MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á gặp khó trước tình trạng giá thực phẩm tăng

29-08-2023 - 11:31 AM | Tài chính quốc tế

Theo Nikkei Asia, các chính phủ châu Á cần xem xét nhiều công cụ chính sách hiện có để tăng nguồn cung thực phẩm và hạn chế nguy cơ lạm phát gia tăng.

Mặc dù lạm phát tiêu dùng ở châu Á trong năm 2022 không tăng nhiều như ở phương Tây, nhưng toàn khu vực phải mất tương đối nhiều thời gian để bình ổn lạm phát. Tuy nhiên, đà tăng cao của chi phí lương thực tại nhiều quốc gia châu Á có thể khiến xu hướng bình ổn này bị phá vỡ.

Giá thực phẩm châu Á trong tháng 7 năm nay cao hơn 7,3% so với một năm trước đó. Con số này cao hơn đáng kể mức 4.8% vào tháng 6 năm nay và chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng cao nhất là 7,4% vào tháng 9 năm ngoái.

Nikkei Asia đánh giá, Ấn Độ có tác động lớn trong việc tăng giá này. Những cơn mưa gió mùa đến muộn và phân bố không đều đã ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng và đẩy lạm phát thực phẩm tại nước này lên tới 10,6%.

Châu Á gặp khó trước tình trạng giá thực phẩm tăng - Ảnh 1.

Ấn Độ đang hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực và kiềm chế lạm phát. Ảnh: Reuters.

Giá thực phẩm cũng đang tăng nhanh ở Nhật Bản. Tại Singapore và Philippines, giá thực phẩm vẫn luôn giữ ở mức cao kể từ nửa cuối năm 2022. Có một số tín hiệu tích cực ở Indonesia và Thái Lan khi tốc độ tăng giá chậm lại nhờ nguồn cung ổn định hơn, quản lý tốt hơn việc phân phối thực phẩm và giám sát giá cả chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, chưa rõ những biện pháp này có thể duy trì đà giảm giá được lâu hay không.

Loạt yếu tố có thể khiến giá thực phẩm tăng

Nhìn chung, đang có rất nhiều nguy cơ khiến giá thực phẩm có thể tăng như sự xuất hiện của kiểu thời tiết El Nino có thể dẫn đến hạn hán và giảm năng suất ở Nam và Đông Nam Á, thỏa thuận ngũ cốc Nga-Ukraine hết hạn và động thái của Ấn Độ nhằm hạn chế xuất khẩu gạo và hành tây.

Ấn Độ chiếm 40% sản lượng xuất khẩu gạo thế giới và lệnh cấm thương mại của nước này đã giáng một đòn mạnh vào các nhà nhập khẩu như Philippines và Indonesia, những nước đang tìm cách tăng cường thu mua gạo để tránh nguy cơ thiếu hụt. Kết quả từ việc cắt giảm xuất khẩu của Ấn Độ khiến giá gạo của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.

Bối cảnh này cũng có thể khiến các nhà xuất khẩu lương thực khác hạn chế xuất khẩu và các nhà nhập khẩu tìm cách mua thêm hàng phòng ngừa tình trạng khan hiếm nguồn cung. Diễn biến tâm lý như vậy có thể sẽ khiến giá của nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao và sẽ tác động lan tỏa đến giá của các sản phẩm khác.

Tình trạng này sẽ tạo ra sức ép cho hầu hết các nền kinh tế châu Á. Gạo là loại ngũ cốc chủ yếu của người châu Á và giá gạo ổn định trong năm ngoái đã giúp khu vực này đứng ngoài cơn bão giá lúa mì và một số thực phẩm khác tăng mạnh so với phần còn lại của thế giới. Đến năm nay, châu Á không còn đứng ngoài cuộc khi giá gạo đang tăng cao. Trong khi các nước phải nhập khẩu lương thực có nguy cơ thiếu lương thực cao thì ngay cả các nhà xuất khẩu thực phẩm ròng như Indonesia và Thái Lan cũng không hoàn toàn yên tâm vì họ vẫn phải nhập khẩu lúa mì, đậu nành và các mặt hàng thực phẩm khác. Giá của chúng có thể đắt hơn nếu các chuyến hàng quốc tế không được bảo đảm.

Sản lượng cây trồng của họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino ra. Thái Lan đã cho biết nước này có thể giảm sản lượng lúa gạo trong năm nay để tiết kiệm nước.

Cần thực hiện các công cụ chính sách bền vững

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng trung ương châu Á vẫn để mắt đến rủi ro lạm phát ngay cả khi họ đã tạm dừng điều chỉnh lãi suất. Giá lương thực chiếm 27% chỉ số giá tiêu dùng chung của châu Á nên sự thay đổi của các mặt hàng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát chung.

Trong khi đó, đồng tiền châu Á đang yếu hơn và giá dầu thô tăng cao cũng làm dấy lên lo ngại về lạm phát. Giá dầu thô Brent đã quay trở lại mức trên 80 USD/thùng sau khi giảm xuống mức thấp 71,60 USD vào tháng 6.

Nhìn chung, những điều kiện này sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương châu Á trong việc kiểm soát lạm phát. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang chịu áp lực ngày càng tăng để thắt chặt lãi suất. Đối với các ngân hàng trung ương khu vực khác, họ cũng đang xem xét việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ không phải là công cụ hiệu quả nhất khi giải quyết lạm phát lương thực. Một giải pháp bền vững hơn nằm ở việc tăng nguồn cung. Thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của người nghèo ở châu Á. Do đó, giá lương thực tăng cao trở thành một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị nên các chính phủ thường nhanh chóng can thiệp.

Trong khi việc hạn chế xuất khẩu có thể giúp bảo đảm an ninh lương thực thì biện pháp này cũng làm giảm thu nhập của nông dân và gây tác động lan tỏa khắp chuỗi cung ứng thực phẩm. Do đó, các chính phủ châu Á nên tìm kiếm các công cụ chính sách phù hợp và bền vững để gia tăng nguồn cung, cải thiện hoạt động phân phối và nếu cần cung cấp thêm viện trợ lương thực cho người tiêu dùng, Nikkei Asia nhận định.

Theo An Bình

Tổ quốc

Trở lên trên