MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Châu Âu tiến thoái lưỡng nan vì lạm phát kỉ lục gần 11%: Chỉ 1 quyết định sai cũng sẽ trả giá đắt

03-11-2022 - 10:19 AM | Tài chính quốc tế

Châu Âu tiến thoái lưỡng nan vì lạm phát kỉ lục gần 11%: Chỉ 1 quyết định sai cũng sẽ trả giá đắt

Bất chấp việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất nhanh chóng, hơn một nửa trong số 19 quốc gia khu vực đồng Euro vẫn ghi nhận tỉ lệ giá tiêu dùng tăng ở mức hai con số.

Lạm phát tiếp tục tăng

Giá tiêu dùng tăng mạnh ở châu Âu báo hiệu rằng lạm phát ngày càng lấn sâu hơn trên khắp châu lục mặc dù tăng trưởng đang chậm lại, làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm đưa các nền kinh tế vượt qua mùa đông khắc nghiệt và có thể xảy ra suy thoái.

Theo New York Times, giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng Euro đã tăng với tốc độ kỷ lục hàng năm là 10,7% vào tháng 10, Ủy ban châu Âu thông báo. Vào tháng 9, tỷ lệ tăng là 9,9%. Trong khi 12 tháng trước, con số mới chỉ là 4,1%.

Giá cả không ngừng tăng ngày càng khắc sâu thêm những lựa chọn khó khăn mà các nhà lãnh đạo và các chủ ngân hàng trung ương châu Âu phải đối mặt. Với tuyên bố quyết tâm ngăn chặn đà tăng giá, Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước thông báo họ đã tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ 2 liên tiếp. Cho đến tháng 9 vừa qua, ngân hàng này đã không áp dụng mức tăng lớn như vậy kể từ năm 1999.

Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng nỗ lực giảm lạm phát bằng cách làm cho các khoản vay và thế chấp trở nên đắt đỏ hơn sẽ khiến các quốc gia rơi vào suy thoái kinh tế, làm tắc nghẽn đầu tư và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Châu Âu tiến thoái lưỡng nan vì lạm phát kỉ lục gần 11%: Chỉ 1 quyết định sai cũng sẽ trả giá đắt - Ảnh 1.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cảnh báo: "Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đối mặt với việc phải đánh đổi rất nhiều thứ, gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn chính sách bởi họ phải giải quyết một hậu quả khó lường bắt nguồn từ tăng trưởng yếu và lạm phát cao."

Mặc dù ủy ban báo cáo rằng tăng trưởng tăng 0,2% trong quý 3 - cao hơn dự kiến - nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng suy thoái ở châu Âu là không thể tránh khỏi. Một số người cho biết rằng họ dự kiến tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm sẽ xấu đi.

Vấn đề hạ nhiệt lạm phát mà không khiến nền kinh tế suy thoái đã được Ngân hàng Trung ương châu Âu đặc biệt chú ý.

Khi Christine Lagarde, chủ tịch ngân hàng, thông báo về việc tăng lãi suất vào tuần trước, bà ngụ ý rằng lập trường "diều hâu" của ngân hàng có thể sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, mức lạm phát tăng cao hiện nay có khả năng sẽ khiến những người khác kêu gọi có những động thái quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.

Lucrezia Reichlin, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London, cho biết: "Tôi dự đoán rằng điều này sẽ gây ra chia rẽ quan điểm trong hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Châu Âu,".

Vấn đề khó giải quyết

Bà nói, sự kết hợp giữa lạm phát và sản lượng cao hơn dự kiến cho thấy rằng thiếu hụt nguồn cung không phải là vấn đề duy nhất; nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng cũng đang góp phần làm tăng giá.

Giá năng lượng và lương thực tăng cao tiếp tục đẩy lạm phát lên mức kỷ lục. Trong 12 tháng qua, giá năng lượng tăng 41,9% trong khi giá lương thực tăng 13,1%. Với việc Nga rút khỏi một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, giá ngũ cốc có thể còn tăng cao hơn nữa.

Đáng lo ngại hơn nữa là những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang mở rộng phạm vi sang các lĩnh vực khác.

Hơn một nửa số nước khu vực đồng Euro ghi nhận tỷ lệ lạm phát hai con số trong năm tính đến tháng 10, bao gồm Đức (11,6%); Hà Lan (16,8%); Ý (12,8%) và Slovakia (14,5%). Ở các nước vùng Baltic, tỷ lệ đã vượt qua 21%. Pháp cho thấy tỷ lệ thấp nhất là 7,1%.

Chi tiêu của người tiêu dùng một phần đã đưa Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 0,3% trong quý thứ 3. Nền kinh tế của Ý tăng 0,5% và Thụy Điển tăng 0,7%. Tổng sản lượng đã chậm lại so với mức 0,8% được ghi nhận trong khoảng thời gian ba tháng trước đó. Ở những nơi khác, tăng trưởng chậm lại trong quý 3: tăng trưởng ở Pháp và Tây Ban Nha, mỗi nước chỉ tăng 0,2%, trong khi các nền kinh tế của Áo và Bỉ giảm 0,1%.

Trong khối lớn hơn gồm 27 quốc gia Liên minh châu Âu, tăng trưởng quý III tăng 0,2%, tương đương với khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tại Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 8,2% trong năm tính đến tháng 9. Tỷ lệ lạm phát của Anh là 10,1% so với cùng kỳ.

IMF đã kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục hoạt động có thể trong năm tới. Tổ chức này lưu ý rằng "chưa thể giải thích được gần một nửa mức tăng lạm phát cơ bản gần đây tại châu Âu vẫn dựa trên các nguyên nhân thông thường", cho thấy rằng xung đột Ukraine và hậu quả của đại dịch Covid-19 đang góp phần tạo ra đợt lạm phát lan rộng mới.

Trong khi hầu hết các nhà kinh tế thúc giục một đường lối cứng rắn hơn đối với lạm phát, ngày càng có nhiều ý kiến đặt câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương có đang đi quá xa và quá nhanh hay không. Lãi suất cao hơn sẽ không đột ngột làm tăng nguồn cung dầu, lúa mì và vi mạch, và thậm chí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt do đầu tư sụt giảm.

Theo Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên