Châu Âu cấm than Nga sẽ ảnh hưởng đến giá điện trên toàn cầu
Giá than Châu Âu và châu Á tăng lên mức cao kỷ lục trong khi giá than Mỹ lần đầu tiên trong vòng 14 năm vượt mức 100 USD/tấn. Thị trường than đá toàn cầu đang phập phồng trong nỗi lo lệnh cấm vận của EU đối với than xuất khẩu của Nga sẽ làm gián đoạn nguồn cung than trên toàn cầu.
- 07-04-2022Những khách hàng Châu Á nào mua nhiều dầu, khí và than của Nga?
- 16-03-2022Giá than tại Trung Quốc tăng hơn 6% trong một ngày
- 16-03-2022Xuất khẩu than, dầu thô và khí gas của Nga bắt đầu sụt giảm
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/4 đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Nga trị giá 4 tỷ euro (4,3 tỷ USD) mỗi năm trong gói trừng phạt lần thứ năm đối với nước này. Dầu và khí đốt của Nga có thể là đối tượng trừng phạt tiếp theo. Các đề xuất khác nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Nga trong lĩnh vực công nghệ và chế tạo, với trị giá 10 tỷ euro.
Các quyết định của EU không chỉ sẽ làm tăng hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình Châu Âu. Đề xuất cấm vận than do EU sẽ buộc các dòng chảy than bán buôn trên toàn cầu phải chuyển hướng, làm gia tăng giá than, khí đốt, khiến chi phí phát điện tăng theo, và cuối cùng đẩy các hóa đơn điện và khí đốt sang cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, không chỉ ở châu Âu mà chắc chắn sẽ có tác động đáng kể đối với các nước nhập khẩu than khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Giá than kỳ hạn giao sau một tháng trên thị trường Rotterdam ở Tây Bắc Âu hiện đạt mức 266 euro/tấn so với mức đỉnh cao lịch sử trước đó là 174 euro vào tháng 6 năm 2008 (giá đã điều chỉnh theo lạm phát).
Giá than tại Hà Lan.
Sản lượng than của châu Âu đã giảm nhanh hơn mức tiêu thụ trong những năm gần đây - khiến khu vực này ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Nga, để bù đắp sự thiếu hụt.
Châu Âu hiện phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng hơn 40% lượng than tiêu thụ, tăng từ mức dưới 30% vào đầu thế kỷ này, theo dữ liệu từ BP ("Đánh giá thống kê về năng lượng thế giới", năm 2021).
Nga cung cấp khoảng 50% lượng than nhập khẩu trong cả năm 2019 và 2020, chiếm hơn 20% tổng lượng tiêu thụ than của khu vực.
Xuất khẩu than từ Nga sang châu Âu là dòng chảy song phương lớn thứ ba thế giới vào năm 2019 - trước đại dịch, và lớn thứ năm vào năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát ở đỉnh điểm.
Xuất khẩu của Nga sang châu Âu chiếm 6-7% thương mại than liên khu vực trong cả hai năm. Nếu tính cả xuất khẩu của Nga sang Nhật Bản và Hàn Quốc, các đồng minh chính của Mỹ ở châu Á, thì tỷ trọng sẽ tăng lên 10-11%.
Giả sử EU tiến hành lệnh cấm vận đối với than từ Nga, thì khối này sẽ phải tăng nhập khẩu từ Colombia, Nam Phi, Indonesia và Australia một cách đáng kể.
Điều đó sẽ buộc các nhà nhập khẩu than lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, phải chuyển sang nguồn cung cấp của Nga.
Trên thực tế, tổng sản lượng toàn cầu có khả năng giảm, do Nga và có lẽ cả các nhà xuất khẩu khác đang chật vật để chuyển đổi điểm đến của các chuyến hàng bởi những hạn chế về hậu cần gây ra bởi đại dịch, khiến giá than tăng cao ảnh hưởng đến tất cả người tiêu dùng.
Nguồn cung than toàn cầu đã bị thắt chặt trong năm qua do tình trạng thiếu hụt ở Trung Quốc và Ấn Độ ảnh hưởng đến sản xuất điện, do đó việc mất sản lượng của Nga hoặc các nhà sản xuất khác sẽ không dễ dàng có giải pháp nếu không tăng giá.
Và kể cả khi tăng giá thì việc định tuyến lại dòng chảy than theo cách này sẽ khiến tất cả các quốc gia đều phải nhập khẩu từ các nguồn ở xa hơn nhiều so với trước đây, làm tăng đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển – yếu tố rất quan trọng đối với mặt hàng này bởi than là một mặt hàng cồng kềnh nên chi phí vận chuyển đã chiếm một tỷ trọng lớn trong giá cả khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Mặt khác, hầu hết than được sử dụng để sản xuất điện, lĩnh vực mà nó cạnh tranh chủ yếu với khí đốt. Trong khi đó, giá khí đốt ở châu Âu và châu Á hiện đang giao dịch ở mức rất cao do các nhà giao dịch dự đoán nguồn cung qua đường ống dẫn dầu của Nga sang châu Âu có thể bị gián đoạn. Giá khí đốt cao ngất ngưởng hiện nay đang báo hiệu sự cần thiết phải tăng tối đa sản lượng nhiệt điện than càng nhiều càng tốt trong mùa hè này để dành khí đốt tích trữ trước khi bước vào mùa đông năm sau.
Như vậy, than đá và khí đốt đang tạo ra một vòng luẩn quẩn, phụ thuộc vào nhau khi mà cả hai đều trong tình trạng thiếu thốn. Giá khí đốt và giá than cao đang làm cho nhau tăng giá thêm nữa. Giá than cao kỷ lục chắc chắn sẽ khiến giá khí đốt cũng giữ ở mức cao, kéo theo giá điện cũng không thể rời khỏi mức cao kỷ lục.
Giống như dầu thô, than đá là mặt hàng có thể thay thế một phần - than từ các lĩnh vực và quốc gia khác nhau cũng có sự khác nhau đáng kể về hàm lượng năng lượng, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, tro và các tạp chất khác.
Hầu hết các máy phát điện được thiết kế để hoạt động hiệu quả với các loại than cụ thể. Việc chuyển sang các sản phẩm thay thế không hoàn hảo sẽ làm tăng chi phí nhiên liệu cho tất cả các máy phát điện, làm tăng giá điện.
Tham khảo: Reuters