Chế độ "ăn toàn thịt" để giảm cân và có lợi cho sức khỏe là có thật, đây là những điều bạn cần biết về nó
Nghe như đùa, nhưng có người thực sự đã theo chế độ ăn toàn thịt vì những lý do như giảm cân, giảm stress…
- 17-06-2019Có trường hợp mất mạng vì ăn thức ăn để qua đêm, bác sĩ cảnh báo 7 loại thực phẩm không để qua đêm
Nghe có vẻ thật kì lạ và có phần "không thật", nhưng chế độ ăn toàn thịt này được nhiều người theo đuổi. Bằng chứng là chỉ cần tìm kiếm từ khoá "Carnivore diet", bạn sẽ thấy rất nhiều kết quả phân tích, đánh giá, những lý do vì sao nên thử, vì sao lại không cùng rất nhiều ý kiến trái chiều.
Chế độ carnivore diet ăn toàn thịt được nhiều người thử sức và theo đuổi.
Cùng với các chế độ ăn Keto, Paleo… chế độ ăn toàn thịt (carnivore diet) là một trong những khái niệm mới nhất về ăn uống cho sức khoẻ. "Carnivore" dịch ra là "thú ăn thịt", vậy nên cách đơn giản nhất để hiểu về chế độ ăn này là so sánh nó với những món mà một loài thú ăn thịt sẽ tiêu thụ: chỉ toàn là thịt.
Cụ thể, carnivore diet là chế độ ăn chỉ bao gồm thịt, cá và các sản phẩm như trứng hoặc một số chế phẩm từ sữa. Chế độ này phải hoàn toàn bỏ đi hết tất cả các thực phẩm khác như trái cây, rau củ quả, các loại hạt, ngũ cốc… Chế độ ăn toàn thịt bắt nguồn từ niềm tin của một số chuyên gia rằng thuỷ tổ loài người thời xưa đã chỉ từng ăn phần lớn thịt và cá, và rằng các loại thực phẩm chứa tinh bột (carbonhydrate) là nguyên do gây nên các chứng bệnh phổ biến với con người thời hiện đại. So với các chế độ như keto và paleo chỉ hạn chế lượng tinh bột, chế độ ăn toàn thịt hướng đến "zero carb", nghĩa là hoàn-toàn-không-tinh-bột.
Bác sĩ Shawn Baker - một người nổi tiếng ủng hộ chế độ ăn toàn thịt.
Shawn Baker – một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình người Mỹ là một trong số những người nổi tiếng ủng hộ chế độ ăn toàn thịt này. Ông đã đưa ra bằng chứng từ kết quả của những người theo chế độ ăn này, rằng nó có thể chữa các bệnh như trầm cảm, lo âu, béo phì, tiểu đường… Tuy nhiên, điều này vẫn còn nằm trong vòng nghi vấn bởi vào năm 2017, bằng y học của bác sĩ Baker đã bị hội đồng y học Mexico thu hồi do quan ngại về khả năng chuyên môn. Mặt khác, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chi tiết về lợi ích của chế độ ăn này.
Song, nhiều người vẫn theo đuổi chế độ ăn toàn thịt vì cho rằng nó phù hợp với mình. Vậy thì, sự thật là gì?
Khả năng giúp giảm cân của carnivore diet
Một trong những lý do lớn nhất khiến người ta theo đuổi chế độ ăn này là do yếu tố giảm cân. Cụ thê, một số nghiên cứu đã cho thấy các chế độ ăn giàu đạm, ít tinh bột có khả năng dẫn tới giảm cân hiệu quả. Đây là vì chất đạm (protein) có thể giúp bạn cảm thấy no lâu, giảm cảm giác thèm ăn và nhờ đó, giảm lượng calorie thu vào. Đạm cũng có thể làm tăng quá trình trao đổi chất và giúp đốt năng lượng nhiều hơn. Vì thế, theo đuổi chế độ ăn toàn thịt có thể giúp bạn cảm thấy no nhiều hơn và ăn ít hơn – ít ra là trong một khoảng thời gian ngắn, theo như trang Healthline.
Xét trên một số phương diện thì chế độ ăn toàn thịt thật ra có thể dẫn đến giảm cân. Nguồn ảnh: Shreducated.
Một nghiên cứu kéo dài ba tháng bao gồm 132 người trưởng thành mắc bệnh béo phì đã thực hiện so sánh giữa 4 chế độ ăn chứa nhiều phân lượng tinh bột và đạm khác nhau. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng những người ăn nhiều đạm giảm cân nhanh và nhiều hơn những ai ăn ít đạm hơn.
Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải loại bỏ tinh bột hoàn toàn để giảm cân. Thay vào đó, giảm lượng calorie nhập vào mỗi ngày mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giảm cân.
Chế độ ăn này có lợi ích hay ảnh hưởng tiêu cực gì đến sức khoẻ?
Bởi vì chế độ ăn toàn thịt loại bỏ hoàn toàn tinh bột, nên nó cũng loại bỏ tất cả các thức ăn vặt như bánh ngọt, kẹo, soda… cùng nhiều loại thức ăn khác (bột trên gà rán, hamburger hay các loại thịt trộn với gia vị, rau củ đều không được chấp nhận). Hầu hết những loại thức ăn này đều được xem là thức ăn kém lành mạnh và thường có lượng calorie cao, nên việc bỏ chúng đi có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho cơ thể. Ngoài ra, việc loại bỏ các sản phẩm chứa nhiều đường cũng giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát sức khoẻ của mình.
Tuy nhiên, loại bỏ hoàn toàn tinh bột cũng không cần thiết để quản lí bệnh tiểu đường. Các bác sĩ cho rằng ăn một ít những loại tinh bột chứa nhiều chất xơ mà không gây ảnh hưởng đến đường huyết sẽ tốt hơn.
Mặt khác, tuy không có nhiều nghiên cứu chứng minh về lợi ích sức khoẻ của chế độ ăn toàn thịt, nhưng khuyết điểm của nó lại có rất nhiều.
Bởi vì hoàn toàn sử dụng thực phẩm từ động vật nên chế độ ăn của bạn sẽ có rất nhiều chất béo bão hoà và cholesterol, dễ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, nhiều người cũng nhầm lẫn rằng họ có thể ăn các chế phẩm từ thịt đã qua xử lý như thịt nguội, các món thịt đóng hộp, mà những loại này thì chứa nồng độ sodium cao, có thể dẫn đến cao huyết áp, bệnh thận và nhiều hệ quả khác.
Một khuyết điểm khác dễ thấy đó là sự thiếu thốn chất xơ, vitamin đến từ trái cây, rau củ quả và ngũ cốc. Chế độ toàn thịt loại bỏ hoàn toàn thực phẩm từ thực vật, vì vậy, nó có thể khiến người ăn thiếu nhiều chất dinh dưỡng và có thể gặp nhiều vấn đề về hệ tiêu hoá nếu theo đuổi trong một thời gian dài.
Source (Nguồn): Healthline, Shawn Baker, Shreducated...
Helino