MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Á nỗ lực phục hồi kinh tế

16-08-2022 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Trong khi Thái Lan nới lỏng phòng dịch để kích thích du lịch thì Nhật Bản và mới đây là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ

Nền kinh tế Thái Lan đạt tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong một năm qua - 2,5% trong quý II/2022 khi các biện pháp phòng dịch Covid-19 được nới lỏng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và du lịch. Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 lên 2,7%-3,2% từ mức 2,5%-3,5% trước đó với lý do phục hồi trong lĩnh vực du lịch chủ chốt, tăng trưởng tiêu dùng và xuất khẩu.

Vào năm ngoái, tăng trưởng của Thái Lan khoảng 1,5% - mức tăng chậm nhất ở Đông Nam Á. Theo dữ liệu từ Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia hôm 15-8, dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2022 của Thái Lan ở mức 2,5% - được đánh giá là mức tăng nhanh - nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo 3,1% của hãng tin Reuters.

Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á đang phục hồi ổn định song sự vắng mặt của du khách Trung Quốc, cùng với sự suy giảm của nền kinh tế thứ 2 thế giới tiếp tục là một sức ép. Thêm vào đó, Thái Lan bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giới chuyên gia lo ngại lạm phát sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư.

Châu Á nỗ lực phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Cảng Bangkok dọc theo sông Chao Phraya - Thái Lan hồi tháng 7-2022. Ảnh: REUTERS

Tương tự Thái Lan, nền kinh tế Nhật Bản cũng tăng trưởng trong quý II/2022 sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. GDP của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã tăng 2,2% trong quý vừa rồi, tăng nhanh so với mức tăng 0,1% trong quý I nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo trung bình là 2,5%.

Dữ liệu chính phủ Nhật Bản cho thấy sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng trong tiêu dùng tư nhân, lĩnh vực chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm bảo đảm nền kinh tế phục hồi bền vững, bất chấp lạm phát đã vượt mức mục tiêu 2% trong 3 tháng liên tiếp (kể từ tháng 6-2022).

Tỏ ra thận trọng, ông Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Itochu, nhận định: "Tiêu dùng và chi phí tài sản cố định sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng trong tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, đà tăng có thể không mạnh vì lạm phát gia tăng đang kéo giảm chi tiêu của các hộ gia đình. Trong khi nhu cầu trong nước có thể tiếp tục tăng nhưng xuất khẩu giảm có thể cản trở kinh tế Nhật Bản phục hồi".

Kịp thời điều chỉnh trước tình trạng kinh tế giảm tốc trong tháng 7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất cơ bản để chống đỡ tác động từ dịch Covid-19 và khủng hoảng bất động sản.

Theo hãng tin AP, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trung hạn một năm và bơm thêm 400 tỉ nhân dân tệ (khoảng 60 tỉ USD) vào thị trường. Động thái này được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc công bố số liệu bán lẻ, đầu tư và sản lượng công nghiệp hôm 15-8, tất cả đều không đạt dự báo.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho hay doanh số bán lẻ trong tháng 7 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn dự báo tăng trưởng 5% và giảm so với mức tăng trưởng 3,1% của tháng 6. GDP của Trung Quốc chỉ tăng 2,5% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% cho năm 2022 (đề ra vào tháng 3).

Phản ứng trước thông tin Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất, giá dầu thế giới đã giảm gần 5% trong phiên giao dịch hôm 15-8 (giờ địa phương) do lo ngại nhu cầu ở đất nước tỉ dân sụt giảm. Theo Reuters, giá dầu thô Brent có lúc giảm 4,61%, còn 93,63 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ có thời điểm giảm 4,47%, còn 87,97 USD/thùng.

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Trở lên trên