Châu Á nín thở vì mã độc tống tiền WannaCry
Ngày 15-5, hoạt động của một số chính phủ và doanh nghiệp châu Á bị gián đoạn bởi mã độc tống tiền WannaCry. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo tác động sẽ nặng nề hơn khi nhân viên bật máy tính và kiểm tra mail.
- 15-05-2017Virus WannaCry đang dần trở thành cuộc tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử
- 15-05-2017Giới chuyên gia cảnh báo thế giới vẫn đứng trước nguy cơ rất lớn từ ransomware WannaCry
- 14-05-2017Không ai có thể ngờ ransomware WannaCry đang gây chấn động toàn cầu lại bị chặn đứng bởi một người hùng mới chỉ 22 tuổi
Theo Reuters, mã độc WannaCry đã xâm nhập hơn 200.000 máy tính tại ít nhất 150 quốc gia, lây lan chủ yếu qua công cụ email. Mã độc này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy, bệnh viện, cửa hàng và trường học trên toàn thế giới.
Giám đốc điều hành Công ty an ninh mạng Network Box (trụ sở ở Hồng Kông), Michael Gazeley, cho biết: "Hầu hết các cuộc tấn công được thực hiện bằng e-mail, vì vậy có rất nhiều "mìn" đang chờ đợi mọi người trong hộp thư".
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tập đoàn năng lượng khổng lồ PetroChina xác nhận hệ thống thanh toán tại một số trạm xăng dầu của tập đoàn này đã bị nhiễm WannaCry. Một số cơ quan của chính phủ Trung Quốc, bao gồm văn phòng cảnh sát và cơ quan giao thông, cũng bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công.
Báo China Daily dẫn lời Công ty công nghệ địa phương Qihoo 360 nói rằng ít nhất 200.000 máy tính đã bị dính mã độc, khiến nhiều ngôi trường gặp khó khăn. Người phát ngôn Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông thông báo hệ thống máy tính của họ vẫn hoạt động bình thường nhưng tất cả đang nâng cao cảnh giác.
Một máy tính ở Đài Loan cảnh báo bị tấn công bằng mã độc. Ảnh: AP
Các công ty ở châu Á cảnh báo nhân viên mình không nhấp vào tệp đính kèm hoặc liên kết nhận được trong email. Một ngôi trường tại Hàn Quốc thậm chí còn cấm học sinh sử dụng internet. Nhà Xanh cho biết 9 vụ tấn công mạng đã được phát hiện nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Trong khi đó, chính quyền Đài Loan dường như đã thoát khỏi tình trạng lây nhiễm WannaCry trên diện rộng. Nguyên nhân là các cơ quan, đơn vị tại đây được yêu cầu cập nhật phần mềm để hạn chế mã độc.
Tại Úc, Bộ trưởng Các vấn đề an ninh mạng Dan Tehan cho hay chỉ có 3 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi WannaCry, còn tại New Zealand không có trường hợp nào được báo cáo.
Các chuyên gia an ninh mạng nhận thấy mức độ lây lan của mã độc tống tiền này đã chậm lại kể từ khi nó xuất hiện hôm 12-5. Đã có lo ngại những kẻ tạo ra WannaCry sẽ phát triển một biến thể mã độc mới. Tại Hồng Kông, Gazeley cho biết nhóm của ông đã tìm thấy một phiên bản WannaCry mới không tấn công bằng công cụ email.
Thay vào đó, nó xuất hiện trực tiếp trên các trang web phổ biến, nơi máy tính người dùng sẽ bị lây nhiễm nếu họ nhấp vào liên kết. Ông Gazeley nói thêm một số công ty châu Á đã bị tấn công bằng cách thức này.
Viện nghiên cứu Cyber Consequences Unit (Mỹ) ước tính thiệt hại do mã độc WannaCry gây ra sẽ ở mức hàng trăm triệu USD nhưng không vượt quá 1 tỉ USD.
Hầu hết các nạn nhân đều có thể nhanh chóng phục hồi hệ thống bị nhiễm bằng các bản sao lưu. Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng phần lớn máy tính nhiễm WannaCry đã lỗi thời và chưa được nâng cấp phần mềm.
Người lao động