Châu Âu đau đầu với biến thể Delta và đã quá muộn để ngăn chặn một đợt bùng phát mới?
Biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, đang gieo rắc nỗi kinh hoàng ở châu Âu khi có thể tạo ra một đợt bùng phát dịch bệnh mới.
- 30-06-2021Triều Tiên nói về sự cố nghiêm trọng trong phòng chống dịch Covid-19
- 30-06-2021Malaysia bơm 36 tỷ USD “cấp cứu” nền kinh tế lao đao vì Covid-19
- 29-06-2021Nỗi buồn châu Á: Xuất hiện ổ dịch Covid-19 đầu tiên nhưng có thể là nơi cuối cùng hết dịch vì lý do này
- 29-06-2021405 nhân viên y tế qua đời vì COVID-19, hội bác sĩ Indonesia kêu gọi phong tỏa toàn quốc
- 28-06-2021Giới chức Mỹ "năn nỉ" người dân đi tiêm mũi vắc xin Covid-19 thứ 2
Thực trạng đáng báo động
Vương quốc Anh và nhiều quốc gia châu Âu đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 chủng Delta tăng mạnh bất chấp việc đã tiêm vắc xin cho phần đông dân số. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chủng virus này lây lan mạnh mẽ ở châu Âu và đe dọa tạo ra một đợt bùng phát dịch bệnh mới.
Trải qua những đợt bùng phát dịch thảm khốc trong quá khứ, châu Âu có lý do để lo lắng về biến thể Delta, được biết tới với khả năng lây lan mạnh hơn 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh. Biến thể này cũng khiến nhiều người phải nhập viện hơn và có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin.
Một số quốc gia châu Âu đã ban hành lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với du khách tới từ Vương quốc Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng chủng virus này hoành hành ở châu Âu. Vấn đề chỉ là thời gian.
Số ca mắc Covid-19 theo trung bình 7 ngày tăng trở lại ở châu Âu, đặc biệt là Vương quốc Anh.
Hôm 29/6, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết biến để Delta chiếm khoảng 20% số trường hợp mắc Covid-19 ở Pháp, tăng mạnh so với ước tính hồi tuần trước chỉ là 9-10%. Viện Robert Koch của Đức cũng cho biết các biến thể loại này chiếm 36% tổng số ca mắc từ ngày 15-20/6, tăng 15% so với một tuần trước đó. Ông Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, khẳng định 50% số ca mắc Covid-19 ở nước này là các biến thể.
Trong khi đó, Viện Y tế Quốc gia Italy cho biết số ca mắc Covid-19 do các chủng Delta và Kappa (một biến thể đáng quan ngại khác) cũng đang tăng lên. Chúng gây ra bệnh cho khoảng 17% tổng số ca mắc Covid-19 hiện tại ở nước này. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng ghi nhận số ca mắc biến thể Delta gia tăng. Ba Lan, Nga, Thụy Sỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trong tình trạng tương tự.
Chưa hết, biến thể Delta Plus, một dạng đột biến của biến thể Delta, cũng đã được phát hiện ở châu Âu.
Quá ít, quá muộn?
Tom Wenseleers, một chuyên gia về tiến hóa của vi sinh vật, nói rằng việc các nước châu Âu mở cửa nền kinh tế và nới lỏng các biện pháp kiểm tra nhập cảnh có thể khiến đại dịch trở nên khó kiểm soát hơn. Ông Wenseleers cũng cảnh báo rằng số ca mắc Covid-19 chủng Delta ở châu Âu có thể cao hơn nhiều so với các con số hiện tại.
"Theo ước tính của tôi, ở Bồ Đào Nha, 90% số ca mắc Covid-19 hiện tại là chủng Delta với những tâm dịch như Lisbon và các vùng lân cận. Nhiều quốc gia khác, tỷ lệ mắc biến thể này cũng chiếm hơn 50% số ca nhiễm mới", ông Wenseleers nhận định.
Đẩy nhanh tiêm phòng là chìa khóa giúp châu Âu chống lại biến thể Delta.
Hiện tại, các ca mắc Covid-19 biến thể Delta chiếm 95% số ca mắc mới ở Vương quốc Anh. Nếu điều đó là chính xác, không chỉ châu Âu mà cả Mỹ có thể cũng đang bị đe dọa bởi biến thể này. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu ước tính, đến cuối tháng 8, biến thể Delta sẽ chiếm 90% tổng số các ca nhiễm hiện hữu ở châu Âu.
Tuy có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin nhưng nếu nỗ lực tiêm phòng ở châu Âu đủ nhanh, họ có thể ngăn chặn được dịch bệnh lây lan. Nghiên cứu của Anh cho thấy cả hai loại vắc xin do AstraZeneca-Oxford và Pfizer-BioNTech phát triển đều có khả năng ngăn chặn biến thể Delta lây lan. Tuy nhiên, hiệu quả phòng ngừa giảm sút nếu chỉ tiêm một mũi.
Chính vì vậy, châu Âu đang chạy đua để tiêm chủng đầy đủ cho hàng triệu người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, vốn là đối tượng cuối cùng được tiếp cận vắc xin. Dữ liệu từ Anh cũng cho thấy những người trẻ chưa tiêm vắc xin và người trên 50 tuổi nhưng chỉ tiêm một mũi là những người có nguy cơ nhiễm biến thể Delta cao nhất.
Hạn chế tới châu Âu
Chuyên gia Tom Wenseleers cho rằng tăng tốc độ tiêm chủng tới tối đa đồng thời yêu cầu những người thuộc nhóm nguy cơ cao đề cao cảnh giác là những gì EU có thể làm để giảm lây nhiễm. Hạn chế đi lại giữa các nước cũng là biện pháp hữu ích.
Tuy nhiên, châu Âu đang bước vào mùa du lịch và quyết định hạn chế du khách từ các nước mà chủng Delta đang hoành hành có thể là bài toán khó với các nước như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha, vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch.
Hàng loạt biến thể Covid-19 đang đe dọa thế giới.
Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa thể dự đoán sức tàn phá của chủng Delta đối với kinh tế châu Âu cũng như tác động của nó đối với tiến trình tái mở cửa của khu vực. Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg, cho biết: "Làn sóng Delta đang tràn đến. Theo sau Vương quốc Anh với độ trễ khoảng 7 tuần, các ca nhiễm Covid-19 chủng Delta đang gia tăng ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu khi khu vực này được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch".
Tuy nhiên, nhờ việc tiêm phòng rộng rãi, các chuyên gia cũng hy vọng làn sóng mới không đánh gục được các nền kinh tế châu Âu như những gì đã xảy ra trong các đợt bùng phát trước đó. Dẫu vậy, những rủi ro cũng cần được xem xét một cách cẩn trọng để không rơi vào tình thế bị động trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.