"Chè của mẹ" 50 năm nép mình trong con ngõ nhỏ ở Hà Nội
Những ngày Hà Nội bước sang mùa thu, tranh thủ buổi chiều gió mát, nhiều chị em rủ nhau đi ăn một cốc chè, vừa nhâm nhi món ăn ngon, vừa tận hưởng cái không khí dễ chịu.
- 10-10-2024Mộc mạc những bức tranh cổ động bằng phấn màu nơi ngõ nhỏ mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô
- 17-09-2024Lò bánh Trung thu cổ truyền hơn 34 năm tuổi ẩn mình trong con ngõ nhỏ ở Hà Nội, nơi làm ra những chiếc bánh nướng con cá gắn liền với tuổi thơ nhiều người
- 06-09-2024Ấn tượng không tốt từ cái nhìn đầu tiên, cặp đôi Gen Z thông báo có em bé đầu lòng trước ngày dạm ngõ
Ở trong con nhỏ ngõ 349 trên đường Phố Huế, đi một đoạn vào phía bên trong bạn sẽ bắt gặp một tiệm chè nhỏ để cái tên là "Chè của mẹ by Trường Thao since 1975". Hóa ra, quán chè nhỏ bé đã tồn tại suốt gần 50 năm nay.
Có quán chè truyền thống nép trong con ngõ nhỏ với tuổi đời gần 50 năm
Với những ai thích những món truyền thống thì chắc chắn sẽ thích các món chè tại quán Trường Thao, hay bây giờ còn gọi với cái tên là Chè của mẹ 1975. Hỏi ra cô chủ mới kể rằng: "Hồi trước mẹ cô bán chè ở đê Trần Khát Chân rồi sau này mới chuyển về đây bán".
Nói vậy, quán chè Trường Thao ở Phố Huế cũng ngót nghét 30 năm. Cũng chính là từ quán chè của mẹ, mẹ truyền con nối, cô Thao giờ là người nối nghiệp và quyết định để tên tiệm như vậy để gợi nhớ về người mẹ của mình.
Quán Chè của mẹ nằm nép mình bên trong con ngõ nhỏ trên đường Phố Huế.
Cô Thao tâm sự: "Tên Trường Thao là tên của hai vợ chồng, còn cái tên 'Chè của mẹ' thì cô mới để mấy năm nay. Mỗi ngày nhà cô bán từ 10 giờ sáng đến khoảng 5-6 giờ chiều là nghỉ. Chè thì cô nấu từ sáng, ngày nào cô cũng làm từng này món chè".
Quán chè Trường Thao được bán ngay tại nhà với quầy chè hướng ra ngoài. Bên trong quầy chè là đủ thứ chè bắt mắt, nào là chè bưởi, chè đỗ đen, chè đỗ xanh, chè cốm, chè khoai, chè Thái... rồi còn có cả caramen, thạch rau câu nhiều màu sắc. Nổi bật nhất chính là những miếng cốm xào được rắc dừa tươi lên trên và đặt trên miếng lá chuối. Mùa thu mà, ai mà chẳng thích ăn cốm cơ chứ.
Vì đi vào chiều muộn nên nhiều món chè đã bán gần hết.
Chè ở quán chủ yếu là chè truyền thống, nhưng cô Thao cũng làm thêm vài món chè kiểu mới cho phù hợp với thị hiếu khách hàng. Với những món chè kiểu truyền thống, cô Thao vẫn giữ công thức và cách làm từ mẹ mình để lại, có chăng là gia giảm chút độ ngọt vì giờ xu hướng người ta cũng ăn ít ngọt hơn trước.
Với những ai đến đây không biết ăn gì thì chè thập cẩm chắc hẳn là lựa chọn hợp lý hơn cả. Trong cốc chè có đủ thứ, đủ hương vị, hòa quyện với nhau, khiến người ăn cứ vừa ăn vừa thích thú đoán xem mình vừa ăn gì.
Cô Thao cùng chồng tự tay làm từng món chè, thậm chí trân châu cũng là nhà tự làm để đảm bảo chất lượng. Mùa này thì nhất định không thể bỏ qua cốm xào, miếng cốm dẻo thơm quyện với nhau, ăn là biết ngay cốm loại ngon. Thưởng thức miếng cốm xào cùng với dừa tươi, cảm thấy như cả mùa thu ùa về.
Nói về chè cốm, cô Thao tâm sự: "Mùa thu này nhiều người mua cốm xào ở đây rồi ra quán cafe ngồi để tận hưởng không khí mùa thu cho trọn vẹn. Khách nhà cô có những người ăn quen cốm xào, ăn chỗ khác lại không thích bằng. Món này đơn giản nhưng quan trọng nhất vẫn là chọn cốm chuẩn".
Món cốm xào tại đây được nhiều khách hàng yêu thích.
Các loại chè tại quán Trường Thao cũng đều trọn vẹn và vừa vặn, vị ngọt thanh chứ không bị gắt. Mọi thứ mộc mạc từ cốc chè cho đến không gian quán. Thực ra vì bán tại nhà nên mọi thứ đều đơn giản, chỉ là vài chiếc bàn chiếc ghế nhỏ kê thêm phía ngoài, ai thích có thể ngồi vào bên trong ở cái bàn cao, hình như cũng là bàn ăn của nhà. Trên tường bảng thực đơn được treo cùng nhiều món đồ khác của gia đình, có cả chiếc ti vi treo ở góc đúng kiểu phong cách để ti vi của nhiều người thế hệ cũ.
Người Hà Nội say mê những cốc chè trong buổi chiều thu
Vào một ngày trời thu Hà Nội trong trẻo, nắng chiếu xuyên vào bên trong con ngõ nhỏ, dẫn tới hàng chè với đủ những thứ chè quen thuộc. Khách ghé đến quán phần nhiều là khách quen, nhưng cũng có nhiều người được bạn bè giới thiệu tìm đến.
Cốc chè thập cẩm dành cho ai đến đây không biết ăn gì mà cái gì cũng muốn thử.
Cô hàng xóm cách đó mấy nhà ngày nào cũng ghé qua đây làm một cốc chè, có mấy chị em văn phòng tranh thủ buổi chiều rủ nhau đi ăn cốc chè rồi ngồi nói với nhau đủ thứ chuyện, có mấy bạn trẻ ghé vội qua mua cốm xào đem đi... Quán chè nhỏ nhưng cứ tập nấp là thế, cô Thao tay thoăn thoắt làm chè cho khách nhưng cũng không quen hỏi kỹ xem khách ăn thế nào để làm cho đúng.
Cô Thao tranh thủ lúc vắng khách ăn một cốc chè do mình tự làm.
Chú Trường 63 tuổi còn cô Thao năm nay 59 tuổi, vẫn say mê ở tiệm chè của gia đình. Chiều đến, cô chú mỗi ngày làm một cốc chè của nhà, chẳng gì uy tín hơn khi thấy người bán ăn đồ ăn của cửa hàng mình. Cô Thao kể: "Cô gắn bó với công việc này từ hồi trẻ, cô chưa bao giờ đi làm ở đâu. Ngày xưa cô cũng sợ phải đi làm nghề khác. Bởi vậy, quán chè chính là thanh xuân của cô".
Chị Ngọc Dung, khách quen của tiệm chè, tâm sự: "Mình ăn chè ở đây từ hồi còn đi học, kiểu cứ đi học về rồi la cà qua đây ăn cốc chè. Giờ đi làm rồi nhưng tuần nào mình cũng qua đây, lúc thì ăn tại chỗ, lúc thì mua về cho cả nhà. Chè ở đây ngon lắm, cô chú cũng vui tính hay hỏi chuyện mình nữa".
Bây giờ có lẽ chẳng thiếu những hàng chè đủ loại, thế nhưng giữa những quán chè kiểu mới với các món sáng tạo lạ mắt, thì nhiều người vẫn thích tìm về những quán chè truyền thống thân quen, trở lại với hương vị của tuổi thơ.
Không gian quán chè đơn sơ nhưng lại cảm giác gần gũi như nhà mình.
Cũng vì thế dù nằm sâu trong con ngõ nhỏ, hàng chè Trường Thao - Chè của mẹ vẫn được nhiều người ghé đến. Đôi khi chúng ta chỉ cần hương vị giản dị và gần gũi đấy!
Tổ Quốc