MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu tạm yên tâm thoát khủng hoảng năng lượng, các nước nghèo lại bị vạ lây

10-11-2022 - 07:33 AM | Thị trường

Dự trữ khí đốt của châu Âu ở mức cao và gần như đã được lấp đầy khi họ đã mua đủ dầu và khí đốt cho mùa đông tới. Tuy nhiên giờ đây các nước nghèo lại đang chật vật hơn bao giờ hết khi phải tranh giành năng lượng với châu Âu.

Châu Âu tạm yên tâm thoát khủng hoảng năng lượng, các nước nghèo lại bị vạ lây - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cuộc đua gom khí đốt

Mặc dù hóa đơn năng lượng sẽ còn duy trì ở mức cao nhưng châu Âu đã có thể yên tâm phần nào khi họ đã mua đủ dầu và khí đốt để vượt qua mùa đông này. Cơn bão năng lượng giờ đây đang ập đến với các quốc gia nghèo trên thế giới khi phải hứng chịu những khoản chi phí năng lượng với giá cao ngất do bị vạ lây. Việc mua khí đốt giờ đây trở nên khó khăn hơn với họ bởi châu Âu tăng cường gom khí đốt và trả với giá cao.

Điều này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như nhà máy ngừng hoạt động, tình trạng thiếu điện thường xuyên xảy ra và kéo dài, thậm chí là những bất ổn trong xã hội và có thể kéo dài sang cả thập kỉ tới.

Ông Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng tại Credit Suisse cho biết: “Những lo ngại về an ninh năng lượng ở châu Âu đã dẫn đến tình trạng “đói” năng lượng ở những quốc gia nghèo hơn. Châu Âu đã cố gắng hút cạn kiệt khí đốt từ các quốc gia bằng bất cứ giá nào.”

Sau một mùa hè với tình trạng mất điện kéo dài, thời tiết trở nên mát mẻ hơn và những trận mưa lớn đã làm giảm bớt tức thời cuộc khủng hoảng tại các quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và Philippines. Tuy nhiên giờ đây khi nhiệt độ ngày càng lạnh hơn, thời tiết tại các khu vực Nam Á dần lạnh hơn và cơ hội đảm bảo nguồn cung lâu dài giờ đây trở nên rất mong manh. Đồng USD mạnh lên đang làm phức tạp thêm tình hình và buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa việc mua nhiên liệu và thanh toán nợ. Các nhà cung cấp nhiên liệu đang ngày càng cảnh giác với việc bán năng lượng cho các quốc gia có thể sắp vỡ nợ.

Châu Âu tạm yên tâm thoát khủng hoảng năng lượng, các nước nghèo lại bị vạ lây - Ảnh 2.

Tình trạng thiếu điện ở Pakistan

Bị cắt khỏi nguồn cung khí đốt từ Nga, các nước châu Âu đã chuyển sang thị trường giao ngay. Với việc giá tăng cao, một số nhà cung cấp năng lượng cho Nam Á đã hủy bỏ việc giao hàng theo lịch trình dài để có lợi nhuận tốt hơn ở thị trường giao ngay cho châu Âu, các thương nhân cho biết.

Ông Raghav Mathur, một nhà phân tích tại Wood Mackenzie cho biết: “Nhà cung cấp sẽ không đảm bảo việc giao hàng của họ tới những thị trường có khả năng chi trả thấp. Thay vào đó họ có thể kiếm nhiều tiền hơn trên thị trường giao ngay. Động lực đó sẽ còn duy trì trong nhiều năm tới.”

Châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cảng nổi để dễ dàng vận chuyển nhiên liệu trong tương lai. Theo Bloomberg, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu dự kiến ​​sẽ tăng gần 60% cho đến năm 2026.

Lần đầu tiên, các quốc gia mới nổi như Pakistan, Bangladesh và Thái Lan buộc phải cạnh tranh về giá với Đức và các nền kinh tế khác gấp nhiều lần quy mô của họ.

Châu Âu tạm yên tâm thoát khủng hoảng năng lượng, các nước nghèo lại bị vạ lây - Ảnh 3.

Pakistan gặp khó trong việc mua các lô hàng LNG trong năm nay. Đồ họa: Bloomberg

Thông thường, khi việc thiếu hụt diễn ra trong ngắn hạn, các quốc gia có thể kí hợp đồng cung cấp dài hạn và trả một số tiền nhất định để đảm bảo về việc giao hàng. Điều này giờ đã không còn tác dụng. Ngay cả những hồ sơ dự thầu cho việc giao hàng bắt đầu từ nhiều năm tới đây cũng đều bị từ chối.

Ấn Độ đã thất bại trong việc cố gắng chốt các lô hàng bắt đầu vận chuyển vào năm 2025. Bangladesh và Thái Lan cũng cho biết họ không thể có được những hợp đồng để nhận được hàng trước năm 2026. Pakishtan cũng đã không thể hoàn tất hợp đồng kéo dài 6 năm để có thể bắt đầu vào năm sau và những nỗ lực mua hàng ngắn hạn của họ cũng không thành công.

Ông Kulit Sombatsiri, thư ký thường trực của Bộ năng lượng Thái Lan, cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc vào cuối năm nay, tuy nhiên lại không phải như vậy. Nếu giá LNG tiếp tục tăng, Chính phủ sẽ phải xem xét các biện pháp như đóng cửa các cửa hàng tiện lợi và các cơ sở kinh doanh.”

Các nhà cung cấp khí đốt lo ngại rằng các quốc gia này sẽ không thể trả tiền cho những thỏa thuận giao hàng đã hứa. Nhiên liệu được định giá bằng đồng USD và một lô hàng hiện có giá gần 100 triệu USD. Để so sánh, các lô hàng LNG đạt trung bình 33 triệu USD trong những năm 2010.

Vào tháng trước, dự trữ ngoại hối của Pakistan đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây, đẩy xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này bởi Moody xuống mức cực kì thấp trong vòng 2 năm qua. Tại Thái Lan, lạm phát đã tăng cao nhất trong vòng 14 năm và dự trữ ngoại hối cũng ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng cảnh báo rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu đồng baht không sớm ổn định.

Nếu không có khí đốt của Nga chảy vào châu Âu, thị trường khí đốt toàn cầu sẽ bị thắt chặt. Giá giao ngay sẽ vẫn ở mức cao và không có khả năng đảm bảo nguồn cung trong dài hạn, các nước đang phát triển có thể tìm đến các loại nhiên liệu bẩn hơn hoặc các đối tác khác.

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nhu cầu khí đốt tự nhiên của các nền kinh tế đang phát triển đã chậm lại, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Nam Á. Đồng thời nhấn mạnh thêm rằng khí tự nhiên là loại năng lượng đốt sạch nhất và thải ra ít CO2 hơn than khi đốt cháy.

Sự thiếu hụt năng lượng đã khiến các quốc gia mới nổi và Nga xích lại gần nhau hơn. Nga hiện đang rất vui khi được cung cấp nhiên liệu cho các nước Pakistan, Ấn Độ và những nước khác đã bị loại khỏi thị trường giao ngay.

Trong khi nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã giảm do giá giao ngay cao, quốc gia này đã tăng cường mua LNG của Nga với mức chiết khấu sâu. Theo dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp, lượng giao hàng từ Nga đến Trung Quốc đã tăng khoảng 25% trong năm nay.

Giải pháp cho các nước nghèo

Các nước nghèo hơn có thể sẽ sử dụng các nhiên liệu rẻ hơn như than và dầu hoặc tìm cách phát triển các nguồn lực trong nước của riêng mình. Phòng Thương mại Quốc tế Bangladesh đã kêu gọi Chính phủ nhanh chóng tiến hành việc thăm dò khí đốt tự nhiên cả trên đất liền lẫn ngoài khởi để thay thế LNG đang ngày một đắt đỏ.

Ông Shaiq Jawed, Giám đốc điều hành tại JK Group, nhà cung cấp hàng dệt may có trụ sở tại Pakistan cho các chuỗi khách sạn toàn cầu, cho biết: “Vào mùa hè này, đây là lần đầu tiên sau 25 năm, công ty chỉ nhận được một nửa lượng khí đốt cần thiết. Nếu cần, chúng tôi có thể dựa vào điện và năng lượng từ than đá.”

Tuy nhiên than và dầu bẩn hơn nhiều so với khí đốt. Quá trình khai thác nhiên liệu hóa thạch mới tiêu tốn nhiều năng lượng và có liên quan đến việc gia tăng ô nhiễm dẫn tới động đất.

Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu khí đốt tại các quốc gia mới nổi của châu Á đã chậm lại trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 do giá cao ngất. Thái Lan, quốc gia sử dụng khí đốt hàng đầu trong khu vực, đã chứng kiến ​​nhu cầu giảm 12% trong giai đoạn đó do giá cao làm giảm nhu cầu sử dụng.

Các nước sẽ phải tính toán về việc phân chia nhiên liệu và lên lịch cắt điện khi không có đủ năng lượng để sử dụng. Mathur cho biết sẽ mất tới 4 năm để thị trường có thể cân bằng lại.

Các quốc gia ở Nam Mỹ, như Brazil và Argentina có thể dựa vào thủy điện để vượt qua cơn bão này. Mặc dù vậy, hóa đơn nhập khẩu năng lượng của Brazil đã tăng hơn gấp đôi trong 7 tháng đầu năm nay lên 3,7 tỷ USD kết quả của việc giá cả ở nước ngoài tăng cao và sự chậm trễ của một dự án đường ống trong nước.

Trong khi đó, Philippines và Việt Nam đang cân nhắc lại kế hoạch bắt đầu nhập khẩu khí đốt tự nhiên. Philippines tiếp tục trì hoãn việc khởi động nhà ga nhập khẩu đầu tiên của họ, trong khi Việt Nam đang xem xét cắt giảm công suất đối với các nhà máy nhiệt điện khí đã được lên kế hoạch. Những dự án này được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong nước.

Theo Bloomberg

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên