MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cháy' hàng heo sữa

22-04-2016 - 10:31 AM | Thị trường

Trong thời gian gần đây, heo sữa loại 4 - 6,5 kg/con ở Bình Định được thương lái thu mua mạnh để đưa sang cung ứng cho thị trường Trung Quốc nên ngày càng trở nên hút hàng.

Heo sữa được thu mua giá cao gấp nhiều lần so với giá heo giống, nên những người nuôi heo nái sinh sản có đàn heo con nào vừa đủ cân lượng là bán hết theo loại heo sữa, do đó heo giống để nuôi lên heo thịt trở nên khan hiếm, trong khi hiện phong trào tái đàn, tăng đàn trong chăn nuôi heo ở Bình Định rất mạnh.

Hoạt động thu mua heo sữa sôi động nhất là tại huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh “thủ phủ heo của miền Trung”. Trong thời gian vừa qua, tại địa bàn huyện Hoài Ân, ngoài hoạt động thu mua heo thịt của thương lái vẫn diễn ra rầm rộ như thường này, còn có thêm 1 hoạt động khác còn rầm rộ hơn là cánh thương lái thu mua heo sữa đi lùng sục từng thôn xóm hẻo lánh để tìm mua hàng.

Nói hoạt động thu mua heo sữa rầm rộ hơn bởi lẽ những người nuôi heo thịt đã có số điện thoại của cánh thương lái, khi có nhu cầu bán là gọi điện, thương lái không cần phải lùng sục tìm mua.

Còn heo sữa thì lượng heo đã ít, thị trường tiêu thụ heo sữa không “ăn” đều quanh năm như heo thịt nên giữa thương lái và những người nuôi heo nái sinh sản chưa có mối gắn kết, bây giờ muốn mua cho ra hàng thì người mua phải đi lùng kiếm khắp nơi khiến hoạt động này trở nên sôi động bất thường.

Chị Đoàn Thị Nở ở thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), 1 thương lái chuyên lên huyện Hoài Ân mua gom heo sữa về bỏ lại cho các đại lý, cho biết: “Heo sữa được thu mua từ 4 - 6,5 kg/con, giá 100.000 - 110.000 đ/kg nhưng không có để mua. Lùng sục dữ lắm mỗi ngày tui cũng chỉ mua được vài ba chục con, chở về Bồng Sơn bỏ cho các đại lý. Khi đại lý tập trung đủ số lượng cho 1 chuyến xe, heo sữa được chuyển ra Hải Dương để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ”.

Theo những người chăn nuôi heo nái sinh sản ở Hoài Ân, thương lái còn mua cả loại heo 3 - 4 kg/con, loại heo này được gọi là “heo chuột”, giá mua còn cao hơn heo sữa.

Chị Lê Thị Luận ở thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), người đang có trong chuồng 4 heo nái sinh sản, tính toán: “Trước đây, giá heo giống bán cho người về nuôi heo thịt chỉ có 60.000 đ/kg.

Nay do những người nuôi heo sinh sản có đàn heo con nào đều bán hết theo heo sữa, nên heo giống trở nên khan hiếm, theo đó giá heo giống cũng tăng lên 75.000 đ/kg. Dù heo giống đã tăng giá 15.000 đ/kg so với trước đây, nhưng người nuôi heo nái sinh sản vẫn lựa chọn bán heo sữa.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, tỉnh hiện có đàn heo nái sinh sản 150.000 con, lượng heo giống ra đời mỗi năm không những đủ cung ứng cho người nuôi heo thịt trên địa bàn mà còn thừa để bán ra tỉnh ngoài.

Nhưng đó là nói trong thời điểm heo sữa không được thị trường ăn mạnh như hiện nay, heo con ra đời đều trở thành heo giống.

Bây giờ heo con ra đời đều bị bán theo heo sữa, nên trong thời gian tới ngành chăn nuôi heo ở Bình Định lâm tình trạng khan hiếm heo giống là chắc chắn.

Bởi 1 con heo con từ khi đẻ, nuôi đến đạt chuẩn heo giống (12 kg/con) nuôi tốt lắm cũng phải mất ít nhất 1 tháng rưỡi, trong thời gian này 1 heo con ăn mất 300.000 - 400.000đ, nhưng khi bán chỉ được 75.000 đ/kg. Còn heo sữa 5 - 6 kg/con là bán được, không tiêu tốn tiền thức ăn, lại được giá 100.000 - 110.000 đ/kg, lợi hơn”.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Phó phụ trách Trạm Thú y huyện Hoài Ân, hiện tổng đàn heo trên địa bàn huyện này có 232.000 con, trong đó 40.000 heo nái sinh sản. Giá heo thịt đứng ở mức 45.000 đ/kg heo hơi. Với giá này, mỗi con heo thịt đạt trọng lượng 70 kg/con người nuôi có lãi từ 700.000 - 800.000đ, những con heo nuôi đạt từ 1 tạ trở lên có lãi từ 1 - 1,2 triệu đ/con.

“Sau Tết đàn heo thịt trên địa bàn giảm mạnh do hầu hết đã bán trong dịp Tết. Bây giờ heo thịt đang đứng ở giá cao nên người nuôi có nhu cầu mua heo giống để tái đàn rất cao. Tuy nhiên, do heo sữa ăn mạnh nên lượng heo giống rất khan hiếm”, ông Vương nói.

Theo cách nói của ông Vương, chúng tôi làm 1 phép tính: Với đàn nái sinh sản 40.000 con, mỗi năm 1 nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân 8 heo con, như vậy mỗi năm trên địa bàn huyện Hoài Ân có 640.000 heo giống ra đời. Huyện Hoài Ân có 82 thôn, thôn nào cũng lấy nghề nuôi heo làm “kinh tế mũi nhọn”. Hầu như hộ nào cũng nuôi, hộ nuôi nhiều năm bảy chục con, hộ nuôi ít nhất cũng vài chục con.

Khoảng 15.000 hộ nuôi heo với trên 100 hộ chăn nuôi quy mô trang trại và 400 hộ nuôi quy mô gia trại thì số lượng heo giống ra đời trên địa bàn hàng năm như đã kể trên xem ra chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu. Nhất là trong bối cảnh đang “chảy máu” heo giống do heo sữa “lấn” giá.

Chị Lê Thị Bình ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức (Hoài Ân), cho biết thêm: “Heo giống đang hút hàng đến nỗi thương lái mua không cần tính toán. Trước đây, heo giống họ mua 12 kg/con vì người nuôi heo thịt chỉ thích mua giống cỡ này để dễ nuôi.

Nếu lứa heo nào lỡ nuôi đến 15 kg/con họ cũng mua, nhưng chỉ tính tiền như loại 12 kg/con, nhà chuồng cũng đành phải bán. Bây giờ heo nuôi từ 17 - 18 kg/con họ vẫn mua theo giá heo giống và tính tiền đủ chứ không trừ tiền như trước đây”.

Theo Vũ Đình Thung

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên