Cháy chung cư, ai chịu trách nhiệm?
Sau vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TP HCM), nhiều người sống tại các chung cư bắt đầu quan tâm đến bảo hiểm căn hộ.
- 26-07-2018Kết quả giám định nguyên nhân cháy chung cư Carina: Không có dấu hiệu phá hoại
- 24-05-2018Cháy chung cư Vinaconex ở Hà Nội, cư dân hoảng loạn tháo chạy
- 29-04-2018Cháy chung cư cao cấp trong ngõ nhỏ, cư dân bỏ chạy
Gần đây, Công ty Hùng Thanh (chủ đầu tư chung cư Carina; quận 8, TP HCM) đã lên tiếng về việc ngưng hỗ trợ các hộ là nạn nhân vụ cháy chung cư, làm nhiều người bức xúc. Sau đó, khi làm việc với UBND quận 8, chủ đầu tư này chấp nhận tiếp tục hỗ trợ cư dân dù vẫn than khó. Nhiều người đặt câu hỏi: Chủ đầu tư Carina là công ty lớn, có tiền, còn tiền thì đền bù cho cư dân. Vậy những chung cư mà chủ đầu tư có ít vốn hay chủ đầu tư nợ ngân hàng, đem quyền sở hữu nhà đất của cư dân cầm cố ngân hàng thì khi cháy nổ lấy gì đền?
Hết vốn đến phá sản
Luật sư Nguyễn Trình (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích: Thông thường, các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án xây dựng tòa nhà chung cư, căn hộ, văn phòng thường thành lập doanh nghiệp (DN) là pháp nhân để thực hiện dự án dưới hình thức phổ biến là công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
Theo quy định của Luật DN 2014, ở các loại hình công ty này, chủ sở hữu, thành viên góp vốn hay cổ đông đều chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi số vốn mà mình đã góp vào DN. Như vậy, kể cả trong trường hợp phát sinh các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính vượt quá số vốn điều lệ DN thì chủ thể góp vốn cũng không phải chịu trách nhiệm ở những phần vượt quá số vốn đã góp. Khi toàn bộ số vốn đã góp của chủ thể góp vốn đã được sử dụng hết để thanh toán các khoản nợ, thực hiện các nghĩa vụ tài chính thì trách nhiệm pháp lý của chủ thể góp vốn với các khoản nợ, các nghĩa vụ tài chính coi như chấm dứt và không liên quan tới bất kỳ tài sản nào khác ngoài số vốn đã góp.
Trong trường hợp DN không còn khả năng thanh toán các khoản nợ, mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính thì người đại diện theo pháp luật của DN có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) về nguyên tắc, khi vụ cháy xảy ra, những cư dân bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường về thiệt hại đối với tài sản, yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, tinh thần và các khoản bồi thường khác nếu có thiệt hại trên thực tế và có căn cứ chứng minh thiệt hại mà những cư dân phải gánh chịu. Xét về trách nhiệm pháp lý, căn cứ vào từng nguyên nhân gây ra vụ cháy khác nhau mà trách nhiệm sẽ thuộc về những chủ thể tương ứng như người trực tiếp gây ra vụ cháy, chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý dự án, cơ quan bảo hiểm...
Nếu chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ và ban quản trị đã được thành lập, khi xảy ra cháy nổ mà nguyên nhân sơ suất trong cách quản lý, vận hành, giám sát hệ thống, phương tiện báo cháy không hoạt động thì trách nhiệm sẽ thuộc về ban quản lý, ban quản trị chung cư. Phần trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ được xác định cụ thể theo quy định của pháp luật.
Chung cư Carina sắp nghiệm thu
Nên mua bảo hiểm cháy nổ
Dọn về sống tại một chung cư ở quận 12 (TP HCM) đã 5 năm nhưng đến nay căn hộ của chị Nguyễn Thạch Lê (SN 1989) vẫn chưa được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư mang giấy tờ chung cư thế chấp trong ngân hàng để xoay vốn.
Sau vụ cháy chung cư Carina, chị Lê và "hội cư dân chung cư" nơi chị ở bắt đầu tính đến việc mua bảo hiểm căn hộ. "Những chủ đầu tư có tiềm lực nếu xảy ra sự cố thì có thể họ còn hỗ trợ cho mình. Còn những công ty không có khả năng lỡ xảy ra cháy nổ họ phá sản, nhà mình thì tiêu tan; lúc đó chắc chỉ biết khóc" - chị Lê nhận xét.
Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm toàn diện nhà tư nhân thì chị Lê mới thấy các điều khoản rất mập mờ như được bảo hiểm là cháy do nổ hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác, loại trừ trường hợp tài sản tự tỏa nhiệt hoặc tự cháy. Ngoài ra, bảo hiểm cũng không chịu trách nhiệm trong trường hợp tài sản bị đốt cháy theo lệnh/quyết định của cơ quan công quyền cho dù việc ra lệnh/quyết định đó có đúng và phù hợp với quy định của pháp luật hay không.
Theo các chuyên gia về bảo hiểm, người mua bảo hiểm nhà tư nhân chỉ được công ty bảo hiểm bồi thường phần hư hỏng của phần xây dựng cụ thể là khung của tòa nhà, chung cư và không áp dụng các tài sản trong căn nhà. Nếu muốn được bảo hiểm tài sản bên trong ngôi nhà thì khách hàng phải mua thêm gói bảo hiểm cho hạng mục này.
Luật sư Võ Đan Mạch thông tin bắt đầu từ ngày 15-4-2018, Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã có những quy định cụ thể về việc mua bảo hiểm đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nghị định quy định rõ: Bên mua bảo hiểm và DN bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định. Theo quy định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
"Có thể thấy những quy định hiện nay của pháp luật quy định về bảo hiểm liên quan đến cháy nổ là khá phù hợp, việc mua bảo hiểm buộc chúng ta có ý thức hơn trong việc PCCC để tránh xảy ra cháy nổ do lỗi chủ quan con người. Người dân cần căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và trong các điều khoản hợp đồng mua hay thuê chung cư với chủ đầu tư để ràng buộc trách nhiệm pháp lý một cách rõ ràng với cơ quan, tổ chức và nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho mình" - luật sư Mạch phân tích.
Người lao động