Chạy trốn khỏi đất nước, dân di cư sống tạm bợ, đánh cược tính mạng mòn mỏi mơ 'miền đất hứa'
Nhiều người nhập cư ở Pháp sống trong tình cảnh cùng cực khi giấc mơ vượt biên sang Anh chưa thành hiện thực.
Salman cùng vợ và 3 đứa con 3 lần vượt biên qua Eo biển Manche vào Anh với hy vọng kiếm tìm cuộc sống mới ở miền đất hứa nhưng bất thành.
Khi thời tiết chuyển biến xấu khiến việc vượt biển tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, gia đình Iraq này tính chuyển sang đường bộ.
Salman nói anh hiểu tử thần luôn chực chờ gia đình một khi bước chân vào thùng container kín còn hơn cả quan tài đóng đinh đó. Nhưng giống như những người khác ở trại tạm trú tại Dunkirk, miền Bắc nước Pháp, gia đình Salman không có nhiều lựa chọn.
"Tôi biết là nguy hiểm nhưng còn nguy hiểm hơn nếu ở Iraq. Chúng tôi chỉ muốn tới đó thôi", Salman nói khi đứng bên cạnh chiếc lều của gia đình giữa đồng cỏ ở Dunkirk, Pháp.
Căn lều mà Salman và gia đình trú tạm ở Dunkirk. (Ảnh: Facebook)
Hàng trăm ngưòi khác, trong đó có những người mang theo con nhỏ ở trong tình cảnh tương tự tại trại tạm trú cách thành phố Calais khoảng 50 km. Các nhân viên cứu trợ cho biết mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi các nhà chức trách tăng cường truy quét.
Để tới Anh, những người nhập cư ở đây phải trả một khoảng tiền vào khoảng 10.000 bảng Anh (gần 300 triệu đồng) cho các băng đảng buôn người để băng qua Eo biển Manche hoặc di chuyển bằng xe tải tới Anh.
Các đối tượng buôn người thường được cài cắm ở các khu lán tạm trú, tìm kiếm các con mồi trước khi buông lời dụ dỗ những người tị nạn tuyệt vọng không còn nhiều lựa chọn.
Khi lực lượng chức năng tăng cường truy quét, càng nhiều người sẵn sàng liều mạng để vượt biên sang Anh. Trong 3 tháng qua, 4 người thiệt mạng trong những nỗ lực này.
Theo các số liệu thống kê, mỗi tháng có khoảng 3.000 người tìm cách vượt eo biển Manche để tới Anh. Trong năm 2018, giới chức Pháp, Bỉ ngăn chặn 35.000 trường hợp vượt biên sang xứ sở sương mù.
Salman và gia đình hiện sống tạm bợ ở khu bảo tồn thiên nhiên Grande-Synthe, Dunkirk. Họ không có nước uống và phải lấy nước từ một hồ gần đó.
Các chuyên gia y tế cho biết bệnh tật đang lan tràn khi số người tị nạn chuyển tới khu bảo tồn thiên nhiên này tăng cao do giới chức trục xuất họ khỏi một khu tập thể thao với các điều kiện khá khẩm hơn gần đó.
Kể từ sau khi ông Grande-Synthe lên nắm quyền thị trưởng thành phố, các chính sách với người nhập cư trở nên ngặt nghèo hơn. Hồi tháng 7, ông này từng tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận "ít nhân đạo hơn" với người nhập cư.
Người tị nạn phải uống nước lấy từ hồ. (Ảnh: Facebook)
Nhưng nhiều quan chức địa phương phản ứng với cách tiếp mà họ khẳng định là có phần cực đoan quá mức này.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy mọi chuyện tệ đến vậy. Chính quyền chưa bao giờ thực hiện các biện pháp triệt để như vậy. Cảnh sát đến, dỡ lều, để lũ trẻ dưới mưa, ngăn cản các tổ chức cứu trợ phân phát thực phẩm và quần áo. Những người này cần sự giúp đỡ, chúng ta không thể để mặc họ như vậy", ông Dany Wallyn, một thành viên hội đồng lập pháp địa phương nói.
Chloe Lorieux, điều phối viên của Tổ chức Bác sĩ Thế giới, cho biết tình hình ở Dunkirk đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Trung bình mỗi ngày tổ chức này điều trị 40-60 trường hợp, gấp đôi so với 6 tuần trước đó.
"Mọi thứ sẽ rất tệ nếu họ không được tiếp cận nguồn nước. Các vết thương sẽ bị nhiễm bẩn, người nhập cư sẽ dễ bị tổn thương hơn và khó để hồi phục", bà Lorieux nói.
Không chỉ bị suy nhược về thể chất, các đợt truy quét cũng khiến người nhập cư suy sụp về tinh thần. Họ kiệt sức và căng thăng, không có thời gian nghỉ ngơi và luôn phải di chuyển. Một số trẻ em có phản ứng tiêu cực như làm đau mình.
Theo bà Maddy Allen, một thành viên của Help Refugees - tổ chức phi chính phủ cung cấp viện trợ nhân đạo và vận động cho người tị nạn trên khắp thế giới, việc thắt chặt các biện pháp an ninh để ngăn người nhập cư trái phép sẽ phản tác dụng đẩy những người tuyệt vọng tìm kiếm những con đường nguy hiểm hơn.