MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chênh lệch giàu nghèo ở tỉnh, thành nào lớn nhất?

Chênh lệch giàu nghèo ở tỉnh, thành nào lớn nhất?

Không phải cứ những nơi có thu nhập bình quân cao thì bất bình đẳng sẽ cao.

Theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2020, nếu xét 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, 10 địa phương có khoảng cách giàu nghèo nhỏ nhất là TP. HCM, Đồng Tháp, Bình Thuận, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh. 

Nhìn chung, các địa phương có chênh lệch giàu nghèo thấp lại đứng thứ hạng cao về thu nhập. Cũng theo khảo sát này, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, TP. HCM đứng thứ hai sau Bình Dương.

Chênh lệch giàu nghèo ở tỉnh, thành nào lớn nhất? - Ảnh 1.

10 địa phương có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất là Cao Bằng, Sơn La, Quảng Trị, Yên Bái, Quảng Bình, Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Cần Thơ.

Chênh lệch giàu nghèo ở tỉnh, thành nào lớn nhất? - Ảnh 2.

Trừ Cần Thơ, hầu hết các địa phương có chênh lệch giàu nghèo lớn thường có thu nhập tương đối thấp so với trung bình cả nước. Điện Biên là tỉnh có thu nhập thấp nhất cả nước. Đứng thứ hai sau Điện Biên là Sơn La.

Khảo sát cũng chỉ ra, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019.

Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng).

Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng.

Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,0 triệu đồng 1 người 1 tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng 1 người 1 tháng).

Mặt khác, Hệ số bất bình đẳng (Gini) năm 2020 là 0,375 điểm. Hệ số bất bình đẳng có chiều hướng giảm từ 0,423 điểm năm 2019 xuống 0,375 điểm 2020, đây là mức giảm khá đáng kể so với giai đoạn 2016-2018. 

Năm 2020, sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở nông thôn cao hơn so với thành thị (0,373 điểm so với 0,330 điểm), điều này thể hiện không phải ở những nơi có thu nhập bình quân đầu người cao thì ở đó sự bất bình đẳng cao. 

Điều này càng được khẳng định khi đánh giá hệ số Gini theo vùng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên có hệ số bất bình đẳng cao hơn hẳn các vùng khác (0,420 điểm và 0,406 điểm). Vùng có hệ số bất bình đẳng thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với Gini năm 2020 là 0,291 điểm.

Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, có thể thấy rằng chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016). 

Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần. 

Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất (hơn 3,9 triệu đồng/người/tháng). Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng). 

Ngoài ra mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% so với năm 2018.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên