Châu Âu lục đục vì giá trần khí đốt
Cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels hôm 13-12 đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc áp giá trần khí đốt trên toàn khối sau nhiều tháng tranh cãi.
- 14-12-2022Hậu áp giá trần: Vừa bán dầu "đại hạ giá", Nga đưa thêm đề nghị hấp dẫn níu chân những vị khách tiềm năng cuối cùng
- 13-12-2022Kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện như xăng, dầu
- 11-12-2022Có tới 20 triệu thùng dầu đang lênh đênh ngoài biển, EU đổ lỗi cho quốc gia này là nguyên nhân gây ra sự tắc nghẽn trên
Ủy ban châu Âu hồi tháng trước đề xuất giá trần khí đốt 275 euro cho mỗi megawatt giờ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt khiến giá năng lượng tăng vọt.
Tuy nhiên, theo Reuters, các quốc gia EU vẫn chia rẽ về chi tiết của biện pháp áp trần giá khí đốt, khiến cuộc họp hôm 13-12 không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng. Các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến nhóm họp lại vào ngày 19-12 tới.
Nga giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu để đáp trả lệnh trừng phạt của EU khiến giá năng lượng tăng vọt. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết sau cuộc họp kéo dài hàng giờ: "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ nhưng chưa đạt thỏa thuận cuối cùng. Không phải tất cả các vấn đề đều có thể được giải quyết hôm nay".
Bộ trưởng Công nghiệp Czech Jozef Sikela, người chủ trì cuộc họp, cho biết ông có "cảm giác tốt" rằng các nước có thể đạt đồng thuận vào tuần tới về mức giá trần, vốn là vấn đề duy nhất chưa được giải quyết.
Đức, Áo và Hà Lan cảnh báo về việc áp trần giá khí đốt do lo ngại có thể khiến các lô hàng khí đốt cần thiết chuyển hướng khỏi châu Âu, gây gián đoạn hoạt động của các thị trường năng lượng. Các quốc gia khác gồm Hy Lạp, Bỉ, Ý và Ba Lan yêu cầu mức giá trần mà họ cho là sẽ bảo vệ nền kinh tế trước giá năng lượng tăng cao.
Hồi tuần trước, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cảnh báo mức giá trần được đề xuất của EU có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính.
EU đã đồng ý các biện pháp năng lượng khẩn cấp trong năm nay, bao gồm các yêu cầu dự trữ khí đốt. Nhưng các chính sách khác đang bị cản trở bởi sự rạn nứt về giá trần.
Trong diễn biến khác, các quan chức Mỹ cho biết Washington đang hoàn thiện kế hoạch gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine. Quyết định có thể được công bố sớm nhất là vào ngày 15-12.
Theo đài RT, kế hoạch đang ở giai đoạn cuối vẫn đang chờ sự chấp thuận chính thức từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Joe Biden.
Patriot được xem là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ và thường bị thiếu nguồn cung khi các đồng minh trên thế giới đều muốn sở hữu. Hiện chưa rõ Mỹ sẽ gửi bao nhiêu hệ thống Patriot tới Ukraine.
Một quan chức Mỹ cho biết lực lượng Ukraine có thể sẽ được huấn luyện ở Đức trước khi tên lửa Patriot được gửi đến Ukraine. Quá trình đào tạo có thể kéo dài vài tháng.
Mỹ đã gửi các hệ thống phòng không tầm ngắn NASAMS tới Ukraine nhưng Kiev đã đặc biệt yêu cầu các hệ thống Patriot kể từ tháng 10. Trong khi đó, Nga đã lên tiếng phản đối việc triển khai Patriot và bất kỳ nhân viên hỗ trợ nào của NATO tới Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng chúng sẽ trở thành "mục tiêu hợp pháp" của các lực lượng Nga.
NLĐ