Chen chân vào kênh bán lẻ siêu thị: Bài toán con gà và quả trứng với các doanh nghiệp khởi nghiệp
Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Nhưng để có một miếng bánh thị phần thì không hề đơn giản đặc biệt với các startup.
- 12-10-2017Điều còn thiếu để hình ảnh TGĐ người Nhật cúi chào bán xăng tạo nên sự thay đổi lớn như Thế giới di động với bán lẻ điện thoại
- 09-10-2017Ngày tận thế của ngành bán lẻ truyền thống Mỹ và cốc cà phê của người Việt
- 06-10-2017Thị trường bán lẻ: Khi ông ngoại ồ ạt đổ bộ, nguy cơ “quân ta đánh quân mình” để giành giật cơ hội
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng bình quân của tiêu dùng cá nhân tại Việt Nam là 10,5%/năm, từ đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng dần qua các năm với tỷ lệ tăng bình quân là 15,5%/năm. Cụ thể:
Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh từ 70 tỷ USD năm 2010 lên đến 158 tỷ USD năm 2016. Trong vòng 3 năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tới con số 180 tỷ USD. Kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% thị phần, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%.
Tiềm năng rất lớn nhưng để có một miếng bánh thị phần thì không hề đơn giản. Đặc biệt với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành tiêu dùng nhanh, thực phẩm, rất khó để tìm được một chỗ đứng trong kênh phân phối hiện đại là siêu thị.
Ví dụ có startup chọn xơ mướp là sản phẩm khởi nghiệp, dù được đánh giá cao về chất lượng cũng như tính cạnh tranh về giá cả nhưng đến nay nhà sáng lập vẫn loay hoay tìm đường đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. Anh chia sẻ với VTV từng hợp tác với một hệ thống nhà sách để đưa sản phẩm vào kênh phân phối nhưng để thanh toán một đơn hàng nhưng có khi bị "giam hóa đơn" tới 2-3 tháng. Vì vậy startup này đã từ bỏ kênh phân phối thông qua nhà sách.
Ngay cả doanh nghiệp lớn hơn 1 chút có trang trại 200 ha tại Lâm Đồng, kinh doanh nhiều mặt hàng từ trà, cà phê cho đến rau nhưng đến nay chỉ có duy nhất sản phẩm rau vào được kệ siêu thị. "Quá trình thuyết phục họ mất khoảng 1 năm. Đầu tiên họ không biết mình là ai, họ không tin mình. Họ có 1 câu hỏi là nếu tôi hợp tác với bạn thì sản lượng bán tại siêu thị tôi có tăng lên hay không?", anh Đồng Đức Thành, giám đốc Cầu Đất Farm chia sẻ.
Theo quy hoạch mạng lưới siêu thị của Bộ công thương, tới năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1.500 siêu thị. Với dư địa phát triển còn lớn nhưng điều kiện đầu vào cao chứng nhận về chất lượng y tế hay dán nhãn hàng hóa là những rào cản doanh nghiệp khởi nghiệp vấp phải.
"Tiêu chuẩn để vào được kênh phân phối siêu thị là rất cao. Đặt hàng của các kênh phân phối trở thành một cách đặt đầu bài. Nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp cố gắng giải quyết được bài toán đặt ra thì chính họ đang phát triển", ông Phạm Duy Hiếu, Cựu CEO ABBank, Giám đốc Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Vietnam Startup Foundation cho biết.
Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cũng ví von bài toán này cũng giống bài toán con gà và quả trứng: Doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ phải thuyết phục được các kênh phân phối để đưa hàng vào. Ngược lại muốn có quy mô lớn phải bán được hàng, mở rộng sản xuất. Phần lớn các startup hiện nay vẫn có duy nhất kênh phân phối internet như Facebook, Website để thuyết phục người tiêu dùng.
Trí thức trẻ