Ghi nhận của phóng viên, hàng trăm công nhân đang hối hả thực hiện các công đoạn chuẩn bị để đổ bê tông sàn nhà ga trung tâm Bến Thành ở các tầng dưới lòng đất. Đây được xem là công đoạn vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự kiểm soát gắt gao, tỉ mỉ từ khâu chọn cốt liệu cho đến bảo dưỡng bê tông. Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có ba ga ngầm: nhà ga trung tâm Bến Thành, ga Nhà Hát Thành phố và ga Ba Son. Trong đó, ga ngầm Bến Thành ngoài phục vụ hành khách tuyến metro số 1, đây còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác như tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), tuyến metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên) và tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân – Khu đô thị Hiệp Phước). Vì vậy Ga ngầm Bến Thành còn được gọi là Nhà ga trung tâm Bến Thành. Để chạy đua cho kịp tiến độ, hàng trăm công nhân, kỹ sư đã miệt mài, tất bật làm việc xuyên đêm, cố gắng hoàn thành công đoạn hết sức quan trọng này. Tính đến nay tiến độ toàn gói thầu 1a đã đạt 72%. Nhà thầu đang phấn đấu hoàn thành việc đổ bê tông sàn đáy (base slab) của tất cả 4 tầng trong năm 2020. Hiện nay Ga ngầm Bến Thành đã hoàn thiện 100% việc đổ bê tông sàn đáy tầng B3F và B4F, thực hiện 94% việc đổ bê tông sàn đáy tầng B2, và 93% việc đổ bê tông sàn đáy tầng B1. Tổng diện tích sàn đáy nhà ga Bến Thành đã thực hiện đến nay đạt 96%. Ngoài ra một số hạng mục khác như sàn đôi, sàn trung gian, tường và cột kết cấu nhà ga cũng đang được Nhà thầu khẩn trương thực hiện. Khu vực Lê Lợi đang triển khai thi công hạng mục hầm đào hở, dự kiến hoàn tất công tác thi công kết cấu vào cuối quý 2 và triển khai tái lập mặt bằng từ quý 3/2021. Ga Bến Thành nằm tại khu vực trung tâm TPHCM, có vị trí quan trọng, kết nối với Chợ Bến Thành. Nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế phù hợp với cảnh quan kiến trúc xung quanh và được kỳ vọng là một trong những biểu tượng mới của TPHCM trong tương lai. Nhà Ga được thiết kế ngầm dài 236 m, rộng 60 m, độ sâu khoảng 32 m, kết nối với tất cả các tuyến metro số 1, số 2, số 3A và số 4. Nhà ga Trung tâm Bến Thành bao gồm 4 tầng, bao gồm các khu vực và phòng cần thiết để vận hành nhà ga như sảnh chờ, sảnh đã thu phí, lối lên xuống, văn phòng ga, phòng nghỉ của nhân viên, phòng cơ học, phòng điện, phòng quạt thông gió,… Cụ thể, tầng B1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, văn phòng ga, phòng thiết bị, phòng xử lý không khí và môi trường, trạm điện (Tuyến 4),…. Tầng B2 gồm ga ke tuyến 1, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách, ngoài ra còn có văn phòng kiểm soát ke ga, phòng thiết bị PCCC & bơm cấp nước, phòng thiết bị hút và thông gió,… Tầng B3 gồm phòng xử lý không khí, phòng cấp điện, phòng nghỉ nhân viên và ke ga Tuyến 4 (trong tương lai). Tầng B4 gồm ke ga tuyến số 2, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
MAUR cho biết, nhà ga Trung tâm Bến Thành có sáu lối lên xuống, lối số 1 và số 2 tại khu vực Công viên 23-9 – Công trường Quách Thị Trang; Lối số 3 tại đường Phan Chu Trinh, bên cạnh chợ Bến Thành Lối số 4 và số 5 được nối trực tiếp vào tầng hầm của dự án khu tứ giác Bến Thành; lối số 6 còn lại nằm ở giao lộ Lê Lai – Huỳnh Thúc Kháng – Hàm Nghi, phía trước tòa nhà Công ty vận tải Đường sắt.