MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Nghi vấn về lợi ích của 3 tỉ phú Pháp quyên tiền

19-04-2019 - 16:07 PM | Tài chính quốc tế

Những khoản quyên góp đến từ các tỉ phú Pháp, công ty và người dân để khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris đã vượt mốc 1 tỉ USD chỉ 2 ngày sau vụ hỏa họa cho thấy hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần trong cộng đồng Pháp.

Thế nhưng, đã xuất hiện nhiều nghi vấn về việc một số doanh nhân đóng góp rất nhanh, bao gồm những suy đoán về việc họ được hưởng lợi từ các khoản giảm thuế nhờ quyên góp.

Nhiều người dùng mạng xã hội ở trong và ngoài nước Pháp bày tỏ sự thất vọng về việc các thảm họa khác - từ cuộc khủng hoảng tị nạn Syria và Iraq đến vụ cháy Tháp Grenfell ở London - đã không nhận được bất cứ khoản hỗ trợ tương tự nào vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris.

Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Nghi vấn về lợi ích của 3 tỉ phú Pháp quyên tiền - Ảnh 1.

Người giàu nhất nước Pháp Bernard Arnault. Ảnh: Art News

Khi ngọn lửa vẫn còn chưa được dập tắt, tỉ phú Francois-Henri Pinault, người đứng đầu tập đoàn Kering sở hữu các thương hiệu Gucci và Saint Laurent, tuyên bố góp 100 triệu euro. Vài giờ sau, người giàu nhất nước Pháp Bernard Arnault, chủ tập đoàn LVMH, thông báo góp 200 triệu euro. Chưa hết, gia đình Bettencourt-Meyer, cổ đông lớn nhất của tập đoàn L’Oreal, cũng góp 200 triệu euro.

Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Nghi vấn về lợi ích của 3 tỉ phú Pháp quyên tiền - Ảnh 2.

Tỉ phú Francois-Henri Pinault, người đứng đầu tập đoàn Kering. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia về thương hiệu và danh tiếng cho biết phản ứng nhanh chóng của những tập đoàn nổi tiếng của Pháp dẫn đến sự lan tỏa, đặc biệt là khi vụ việc liên quan đến một biểu tượng quốc gia.

Ông Adrian Palmer, trưởng khoa tiếp thị và danh tiếng tại Trường Kinh doanh Henley (Anh), cho rằng cả 3 gia đình tỉ phú và các công ty của họ đều có mối liên kết chặt chẽ với hình ảnh nước Pháp và được hưởng lợi từ việc củng cố mối liên hệ này.

Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Nghi vấn về lợi ích của 3 tỉ phú Pháp quyên tiền - Ảnh 3.

Bà Francoise Bettencourt Meyers, người thừa kế tập đoàn L’Oreal. Ảnh: Reuters

Chuyên gia này phân tích: "Những thương hiệu nói trên đại diện cho Pháp và họ bán hàng trên khắp thế giới. Vì vậy, bất cứ điều gì khiến thương hiệu Pháp trở thành trung tâm chú ý của mọi người cũng đều có lợi cho họ và ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. Điều đó giúp tạo ra những liên tưởng tích cực trong tâm trí của mọi người về sự hào phóng, chu đáo và lòng tốt của các tập đoàn Pháp".

Nhiều người dùng mạng Twitter tranh luận số tiền quyên góp đó nên được dùng ở châu Phi hoặc chống lại biến đổi khí hậu hơn là xây dựng lại một nhà thờ. Trong khi đó, những người khác cho rằng trong vụ này, cách tiếp thị thông minh lấn át cả sự hào phóng.

Ông Palmer nhận định dù cho không phải là mục đích tiếp thị thì việc đề nghị hỗ trợ sớm cũng có thể có lợi cho quan điểm chính trị của một công ty. Cả 3 công ty đều ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron và muốn được xem là họ có giúp ích trong việc đáp lại lời kêu gọi phục dựng nhà thờ của tổng thống.

(Theo Reuters)

Theo Xuân Mai

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên