MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cháu bé 12 tuổi đã mắc ung thư: BS cảnh báo căn bệnh ung thư khó phát hiện đang trẻ hoá

12-06-2019 - 18:00 PM | Sống

TS Phạm Văn Bình – Bệnh viện K trung ương cho biết, hiện nay các bệnh ung thư đang trẻ hoá trong đó có ung thư dạ dày, bác sĩ ghi nhận có cháu bé 12 tuổi đã mắc ung thư dạ dày.

Nhiều bệnh nhân còn trẻ

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật cho một trường hợp bệnh nhân nữ bị ung thư dạ dày. Bệnh nhân trẻ nhất phẫu thuật ung thư cắt toàn bộ dạ dày ở bệnh viện này là một nữ sinh 16 tuổi. So với 20 năm về trước, các bác sĩ cảnh báo bệnh nhân đang có xu hướng tăng nhanh và trẻ hoá.

Theo TS Phạm Văn Bình – trưởng Khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K Trung ương tại Bệnh viện K, 16 tuổi mắc ung thư dạ dày không phải trường hợp trẻ nhất mà bác sĩ gặp. Tại Bệnh viện K đã ghi nhận một trường hợp trẻ nhất bị ung thư dạ dày 12 tuổi, quê ở Thái Bình.

Cháu bé có tiền sử viêm dạ dày mãn tính và khi đến bệnh viện K cháu bị đau bụng, gầy xanh xao, niêm mạc nhợt.

Cháu bé được nội soi phát hiện ung thư dạ dày và nhanh chóng được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu. Sau phẫu thuật, cháu bé có thể điều trị hóa chất trong thời gian tiếp theo.

TS Bình cho rằng bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa đang trẻ hoá. Năm 2017, bác sĩ Bình đã mổ cho một trẻ 16 tuổi, bệnh nhân bị ung thư xâm lấn rộng. Dù phẫu thuật thành công nhưng sau đó bệnh nhân đáng tiếc tử vong do phát hiện bệnh quá muộn.

Cháu bé 12 tuổi đã mắc ung thư: BS cảnh báo căn bệnh ung thư khó phát hiện đang trẻ hoá - Ảnh 1.

TS Phạm Văn Bình - trưởng khoa Ngoại 1, BV K trung ương

Mỗi năm trên thế giới có khoảng trên 18 triệu ca bị ung thư mới mắc và con số tử vong do ung thư cũng rất là ấn tượng khoảng 9,6 triệu ca.

Đối với ung thư dạ dày người ta cũng có nghiên cứu, báo cáo, theo một tổ chức uy tín cho biết, tính đến 2018 có khoảng trên 1,3 triệu ca ung thư dạ dày mới mắc và con số tử vong là trên 783 nghìn ca.

Tại Việt Nam theo con số thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng trên 17 nghìn ca ung thư dạ dày mới mắc và con số tử vong rất lớn khoảng 15 nghìn ca.

TS Phạm Văn Bình cho biết, đối với ung thư dạ dày tại Việt Nam là loại ung thư tương đối thường gặp xếp hàng thứ 3 trong các bệnh ung thư, sau ung thư phổi và ung thư gan.

Tại bệnh viện K Trung ương là một bệnh viện ung thư quốc gia, mỗi một năm tại bệnh viện phẫu thuật trên 22 nghìn ca, con số ung thư dạ dày là hơn 2 nghìn ca.

Dấu hiệu dễ nhầm với viêm dạ dày

Trong khi đó, TS Bình cho biết ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm rất là khó phân biệt với viêm dạ dày thông thường. Nhiều bệnh nhân có tiền sử viêm dạ dày và khi thấy các dấu hiệu khó chịu của viêm dạ dày chỉ mua thuốc uống.

Cháu bé 12 tuổi đã mắc ung thư: BS cảnh báo căn bệnh ung thư khó phát hiện đang trẻ hoá - Ảnh 2.

Ung thư dạ dày ít có dấu hiệu rõ ràng

Ung thư dạ dày các dấu hiệu cảnh báo bệnh rất khó. Ví dụ, người bệnh đau mơ hồ, nóng rát vùng thượng vị, chán ăn, đầy, chậm tiêu. Khi tổ chức ung thư phát triển to gây ra triệu chứng rõ rệt: đau tăng hơn, buồn nôn, nôn do khối u chèn ép hang môn vị, thậm chí có thể do loét chảy máu, bệnh nhân có xuất huyết tiêu hóa.

Nhiều trường hợp bệnh nhân cũng có triệu chứng toàn thân như sút cân, mệt mỏi là triệu chứng tiến triển của ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ sống 5 năm trên 90%, giai đoạn 2 còn trên 70% giai đoạn 3 chỉ còn 30-40% , giai đoạn 4 chỉ còn 10%. Chính vì thế, TS Bình khuyến cáo khi có các dấu hiệu trên người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để bác sĩ khám và sàng lọc

Nói về nguyên nhân gây ung thư dạ dày, TS Bình cho biết đến nay vẫn chưa nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Việc tìm hiểu nguyên nhân trực tiếp của bệnh vẫn là một thách thức đối với y khoa đặc biệt là ung thư.

Các nhà nghiên cứu chỉ tập hợp được các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến ung thư dạ dày. Trong đó vi khuẩn HP được đưa ra nhiều. TS Bình cho biết vi khuẩn HP là một yếu tố nguy cơ gây viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính dẫn đến ung thư.

Tuy nhiên, khoảng thời gian để chứng minh rõ ràng viêm loét dạ dày có HP bao lâu sẽ dẫn đến ung thư thì vẫn là thách thức và là câu hỏi bỏ ngỏ. Vì vậy, người nhiễm vi khuẩn HP cần tuân thủ quá trình điều trị nghiêm túc, đầy đủ để tiêu diệt vi khuẩn HP.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ là khi chúng ta có là có khả năng mắc một bệnh cao hơn trong đó có ung thư dạ dày như chế độ ăn uống cũng là một trong nhóm có yếu tố nguy cơ. Các nghiên cứu thống kê trên thế giới, người ta cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày đó là chế độ ăn nhiều muối, nhiều thịt, ít chất xơ… dẫn đến béo phì và tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn.

Theo Tiểu Nhã

Trí thức trẻ

Trở lên trên