Châu Á tiếp tục gây “bão” thị trường cà phê thế giới
Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là những thị trường cà phê đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tiêu dùng cà phê thế giới tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, và châu Á giữ vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này. Nghiên cứu mới của Mintel cho thấy 3 trong số 5 thị trường bán lẻ cả phê tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Á. Indonesia hiện là thị trường tăng trưởng nhanh nhất với 19,6% mỗi năm trong 5 năm qua, trong khi tỷ lệ này của Ấn Độ cũng đạt 15,1% và Việt Nam 14,9%.
Tính chung toàn cầu, thị trường cà phê tiếp tục tăng trưởng vững, mức tăng về khối lượng bán lẻ ước đạt 2,7% trong năm 2016, sau khi đạt 2,5% trong năm 2015.
Trong khi các thị trường châu Á chiếm phần lớn trong số những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, các thị trường châu Âu, cũng như Australia nằm trong nhóm tăng thấp nhất. Nghiên cứu của Mintel cho thấy ngành cà phê của Phần Lan đã bão hoà và giảm mạnh trong giai đoạn 2011-2016, giảm 3,7% mỗi năm, tiếp đến là Australia (0%), Ba Lan (tăng 0,1%), Hà Lan (tăng 0,5%) và Bỉ (tăng 0,5%).
Sự bùng nổ ở thị trường cà phê châu Á được thúc đẩy bởi những sáng tạo và đổi mới về các sản phẩm cà phê.
Theo nghiên cứu của Mintel mang tên Global New Products Database (GNPD) (tạm dịch: Những số liệu về sản phẩm mới trên toàn cầu), từ 2011 đến 2016, số lượng các sản phẩm cà phê mới ra mắt ở châu Á đã tăng 95%. Nếu so sánh, số lượng sản phẩm làm từ trà – thức uống truyền thống của châu Á - mới ra mắt trong giai đoạn này tăng thấp hơn nhiều, chỉ là 55%.
Jonny Forsyth, chuyên gia ngành đồ uống của Mintel cho biết:
“Ngành cà phê toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt được dẫn dắt bởi các thị trường châu Á”
Châu Á vẫn còn tiềm năng tăng trưởng hơn nữa, bởi những người tiêu dùng có thói quen uống trà cũng đang có xu hướng dần chuyển sang các loại đồ uống cà phê.
Năm 2016, số lượng sản phẩm cà phê mới ra mắt tăng đột biến đã xoá đi những ranh giới mong manh giữa cà phê và trà. Văn hoá uống trà chính là rào cản lớn nhất đối với cà phê ở châu Á, và các sản phẩm kết hợp giữa trà và cà phê có thể được các nhà sản xuất sử dụng để thu hút người tiêu dùng”.
Sự đổi mới các sản phẩm cà phê
Xét trên phương diện khẩu vị của từng địa phương, châu Á Thái Bình Dương hiện đang dẫn đầu về sự ra mắt những sản phẩm cà phê lạnh uống liền. Năm 2016, 29% sản phẩm cà phê mới ra mắt ở khu vực này là các sản phẩm loại này, so với chỉ 10% ở châu Âu.
Ngoài ra, cà phê pha trộn chiếm phần lớn trong tổng cà phê bán lẻ. Năm 2016, “x trong 1 (ví dụ 2 trong 1, 3 trong 1, 4 trong 1) chiếm 16% tổng số sản phẩm cà phê mới ra mắt ở châu Á, tăng so với 12% năm 2014”.
Tuy nhiên, cà phê hoà tan vẫn thống trị thị trường cà phê bán lẻ ở châu Á. 43% số sản phẩm cà phê mới ra mắt ở châu Á – Thái Bình Dương là cà phê hoà tan với thành phần chủ yếu là sản phẩm cà phê hạt, so với chỉ 20% ở châu Âu và chỉ 6% ở Bắc Mỹ trong năm 2016.
Trên phạm vi toàn cầu, cà phê pod (cà phê đóng hộp) có mức tăng trưởng mạnh nhất. cà phê pods chiếm 26% tổng số sản phẩm mới trên toàn cầu trong năm 2016, tăng so với 11% năm 2011. Mặc dù mới xuất hiện tại châu Á – Thái Bình Dương nhưng các sản phẩm cà phê pod đã có dấu hiệu tăng trưởng mạnh ở khu vực này. Khoảng 13% sản phẩm mới xuất hiện ở châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2016 là cà phê pod, tăng so với 4% năm 2011.
“Vì người tiêu dùng ở những thị trường mới nổi đa dạng về khẩu vị cà phê, sự đổi mới giúp cho thị trường thức uống cà phê ở khu vực này tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, mặc dù thị trường cà phê thế giới tăng trưởng nhanh, song mức tăng tập trung chủ yếu vào phân khúc cà phê hoà tan, mà mạnh mẽ nhất tập trung ở khu vực châu Á”, ông Jonny cho biết.
Triển vọng thị hiếu cà phê
Trong tương lai, cà phê hạt (“làn sóng thứ 3”, dành cho những sành cà phê) chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Mặc dù tăng trưởng của thị trường này đang chậm lại, song số sản phẩm thuộc loại này trong năm 2016 vẫn đạt 15% trong tổng số sản phẩm mới ở ra mắt, tăng khá so với 11% năm 2013.
Theo Mintel, cà phê nguyên chất (sản phẩm của “làn sóng thứ 3”) sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng, và người tiêu dùng sẽ ngày càng quan tâm hơn tới các thông tin như cà phê có xuất xứ từ đâu, được rang xay như thế nào…. Tóm lại là về nguồn gốc sản xuất và phương pháp chế biến.
Hiện Mỹ vẫn đang dẫn đầu trong “làn sóng thứ 3”, chiếm 27% trong tổng số sản phẩm cà phê nguyên chất mới ra mắt trên toàn cầu. Trong khi 16% người dân Mỹ “sành” cà phê thì người tiêu dùng trên toàn châu Á cũng đang dần thể hiện tình yêu ngày càng tăng đối với cà phê “chất”.
Nghiên cứu của Mintel cho thấy 67% người tiêu dùng Indonesia thích cà phê chú trọng tới chất lượng cà phê, 22% cho biết họ hiểu biết về cà phê, và 53% cho biết họ muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về cà phê.
“Hầu hết các thị trường mới nổi còn ở “làn sóng thứ nhất” song một số đã bắt đầu “làn sóng thứ 2”, bởi số lượng các cửa hàng ăn uống và các quán cà phê tăng rất nhanh, nhất là những cửa hàng ăn nhanh kiểu phương Tây và các quán cà phê.
Thị trường tiêu dùng cà phê ở nhiều nước châu Á đang phát triển từ “làn sóng thứ nhất” thành “làn sóng thứ 2”, trong khi đó một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Indonesia đang tiến tới “làn sóng thứ 3”.
Ví dụ, một số quán cà phê đặc biệt ở Indonesia đã tập trung giới thiệu các sản phẩm nguyên chất làm từ hạt cà phê Inidonesia, quảng cáo chất lượng của cà phê nội địa. Cũng ngày càng nhiều quán cà phê cung cấp cho khách hàng những loại cà phê arabica nhập khẩu có nguồn gốc từ khắp thế giới, khẳng định đẳng cấp “làn sóng thứ “ ở nước này.