MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chạy” chính sách?

Tính đến cuối tháng 3-2016, tổng số tiền chi hoàn thuế GTGT là 26.805 tỷ đồng, trong đó chi hoàn trong năm 2015 từ dự toán 2016 ứng trước là 7.556 tỷ đồng; chi hoàn cho các quyết định ban hành năm 2015 chuyển sang 2016 để chi là 7.118 tỷ đồng và hoàn cho các quyết định ban hành năm 2016 là 12.131 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ hoàn thuế GTGT năm 2016 là 98 nghìn tỷ đồng.

Thông tin từ Tổng cục Thuế, hiện khối lượng hồ sơ đề nghị hoàn ngày càng lớn, nhất là thời điểm tháng 3 và đầu tháng 4. “Hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thời điểm này đang tăng khủng khiếp"- lãnh đạo một Vụ của Tổng cục Thuế cho biết. Và theo vị này, không loại trừ khả năng DN “chạy” trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội ấn nút thông qua.

Bởi từ 1-7 tới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật thuế chính thức bỏ nhiều trường hợp không được hoàn thuế như: Cơ sở kinh doanh trong 12 tháng liên tục có số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết; Hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan.

Còn nhớ năm 2015, qua giám sát quản lý hoàn thuế nhất là ở trường hợp hoàn thuế đối với cơ sở kinh doanh trong 12 tháng liên tục có số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết, Tổng cục Thuế đã chỉ ra nhiều tồn tại như: Kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào không đúng quy định: kê khai khấu trừ trùng lắp trên một hoá đơn GTGT, kê khai khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn chứng từ hàng hóa mua vào không phục vụ sản xuất kinh doanh, kê khai số thuế GTGT đầu vào khấu trừ lớn hơn số tiền thuế viết trên hóa đơn; kê khai khấu trừ đối với giá trị nguyên vật liệu đã xuất trả lại nhà cung cấp...

Bên cạnh đó, còn những trường hợp vi phạm thủ tục, điều kiện hoàn thuế liên quan đến pháp luật thuế GTGT và quản lý thuế như: sử dụng mã số thuế không đúng quy định (nhất là trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc, chi nhánh),... vi phạm quy định thủ tục, điều kiện về hoàn thuế liên quan đến các lĩnh vực khác như: Không lưu giữ sổ sách chứng từ kế toán theo đúng quy định của pháp luật kế toán; thủ tục về con dấu, sử dụng con dấu không đúng quy định; vi phạm về đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp...

Để “lấp lỗ hổng” trong hoàn thuế, Tổng cục Thuế đề nghị sẽ tạm dừng giải quyết hoàn thuế đối với các trường hợp: Chuyển hồ sơ sang thanh tra thuế; DN có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thuế; DN có số tiền thuế nợ đang điều chỉnh hoặc sai sót chờ xử lý… DN mua hàng hóa dịch vụ của đơn vị đã có thông báo không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh, DN ngừng hoạt động; Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang thu giữ hồ sơ của DN liên quan đến số thuế đề nghị hoàn…; DN mua hàng hóa dịch vụ của DN khác mà DN này có vi phạm nghiêm trọng về thuế…

Hy vọng với các biện pháp mạnh của ngành Thuế sẽ ngăn chặn tình trạng gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN.

Theo Mai Ka

Hai quan

Trở lên trên