Cháy rừng: Nỗi kinh hoàng của ngành du lịch Nam Âu
Rừng bị tàn phá và cháy rừng ở Nam Âu đang gây thiệt hại kinh tế to lớn. Điều này có ý nghĩa gì đối với người dân địa phương và ngành du lịch mà hầu hết họ phụ thuộc vào?
- 05-08-2023Bùng nổ du lịch Nhật Bản
- 30-07-2023Nhu cầu du lịch tăng cao, các hàng không đồng loạt báo lãi
- 14-07-2023Châu Âu vẫn là điểm nóng du lịch vào mùa hè năm nay
Theo hãng thông tấn DW (Đức), hình ảnh du khách chạy khỏi đám cháy trên đảo Rhodes của Hy Lạp và cháy rừng hoành hành ngoài tầm kiểm soát ở Sicily của Ý là chủ đề chính của báo chí châu Âu tuần qua, đặt ra câu hỏi liệu khu vực Địa Trung Hải có còn là điểm đến phổ biến cho kỳ nghỉ hè hay không.
Địa Trung Hải chịu ảnh hưởng đặc biệt
Các nhà khoa học tin chắc rằng, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như sóng nhiệt, sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở châu Âu trong tương lai. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), khu vực xung quanh biển Địa Trung Hải đang nóng lên đặc biệt nhanh chóng.
Tháng 4/2023, nhiệt độ khắc nghiệt đã được ghi nhận ở Tây Ban Nha; và đợt nắng nóng tháng 7 được ghi nhận là kéo dài nhất trong lịch sử ở Hy Lạp.
Chỉ riêng trong tháng 7, hơn 50.000 ha rừng đã bị thiêu rụi ở Hy Lạp, gần bằng một nửa diện tích của thủ đô Berlin (Đức). Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS), các đám cháy ở Tây Ban Nha cũng đã đạt đến mức độ này vào đầu tháng 4.
Trong suốt năm ngoái, một diện tích rừng khoảng 800.000 ha, tương đương với diện tích của Montenegro, đã bị thiêu hủy trong Liên minh Châu Âu (EU). Janez Lenarcic - Cao ủy Liên minh Châu Âu về Hỗ trợ Nhân đạo và Quản lý Khủng hoảng - cho biết vào tháng 1/2023 rằng, tổn thất ước tính ít nhất là 2 tỷ euro.
Nơi nào có hỏa hoạn, nơi đó GDP giảm
Những đám cháy không thể kiểm soát hoành hành trong nhiều ngày không chỉ gây hậu quả tàn khốc cho thiên nhiên mà còn phá hủy sinh kế và gây tổn hại cho nền kinh tế.
Sarah Meier - người nghiên cứu các hiện tượng thời tiết cực đoan và tác động kinh tế của các vụ hỏa hoạn tại Đại học Birmingham (Anh) - nói rằng, nơi nào có hỏa hoạn hoành hành, nơi đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm.
"Số liệu việc làm trong ngành du lịch cho thấy, ít người có việc làm hơn sau các vụ hỏa hoạn", bà nói với DW.
Theo DW, trong khối EU gồm 27 quốc gia, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cháy rừng có thể xin hỗ trợ từ Brussels. Ví dụ, hơn 500 lính cứu hỏa từ các quốc gia khác đã được triển khai tới Hy Lạp, và EU còn gửi thêm 9 máy bay chữa cháy. Tất cả những việc này được bảo vệ bởi cơ chế cứu trợ thiên tai của EU.
Hơn nữa, các quỹ tái thiết có thể được huy động thông qua một quỹ đoàn kết của EU, tuy nhiên, Nghị viện Châu Âu sẽ có tiếng nói cuối cùng.
Hỏa hoạn và du lịch ở phía nam châu Âu
DW nhận định, ngành du lịch có lẽ cũng quan trọng đối với Hy Lạp như ngành ô tô đối với Đức. Khoảng 20% sản lượng kinh tế Hy Lạp đến từ du lịch. Ở Tây Ban Nha và Ý lần lượt là 12% và 9%.
Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng quốc tế Moody gần đây đưa ra cảnh báo rằng, các điểm đến du lịch ở Nam Âu có thể mất sức hấp dẫn trong thời gian dài do nắng nóng và cháy rừng, gây hại cho nền kinh tế.
Các dự đoán của Moody, dựa trên các mô hình khí hậu, cho thấy các khu vực ven biển với tư cách là điểm đến du lịch sẽ giảm đáng kể lượng khách theo các kịch bản nóng lên khác nhau, trong khi nhiều quốc gia phía bắc có thể thu hút được nhiều du khách hơn.
Harald Zeiss - Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch tại Đại học Harz (Đức) - cho biết, mặc dù các mô hình khí hậu dự đoán nắng nóng, hạn hán và hỏa hoạn, nhưng "du lịch ở khu vực Địa Trung Hải sẽ không sụp đổ chỉ sau một đêm". Ông dự đoán rằng, các mùa du lịch có thể thay đổi, vì du khách có thể thích đi nghỉ ở khu vực Địa Trung Hải vào mùa xuân hoặc mùa thu hơn là vào mùa hè.
Petro Beritelli – chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Du lịch và Vận tải tại Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ) - cho biết: "Cháy rừng và các hiện tượng cực đoan khác được mọi người coi là sự kiện riêng lẻ trong khu vực và không phải là yếu tố ngăn cản [du lịch], vì con người thường có xu hướng quên chúng đi". Ông nói với DW rằng, các điểm đến như Dubai và Las Vegas cho thấy nhiệt độ cực cao không ngăn cản mọi người đi du lịch đến những nơi như vậy.
Đổi mới để giải cứu ngành du lịch
Johann Goldammer - Giám đốc Trung tâm Giám sát Hỏa hoạn Toàn cầu (GFMC) ở Freiburg (Đức) - đề xuất nhiều cải tiến hơn để ngăn chặn cháy rừng về lâu dài.
Ông nói với DW: "Do quá trình đô thị hóa, có quá nhiều đất đai bị bỏ hoang và khi biến đổi khí hậu, kèm theo thời kỳ khô hạn và các đợt nắng nóng làm trầm trọng thêm tình trạng này, thì hỏa hoạn là điều không thể tránh khỏi."
Goldammer cho rằng, du lịch nên trở nên "bền vững hơn và có sự tham gia của mọi người, ví dụ như hỗ trợ nông dân Hy Lạp trong trang trại ô liu hoặc vườn nho của họ".
Sau trận hỏa hoạn kinh hoàng trên đảo Euboea của Hy Lạp vào năm 2021, Goldammer đã trình bày các đề xuất của mình với Chính phủ Hy Lạp. Chúng bao gồm khái niệm sử dụng đất lâu dài và các biện pháp ngăn ngừa hỏa hoạn. Goldammer cho biết, thay vì chỉ tập trung vào việc tăng cường năng lực chữa cháy, công tác phòng ngừa nên được ưu tiên.
Bồ Đào Nha đã triển khai các biện pháp cụ thể sau các trận cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng vào năm 2017. Trong nỗ lực ngăn chặn cháy rừng, một trong những biện pháp được chính phủ nước này triển khai là cấm trồng lại cây bạch đàn vì chúng rất dễ bắt lửa. Dữ liệu mới nhất từ EFFIS cho thấy, các vụ cháy ở Bồ Đào Nha ít nghiêm trọng hơn ở Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp.
Tổ quốc