MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu: Nhiều doanh nghiệp thời trang 'đứng bên bờ vực' vì khủng hoảng năng lượng

19-10-2022 - 15:34 PM | Tài chính quốc tế

Châu Âu: Nhiều doanh nghiệp thời trang 'đứng bên bờ vực' vì khủng hoảng năng lượng

Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến nhiều nhà máy thép và nhôm trên khắp châu Âu phải đóng cửa giờ đang lan sang cả ngành công nghiệp thời trang của châu lục này.

Sau khi Nga quyết định giảm nguồn cung khí đốt sang châu Âu, giá khí đốt và giá điện tại đây đã tăng vọt. Điều này khiến hàng nghìn nhà máy nhỏ và xưởng may gia công cho những thương hiệu thời trang đình đám như Gucci và H&M bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dữ liệu từ Hiệp hội dệt may châu Âu Euratex, tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên tổng chi phí sản xuất của nhiều nhà máy dệt may đã tăng từ mức chỉ 5% lên khoảng 25%, khiến lợi nhuận suy giảm.

Theo một số công ty dệt may, giá năng lượng tăng cao tới mức các bên cung cấp năng lượng (vì lo sợ không được thanh toán tiền) đã yêu cầu họ phải được ngân hàng bảo lãnh hoặc thanh toán trước bằng tiền mặt. Tại Italy, thị trường lớn nhất ở châu Âu, nhiều nhà sản xuất cho biết giờ đây họ không thể ký trước các hợp đồng mua năng lượng - điều từng giúp bảo vệ khỏi những biến động giá ngắn hạn.

Italy và một số quốc gia Nam Âu khác đã yêu cầu Liên minh châu Âu áp mức trần đối với giá khí đốt bán buôn áp dụng với tất cả các nước trong khối. Tuy nhiên, Đức và Hà Lan phản đối biện pháp này.

Hiện tại, toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành thời trang châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề, từ các nhà máy dệt sử dụng rất nhiều điện cho đến các nhà máy nhuộm sử dụng các bồn chứa nước và máy sấy công nghiệp chạy bằng khí đốt.

Châu Âu: Nhiều doanh nghiệp thời trang đứng bên bờ vực vì khủng hoảng năng lượng - Ảnh 1.

Một xưởng nhuộm ở Italy. Ảnh: Wall Street Journal

Rất khó để các công ty trong ngành thời trang đơn giản là chuyển mức chi phí cao sang người tiêu dùng. Nhiều công ty phải giao hàng tại mức giá đã được nhất trí từ nhiều tháng trước. Và giá tăng sẽ khiến nhiều công ty cũng như nhà bán lẻ buộc phải chuyển hoạt dộng kinh doanh ra bên ngoài châu Âu, nơi có giá năng lượng thấp hơn. Trong khi đó ngành dệt may tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm trên khắp châu Âu.

Alberto Paccanelli, người đang điều hành 1 nhà máy dệt ở miền Bắc nước Ý, đã bị sốc khi hóa đơn khí đốt tháng 7 tăng vọt lên 660.000 euro, từ mức 90.000 euro ở thời điểm 1 năm trước. "Điều đang diễn ra là cả ngành thời trang châu Âu đang đứng bên bờ vực", ông nói.

Một số thương hiệu đang chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có chi phí sản xuất thấp hơn. Nga hiện vẫn đang cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ. Enrico Gatti, nhà máy dệt áo len chuyên cung cấp cho Zara, H&M và nhiều thương hiệu khác, cho biết năm nay số đơn đặt hàng đã giảm 50%. Inditex SA, tập đoàn sở hữu Zara, khẳng định mối quan hệ linh hoạt với các đối tác sản xuất cho phép họ dịch chuyển nếu cần.

Chính những rắc rối của ngành thời trang châu Âu đang chia tách châu Âu thành 2 phần. 1 bên là các quốc gia đang hành động để bảo vệ các ngành công nghiệp quốc gia trước bão giá năng lượng. 1 bên là những nước không có đủ tiềm lực tài chính để làm vậy.

Mới đây, Đức đã thông báo gói hỗ trợ năng lượng trị giá gần 300 tỷ euro, trong đó có các biện pháp áp giá trần đối với điện và khí đốt. Pháp cũng có kế hoạch chi 100 tỷ euro. Ngược lại, Italy không có đủ nguồn lực để làm vậy. Nước này đang phải đối mặt với khoản nợ quốc gia lên tới 150% GDP và Thủ tướng sắp nhậm chức Giorgia Meloni đã hứa sẽ thắt chặt chi tiêu công.

Tính đến cuối tháng 9, Italy đã phân bổ 59 tỷ euro (tương đương 3,3% GDP) cho các biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp và hộ gia đình trước khủng hoảng năng lượng. Đức chi 100 tỷ euro (2,8% GDP), Pháp chi 72 tỷ euro (tức 2,9% GDP).

Theo ông Jean-François Pierre Gribomont, Chủ tịch công ty dệt Utexbel, sự khác biệt đang đe dọa thị trường chung châu Âu. Nhà máy dệt ở Bỉ của ông hiện phải trả 193 euro cho mỗi số điện, tăng gấp đôi so với 1 năm trước. Tuy nhiên tại Pháp vì có chính sách hỗ trợ nên chỉ cần phải trả 123 euro, tăng khoảng 50%. "Nếu mỗi nước đều được tự do làm bất cứ điều gì họ muốn, chúng ta không còn là liên minh nữa", ông nói.

Đức vẫn là quốc gia giàu có nhất, do đó các nhà máy dệt may ở Đức chắc chắn sẽ hưởng lợi so với các đối thủ ở những nơi khác. Tuy nhiên họ vẫn sẽ phải giành giật ngân sách với các ngành công nghiệp khác.

Và tất cả đều lo ngại tình huống xấu nhất sẽ xảy ra khi mùa đông ập đến. Rõ ràng dệt may là mặt hàng kém thiết yếu hơn so với những ngành như kim loại nặng - vốn tiêu tốn rất nhiều năng lượng. "Nếu một ngày bạn thiếu những chiếc áo mới, đó cũng chẳng phải là tận thế?", Dirik Vantyghem, giám đốc Euratex nói.

Nhờ nguồn cung khí đốt giá rẻ dồi dào từ Nga mà các nhà máy trên khắp châu Âu đã đứng vững trong nhiều thập kỷ bất chấp sự cạnh tranh từ bên ngoài ngày càng khốc liệt. Tỷ trọng của châu Âu trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn cầu đã suy giảm trong 20 năm gần đây, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc tăng gấp 4 lần, lên hơn 40% vào năm 2020.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thống trị ngành thời trang châu Âu nhờ mối quan hệ chặt chẽ với các nhà thiết kế và tính chuyên môn cao đã được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên công nghệ của các nhà máy châu Âu tiêu tốn rất nhiều năng lượng, biến những tấm sợi thô nhập khẩu từ New Zealand và Australia thành sợi mịn. Sau đó nguyên liệu được nhuộm trong các bể chứa lớn chạy bằng khí đốt. Họ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với nhân công lành nghề và thu được lợi nhuận lớn nhờ mức giá cao.

Các công ty thường tập trung ở những nơi như Lake Como của Italy (nơi có nhiều nhà máy lụa) hay thị trấn Tuscan (nơi có nhiều nhà máy dệt len). Bằng cách hợp tác với nhau, những công ty nhỏ vẫn tận dụng được lợi thế về quy mô và có được mức giá cạnh tranh so với các đối thủ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Châu Âu: Nhiều doanh nghiệp thời trang đứng bên bờ vực vì khủng hoảng năng lượng - Ảnh 2.

Thị trấn Tuscan là nơi tập trung nhiều nhà máy dệt. Ảnh: Wall Street Journal.

Khi giá năng lượng bắt đầu tăng 1 năm trước, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã khó có thể chống chọi. Giá khí đốt trên toàn châu Âu tăng gần 10 lần trong 1 năm, lập đỉnh vào cuối tháng 8 trong lúc các công ty dệt may xoay xở để đáp ứng hoặc trong vài trường hợp là từ chối những đơn hàng đã được định giá từ trước đó rất lâu.

Hồi tháng 9, Guido Nesti, người sở hữu 1 nhà máy nhuộm có 30 nhân công ở Prato, đã thảo luận với bên cung cấp khí đốt với hi vọng có thể gia hạn hợp đồng mua khí đốt. Giống như các công ty khác, ông đã quen với việc đàm phán giá vào mùa hè, khi nhu cầu nhiên liệu xuống thấp và các kho chứa trên khắp châu lục tràn đầy.

Tuy nhiên, lần này người bán yêu cầu Nesti phải thanh toán trước ít nhất 2 tháng bằng tiền mặt. Người đàn ông 65 tuổi cảm thấy choáng vàng vì với mức giá cao gấp 10 lần so với 1 năm trước, đó là khoản tiền rất lớn. Trước đây khí đốt chỉ là một trong số hàng nghìn chi phí phải trả mà Nesti không cần quá để tâm, nhưng giờ thì nó đã trở thành "một con quái vật", ông nói.

Nguồn: Wall Street Journal

Thu Hương

PNVN

Trở lên trên