọt, kết quả doanh thu cao và chính sách tiền tệ nới lỏng làm phấn chấn tâm lý của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đặt cược rằng các ngân hàng trung ương lớn sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cổ phiếu của công ty thương mại điện tử Trung Quốc – Alibaba - giảm hơn 10% trong ngày 19/11 sau khi kết quả kinh doanh quý II không như mong đợi do tiêu thụ chậm lại, cạnh tranh ngày càng tăng và những biện pháp siết chặt giám sát của nhà chức trách với các hãng công nghệ. Cổ phiếu của Alibaba trước đó đã bốc hơi 11,13% trên Sàn chứng khoán New York ngày 18/11, xuống thấp nhất kể từ 5/10, và giảm 11,1% trên Sàn chứng khoán Hongkong.

Kenny Ng, chiến lược gia của công ty môi giới Everbright Sun Hung Kai Securities, cho biết, cũng như Alibaba, kết quả kinh doanh yếu kém gần đây đã khiến cổ phiếu của Baidu giảm gần 4%, Tencent giảm 0,81% và Bilibili – đã từng bị đình chỉ giao dịch – lao dốc.

Các nhà phân tích của Citi cho biết kết quả của Alibaba không có gì đáng ngạc nhiên. Alibaba ngày 18/11 công bố doanh thu và lợi nhuận quý 3/2021 chỉ đạt 200,69 tỷ nhân dân tệ (31,4 tỷ USD), thấp hơn dự báo 204,93 tỷ nhân dân tệ của hãng cung cấp dữ liệu tài chính Refinitiv, dù con số này tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trên cổ phiếu của Alibaba trong quý ở mức 11,2 nhân dân tệ, giảm 38% so với cùng kỳ và thấp hơn dự báo 12,36 nhân dân tệ của Refinitiv. Các biện pháp siết chặt giám sát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ khi ban hành hàng loạt quy định mới từ chống độc quyền cho tới bảo vệ dữ liệu cá nhân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Alibaba. Tháng 4/2021, tập đoàn này đã bị lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD trong một vụ điều tra chống độc quyền.

Các nhà phân tích dự báo quý tới sẽ là một trong những quý khó khăn nhất trong lịch sử của hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Doanh thu quản lý khách hàng (CMR – doanh thu từ các dịch vụ, như tiếp thị, cho các đối tác bán hàng trên nền tảng Taobao và Tmall) hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của Alibaba. Tuy nhiên, trong quý III, CMR của hãng chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước do điều kiện thị trường đi xuống và xuất hiện nhiều đối thủ hơn trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Hiện Alibaba không chỉ đối mặt cạnh tranh gay gắt từ đối thủ JD.com mà còn nhiều đối thủ mới như Pinduoduo và thậm chí các công ty truyền thông xã hội như Bytedance – công ty mẹ nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok. Alibaba đang cố gắng tìm động lực tăng trưởng mới từ khách hàng tại các thành phố nhỏ cũng như cung cấp dịch vụ từ những nền tảng như ứng dụng giảm giá Taobao Deals và dịch vụ giao đồ ăn Ele.me.

Do những xáo trộn về kết quả doanh thu, nhất là ở Trung Quốc, chứng khoán Châu Á diễn biến thất thường. Kết thúc phiên 19/11, chứng khoán Trung Quốc đại lục nhích nhẹ, với chỉ số Shanghai composite tăng 0,59% trong khi Shenzhen component tăng 0,67%.

Chứng khoán MSCI của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện đã giảm 13% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 2, trong khi chứng khoán MSCI toàn cầu không ngừng tăng và hiện đạt mức cao kỷ lục.

Các nhà phân tích dự đoán chứng khoán Châu Á sẽ tiếp tục diễn biến trong thế giằng co bởi nhiều yếu tố trái chiều, "kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá hàng hóa tăng cao không đúng lúc – thời điểm kinh doanh vào chu kỳ cao điểm và nhu cầu hộ gia đình phục hồi nhẹ", ngân hàng ANZ cho biết. Theo đó: "Mỗi yếu tố đó, kết hợp với việc bình thường hóa chính sách tiền tệ, có thể ảnh hưởng đến thu nhập và định giá của thị trường chứng khoán."

Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng vượt trội 0,5%, Topix tăng 0,44% sau khi Thủ tướng Nhật Bản công bố một gói kích thích kinh tế mới với khoản chi tiêu trị giá khoảng 56 nghìn tỷ yên (490 tỷ USD). Đồng yen Nhật hầu như không có phản ứng nào trước thông tin này, tính chung cả tuần giảm nhẹ, hiện ở mức 114,33 JPY/USD, không xa mức thấp nhất 5 năm, là 114,97 JPY chạm tới cách đây vài ngày.

Chứng khoán Việt Nam trải qua phiên giao dịch cuối tuần (19/11) biến động mạnh nhất kể từ đầu tháng 11, khi sắc xanh chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian giao dịch buổi sáng, bởi mỗi lần VN-Index thu hẹp biên độ tăng về sát tham chiếu thì dòng tiền lại xuất hiện và kéo lên, song từ giữa phiên chiều, áp lực chốt lời đồng loạt ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ khiến chỉ số lao dốc nhanh. Tiền chảy mạnh vào thị trường trong những phút cuối giúp VN-Index cân bằng lại. Chỉ số đóng cửa tại 1.452,35 điểm. 

Giá trị giao dịch trên HoSE đạt 44.802 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với hôm trước và lập kỷ lục mới về thanh khoản trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản của hai chỉ số trên sàn Hà Nội gồm HNX-Index và UPCoM-Index cũng lập kỷ lục mới, lần lượt đạt 6.470 tỷ đồng và 5.065 tỷ đồng. Tính chung ba sàn, giá trị giao dịch ngày 19/11 đạt 56.337 tỷ đồng, vượt xa kỷ lục 52.144 tỷ đồng được thiết lập cách đây hai tuần. Cả phiên có hơn 1,81 tỷ cổ phiếu được sang tay, trong đó sàn TP HCM chiếm hơn 1,52 tỷ.

Xét trên bình diện khu vực, chỉ số chứng khoán sàn HoSE từ đầu năm đến nay đạt hiệu quả hàng đầu khu vực Châu Á, còn trong tháng 11 hiệu quả đứng thứ 4. Với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã được khống chế, giới phân tích kỳ vọng chứng khoán Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc.

Châu Á đứng ngoài đợt phục hồi của TTCK toàn cầu vì Alibaba, sàn HoSE vẫn hiệu quả nhất khu vực - Ảnh 1.

Mức độ tăng/giảm chứng khoán khu vực Châu Á từ đầu tháng 11 và từ đầu năm 2021 đến nay.

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên