Châu Âu có thể “ốm nặng” vì Trung Quốc “hắt hơi”?
Chiến tranh thương mại khiến kinh tế Trung Quốc “hắt hơi”, và điều này có thể dẫn đến một trận “ốm nặng” đối với nhiều doanh nghiệp lớn của châu Âu...
- 30-11-2018Trung Quốc chịu thua Mỹ trong cuộc chiến thịt heo
- 30-11-2018China Daily: Mỹ và Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận thương mại tại Argentina
- 28-11-2018Sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Trung Quốc: Từ quốc gia nghèo đói trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là ‘mối đe dọa’ số 1 với nước Mỹ
Sóng gió có thể nổi lên trên thị trường chứng khoán châu Âu nếu cuộc gặp vào ngày thứ Bảy tuần này ở Argentina giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt được một thỏa thuận để xuống thang cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo hãng tin Reuters, xung đột thương mại với Mỹ đã khiến nền kinh tế Trung Quốc "hắt hơi", và điều này có thể dẫn đến một trận "ốm nặng" đối với nhiều doanh nghiệp lớn của châu Âu do các công ty này có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Trở ngại đối với các công ty châu Âu được dự báo vẫn sẽ tiếp diễn nếu cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập kết thúc trong bầu không khí thân mật. Còn nếu quan hệ giữa hai siêu cường xấu đi thêm, thì ảnh hưởng đến các công ty hàng đầu châu Âu sẽ là rất sâu rộng.
Những hãng xe cao cấp của Đức như BMW và các hãng đồ hiệu của Pháp như Hermes đều đã bị đưa vào danh sách "vạ lây" chính sách thương mại của chính quyền ông Trump. Giá cổ phiếu của các công ty này đồng loạt giảm mạnh trong năm nay.
Trong đó, cổ phiếu BMW giảm gần 16% so với thời điểm đầu năm, còn cổ phiếu Hermes đã mất hơn 20% kể từ mức đỉnh của năm thiết lập hồi tháng 3.
Các công ty thuộc chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức có tổng doanh thu hàng năm từ thị trường Trung Quốc lên tới gần 80 tỷ USD. Bởi vậy chỉ số này được xem như một "hàn thử biểu" của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Năm nay, DAX đã giảm 12,5%.
Trong năm 2018, doanh thu từ Trung Quốc sẽ chiếm 18% tổng doanh thu của BMW, theo dự báo của Morgan Stanley. Tỷ lệ này đối với Volkswagen là 14%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018. Cùng với đó, nhiều số liệu thống kê từ doanh số thị trường xe, các xu hướng thương mại điện tử, cho tới dữ liệu ngành sản xuất đều cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang đuối sức phần nào.
Đối mặt với mức nợ đã cao của các doanh nghiệp và hộ gia đình, Trung Quốc được cho là không có nhiều dư địa để kích thích tưng trưởng bằng biện pháp tài khóa nếu như Bắc Kinh không muốn giảm giá đồng Nhân dân tệ.
Ngành đồ hiệu châu Âu có mối lo không hề nhỏ về Trung Quốc, bởi thị trường Trung Quốc đóng góp 24% doanh thu các hãng đồ hiệu châu Âu như Kering - công ty Pháp sở hữu thương hiệu Gucci, hay công ty nữ trang cao ấp Richemont của Thụy Sỹ.
"Một đợt giảm tốc tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc có thẻ khiến ngành đồ hiệu châu Âu khốn đốn trong năm 2019", một báo cáo của công ty Jefferies nhận định.
Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện nay về kinh tế Trung Quốc đang nằm ở các công ty cung cấp nguyên vật liệu cơ bản của châu Âu. Những tập đoàn như Glencore, Rio Tinto, ArcelorMittal, BHP, Kaz Minerals... đều có doanh thu từ thị trường Trung Quốc chiếm từ 40% đến gần 80% tổng doanh thu.
Bởi vậy, cuộc gặp vào cuối tuần này giữa ông Trump và ông Tập sẽ là chìa khóa cho diễn biến của chứng khoán châu Âu trong thời gian tới, sau nhiều tháng thị trường cổ phiếu của châu lục này "tơi tả" vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, giới đầu tư chứng khoán châu Âu lường trước khả năng cuộc chiến thương mại sẽ không sớm kết thúc.
"Sẽ khó có chuyện Trung Quốc có những nhượng bộ đủ lớn để đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Tình hình vì thế mà có thể sẽ còn trở nên xấu hơn", chuyên gia kinh tế trưởng Melanie Baker của Royal London nhận xét.
VnEconomy